Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật học và có công việc với thu nhập khá tại một công ty nước ngoài, thế nhưng chàng trai K'Ho sinh năm 1994 K'Lép lại quyết định quay về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương bằng hướng đi mới cho riêng mình.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật học và có công việc với thu nhập khá tại một công ty nước ngoài, thế nhưng chàng trai K’Ho sinh năm 1994 K’Lép lại quyết định quay về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương bằng hướng đi mới cho riêng mình.
|
K’Lép trong nhà nấm hương vừa thu được những đợt đầu tiên |
Những năm gần đây, trên địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã mạnh dạn chuyển từ canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Những vườn rau, hoa, đặc biệt là atiso đã làm thay đổi “bộ mặt” vùng DTTS xã Đạ Sar. Và mới đây nhất, mô hình trồng nấm hương của chàng trai K’Ho 9X K’Lép đã mở ra thêm hướng đi mới để phát triển kinh tế cho bà con DTTS nơi đây.
Trong nhà nấm rộng 50 m
2 dựng lên trên mảnh vườn của gia đình, chàng cử nhân Luật K’Lép - Thôn 4, xã Đạ Sar hồ hởi khoe vừa thu được đợt đầu 4 tạ nấm hương sau 3 tháng chăm sóc, với giá khoảng 70 ngàn đồng/kg. Niềm vui của K’Lép như được nhân lên bởi nắm rõ kỹ thuật chăm sóc nấm hương từ những tìm tòi, học hỏi và nhất là thực hiện được ước mơ của bản thân từ những tháng ngày còn là sinh viên.
Vừa bật hệ thống tưới làm mát nhà nấm, K’Lép vừa kể: “Khi còn là sinh viên, mình đến chơi nhà người bạn có trồng nấm hương. Thấy nhà nấm với những bịch phôi ra tai nấm tua tủa, mình thích quá liền nghĩ mô hình này có lẽ thích hợp với địa phương của mình bởi tương đồng khí hậu. Thế nhưng, ra trường vì chưa có điều kiện, mình xin vào làm cho một công ty nước ngoài”.
K’Lép cho biết: Suốt 2 năm đi làm chưa khi nào anh thôi suy nghĩ về nấm. Do đó, anh quyết định trở về nhà bắt tay vào làm nông nghiệp vốn là nghề truyền thống của gia đình để thực hiện giấc mơ về nấm. Mặc dù gia đình làm cà phê, atiso, nhưng anh muốn thử nghiệm với nấm hương. Vậy là đi tham khảo quy trình trồng nấm hương tại một công ty chuyên trồng nấm hương ở xã Đạ Nhim, cùng với tìm hiểu trên báo, đài, sau đó anh vay mượn khoảng 100 triệu đồng để làm nhà nấm và mua 4.000 phôi về chăm sóc. Anh còn tham gia khóa tập huấn của công ty cũng như học hỏi từ một số hộ trồng nấm ở xã Đạ Nhim để về áp dụng vào nhà nấm của mình.
“Thật vui chỉ sau 3 tháng, mình đã thu được những đợt nấm đầu tiên” - K’Lép nói.
K’Lép cũng cho hay, kỹ thuật chăm sóc nấm hương không khó, cũng không vất vả, ai cũng có thể trồng được, chỉ cần học hỏi và nắm vững quy trình kỹ thuật vì sự tăng trưởng và quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... Điều kiện đầu tiên là nhà trồng nấm phải đúng tiêu chuẩn về kích thước và độ ẩm phải đảm bảo trên 85%. Về kỹ thuật có thể học hỏi những hộ đã trồng cũng như được công ty tập huấn. “Nếu hộ nào muốn trồng nấm hương thì mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hướng dẫn kỹ thuật mà mình đã áp dụng thành công với nhà nấm của mình. Mình thấy đây là hướng đi khá hiệu quả, sẽ làm đa dạng mô hình kinh tế của địa phương”, K’Lép chia sẻ.
Còn với việc đảm bảo tiêu chuẩn về độ ẩm, theo K’Lép điều này không quá khó, bởi ngoài việc làm nhà trồng nấm thông thoáng thì chỉ cần tưới nước cho phôi nấm đều đặn hàng ngày và chú ý tưới lên mái nhà nấm khi trời nắng. Vì thế, bên cạnh nhà nấm của K’Lép là một ao cá, vừa cung cấp nước tưới nhà nấm, vừa thả cá để tăng thêm thu nhập trên một diện tích.
“Thời gian tới, mình muốn mở rộng diện tích nhà nấm, bởi đầu ra đã có công ty cung cấp phôi nấm, thu mua. Tuy nhiên, nguồn vốn hạn hẹp nên mình cũng muốn có sự hỗ trợ từ Nhà nước”, K’Lép tâm sự.
“Đó cũng là khó khăn của bà con DTTS xã Đạ Sar, bởi đầu tư một nhà trồng nấm cũng xấp xỉ 100 triệu đồng. Mặc dù đây là mô hình mới và bước đầu khá hiệu quả, nhiều hộ dân cũng muốn trồng nhưng không có vốn. Hội Nông dân xã cũng đang đề xuất tạo điều kiện nguồn vốn vay cho bà con DTTS để họ thử nghiệm trồng nấm hương, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập và nhất là tạo ra được sản phẩm mới cho địa phương”, bà Liêng Jrang K’Sáu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Sar cho biết.
VIỆT HÙNG