Cử nhân về quê trồng lan rừng thu tiền tỷ

06:03, 19/03/2020

"Trồng chơi ăn thật", đó là câu nói cửa miệng của những người trong giới chơi hoa lan rừng với nhau. Nhiều lúc, gặp khách và chủ cần bán vài ba giò lan cũng bằng tiền lương cả năm trời của một công chức nhà nước...

“Trồng chơi ăn thật”, đó là câu nói cửa miệng của những người trong giới chơi hoa lan rừng với nhau. Nhiều lúc, gặp khách và chủ cần bán vài ba giò lan cũng bằng tiền lương cả năm trời của một công chức nhà nước. Đây có lẽ là một trong những lý do thôi thúc anh Nguyễn Anh Phúc (35 tuổi, ngụ tại thôn Hoàn Kiếm 2, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà) chọn khởi nghiệp trồng lan để làm giàu. 
 
Anh Nguyễn Anh Phúc bên vườn lan rừng mang lại thu nhập cao
Anh Nguyễn Anh Phúc bên vườn lan rừng mang lại thu nhập cao
 
Tốt nghiệp ngành Du lịch Trường Đại học Đà Lạt năm 2013, thay vì chọn cho một công việc phù hợp với ngành nghề để ổn định thu nhập, phát triển sở trường của bản thân thì Nguyễn Anh Phúc lại trở về quê hương Lâm Hà để lập nghiệp. Sau một thời gian, anh chuyển sang trồng cà phê với 3 ha sẵn có của bố mẹ và mở rộng thêm diện tích để làm chuồng trại chăn nuôi hơn 1.000 gà, lấy ngắn nuôi dài. Nhờ chăm sóc và phòng bệnh tốt, đàn gà của anh cứ thế lớn nhanh và sau khi xuất bán mang lại nguồn thu nhập kha khá. 
 
“Ban đầu nhờ giá cả ổn định, nên việc chăn nuôi gà cũng mang lại nguồn thu nhập cho gia đình khá cao. Tuy nhiên, những năm sau đó, giá cả bấp bênh nên sau mỗi lứa gà được xuất bán lắm lúc không đủ tiền vốn để tái đàn. Trong lúc đang loay hoay chưa biết chọn cây gì, con gì để phát triển kinh tế, thì tôi nghĩ đến những giò lan rừng hàng năm mua về chơi tết treo trong vườn. Rồi tôi “phải lòng” với chúng lúc nào không hay” - anh Phúc chia sẻ.
 
Đến cuối năm 2018, khi bắt đầu có nguồn thu nhập ổn định từ đàn gà, anh Phúc quyết định mua 200 giò lan rừng các giống Giã Hạc và Kiếm tiên về chăm sóc. “Trong quá trình chăm sóc và tự nhân giống, tôi nhận thấy những giò lan rừng trong vườn không chỉ giúp tôi thỏa mãn sở thích, đam mê mà còn có thể giúp gia đình tăng thêm nguồn thu nhập. Vì thế, tôi đã quyết định “đánh liều” vay mượn bạn bè, người thân đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng mở rộng quy mô vườn lan” - anh Phúc cho hay.
 
Với diện tích khoảng 200 m 2 đất vườn cạnh nhà, anh Phúc xây dựng nhà lưới, đầu tư lắp ráp khu vườn trồng lan khá kiên cố, có hệ thống tưới phun sương tự động. Cứ thế, từ những giò hoa lan hiện có, anh Phúc đã chủ động ươm mầm nhân giống lấp đầy khoảng trống cho vườn lan. Anh Phúc bộc bạch: “Mỗi cây lan từ khi bắt đầu trồng đến khi cho hoa phải mất rất nhiều thời gian chăm sóc. Đặc biệt, mặc dù hoa lan rừng sở hữu nhiều đặc tính tự nhiên, nhưng khi trồng cần phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới có được những giò lan đẹp đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Vì thế, bước đầu tôi gặp khá nhiều khó khăn trong khâu nhân giống và chăm sóc vườn phong lan. Hiện, vườn của anh có hơn 1.500 chậu và giò lan rừng với 2 dòng chủ đạo là Giã Hạc và Kiếm tiên. Song song việc xây dựng, mở rộng quy mô vườn lan, anh Phúc cũng tự tìm đầu ra cho mình. Hiện, sản phẩm lan rừng của anh được xuất bán đi nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, anh còn giao dịch, trao đổi với bạn bè qua facebook, zalo để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm thêm khách hàng. “Tùy theo mẫu mã, tuổi đời và đặc biệt là giống loài, phong lan của có rất nhiều loại giá phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Phần lớn những những chậu nhỏ tôi trồng để bán cho người dân chưng tết có giá thấp nhất là 500 - 700 ngàn đồng/chậu. Đối với những giò lớn đều có giá tiền triệu (từ 5 - 30 triệu đồng/chậu). Đặc biệt, tôi có giò lan đột biến 5 cánh trắng Hiển Oanh đã bán với giá 500 triệu đồng. Giá cả sẽ chênh lệch nhau vào những đợt cao điểm như những ngày lễ hoặc tết thì số lượng được bán gấp đôi so với bình thường. Năm vừa rồi, vườn lan đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Tôi đang dự tính, thời gian tới sẽ đầu tư mở rộng quy mô vườn lan để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình” - anh Phúc nói. 
 
Chị Tiêu Thị Yến - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nam Hà (huyện Lâm Hà) cho biết: “Mô hình trồng lan rừng của anh Phúc là mô hình mới, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đây là mô hình đòi hỏi vốn đầu tư lớn, phải có đam mê và trình độ kỹ thuật cao nên rất khó để nhân rộng”.
 
THÂN THU HIỀN