Qua hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên, Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử quê hương để thêm trưởng thành, sống có lý tưởng.
Qua hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên, Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử quê hương để thêm trưởng thành, sống có lý tưởng.
|
Thế hệ trẻ huyện Bảo Lâm luôn phát huy tinh thần xung kích vì cuộc sống cộng đồng |
Quê hương anh hùng
Theo ông Trần Ngọc Biên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm, trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Bảo Lâm là căn cứ cách mạng, nơi đứng chân của T29 (Thị ủy Bảo Lộc), cũng là nơi kết nối và bảo vệ hành lang chiến lược Đông - Tây, đảm bảo sự chỉ đạo, chi viện của Khu ủy Khu VI cho các chiến trường Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, Bình Long, Phước Long, Quảng Đức, Khánh Hòa. Bảo Lâm còn là nơi bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội đi qua hành lang Đông - Tây vào chỉ đạo cách mạng miền Nam, đồng thời bảo vệ an toàn Khu ủy Khu VI, các cơ quan của Khu ủy và Tỉnh ủy Lâm Đồng cũ, các cơ quan của Tỉnh ủy.
Cũng theo ông Trần Ngọc Biên, ngay trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của ông K’Công, ông K’Kiếu và các già làng, hàng trăm nam nữ thanh niên trong các bon dân tộc thiểu số dọc đường 20, trong các đồn điền trà, cà phê đã đứng lên giành chính quyền. Các đội tự vệ vũ trang sau đó cũng được thành lập để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Thực dân Pháp trở lại tái chiếm Đồng Nai Thượng, ông K’Công và ông K’Kiếu tiếp tục tập hợp thanh niên trong các bon, hỗ trợ các đội tự vệ vũ trang chặn đánh địch ngay trên đèo B’Lao. Pháp đánh chiếm B’Lao, chính quyền cách mạng đưa Nhân dân về xây dựng căn cứ kháng chiến Man Diệu, Chí Lai (phía Nam đường 20, giáp Bình Thuận). Năm 1954, lực lượng vũ trang và dân quân du kích Bảo Lâm đã đánh một số trận để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, khiến thực dân Pháp bị thất bại nặng nề như trận đánh đồn La Dày, đồn La Dạ (phối hợp với Bình Thuận) và hai trận đánh đồn Lít-Xe (tại Lộc An).
Chuyển sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm Trần Ngọc Biên cho rằng, phong trào cách mạng của Bảo Lâm giai đoạn này chia làm hai thời kỳ: từ tháng 7/1954 đến tháng 12/1960 và từ tháng 12/1960 đến tháng 3/1975.
Thời kỳ từ tháng 7/1954 - tháng 12/1960 là thời kỳ cách mạng miền Nam; trong đó, có Bảo Lâm gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Nhân dân địa phương đã xây dựng các cơ sở cách mạng tại vùng dân tộc thiểu số phía Nam đường 20 (vùng Tố La, Tố Nhỏ), nhằm nuôi dưỡng, bảo vệ số cán bộ được Đảng cử bám trụ lại miền Nam (các đồng chí Tám Cảnh, Tám Bính, Bảy Tích). Sau khi được các đồng chí bám trụ lại miền Nam giác ngộ, Nhân dân vùng phía Nam đường 20 xây dựng các đội vũ trang tuyên truyền và dân quân du kích chống địch xâm nhập vào vùng dân tộc thiểu số, chống địch dồn dân lập ấp chiến lược. Năm 1960, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận tổ chức đánh, giải phóng khu tập trung Bắc ruộng của địch, đưa hơn 1.000 dân trở về căn cứ, bon cũ, mở đầu cho phong trào Đồng Khởi sau này ở miền Nam.
Thời kỳ từ tháng 12/1960 - tháng 3/1975, cùng với việc xây dựng phong trào cách mạng trong vùng căn cứ phía Nam, phong trào cách mạng ở vùng căn cứ phía Bắc đường 20 cũng có bước phát triển, nối thông và bảo vệ vững chắc hành lang chiến lược Bắc - Nam, đảm bảo sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường Nam Bộ qua Nam Tây Nguyên, phá thế chia cắt chiến trường mà trong kháng chiến chống Pháp ta chưa làm được. Nối thông hành lang Bắc - Nam, Đông - Tây, Nhân dân và cán bộ Bảo Lâm tập trung xây dựng lực lượng cách mạng bảo vệ căn cứ phía Nam và căn cứ phía Bắc đường 20, bảo vệ Nhân dân, giữ đất, giữ làng và hình thành các vành đai chống địch xâm nhập một cách có hiệu quả. Thời kỳ này, Nhân dân tổ chức vót chông, gài bẫy hàng trăm km hàng rào chông, nhằm chặn địch xâm nhập, đồng thời tổ chức sản xuất, đóng góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho cách mạng. Ngoài ra, Bảo Lâm còn tổ chức hàng ngàn nhân công vận chuyển vũ khí từ Hàm Tân, Bà Rịa (tàu không số đưa vào), Campuchia về phục vụ bộ đội chủ lực đánh địch, cũng như tổ chức vận chuyển vũ khí ra mặt trận và vận chuyển thương binh về căn cứ. Chưa kể, hàng trăm thanh niên Bảo Lâm đã ra trận cùng bộ đội chủ lực đánh địch, bổ sung quân cho các đơn vị lực lượng vũ trang quân khu, tỉnh. Dân quân du kích vùng căn cứ phía Nam, vùng căn cứ phía Bắc thì thi đua bắn hạ máy bay địch. Bên cạnh đó, Bảo Lâm còn thực hiện tốt công tác binh vận, giác ngộ nhiều người bỏ ngũ, tham gia quân giải phóng, có người đã lập công xuất sắc, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như liệt sĩ Mười Trúc.
Trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1975, quân và dân Bảo Lâm đã có những trận đánh tiêu biểu làm thay đổi so sánh lực lượng, đè bẹp ý chí xâm lược của địch như trận đồng chí K’Vét bắn rơi máy bay của Trung tướng Ki-Si (Mỹ) tại Lộc Bắc, nhiều trận đánh vào trại huấn luyện biệt kích Mỹ tại Tân Rai, trận đánh tại Tân Gia Rang, trận tập kích phá trụ sở xã Lộc Tân, trận đánh Mỹ xâm nhập vào căn cứ của ta tại Đạ Riam (đánh giáp lá cà), trận đánh phá giao thông tại Lộc An, trận đánh chống địch càn quét vào Bắc Sa Lùng, Lộc An, trận đánh chống hành quân càn quét của địch và căn cứ phía Nam, căn cứ phía Bắc, v.v. Đây là những trận đánh được bộ đội tỉnh, huyện phối hợp với các đội công tác vũ trang nằm vùng và dân quân du kích gây cho địch nhiều thiệt hại, làm thay đổi cục diện chiến trường. Ở vùng tạm chiến và vùng tranh chấp (Lộc An, Lộc Thắng, Lộc Tân), quân ta liên tục đánh sụp bộ máy kìm kẹp của địch. Trong những ngày của tháng 3/1975, dân quân các huyện K1, K2 và K5 đã huy động tổng lực sức người, sức của cho cách mạng để giải phóng Bảo Lộc, Lâm Đồng. Bấy giờ, vùng căn cứ phía Bắc và vùng căn cứ phía Nam đường 20 chỉ còn người già và trẻ em, tất cả thanh niên trai tráng đều ra mặt trận đánh địch. “Trong kháng chiến, Bảo Lâm có 4 xã đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Lộc Bắc, Lộc Lâm (căn cứ phía Bắc) và Lộc An, Lộc Nam (căn cứ phía Nam) đường 20. Hiện tại, huyện Bảo Lâm đang trình Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bảo Lâm”, ông Trần Ngọc Biên chia sẻ.
Tự hào tiếp bước
Nhằm phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Bảo Lâm trong thế hệ trẻ, những năm qua, Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm phối hợp với Huyện đoàn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Lâm tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, giáo dục truyền thống cách mạng cho các đoàn viên, thanh niên, giúp thế hệ trẻ huyện Bảo Lâm hiểu thêm về lịch sử địa phương, về truyền thống cách mạng của địa phương; từ đó, sống có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh chính trị vững vàng. Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm cũng đã động viên thanh niên thực hiện tốt các phong trào Thanh niên bảo vệ Tổ quốc, Thanh niên lập thân lập nghiệp, Thanh niên khởi nghiệp, Thanh niên xung kích vươn lên trong sản xuất, Thanh niên học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, v.v, sẵn sàng xây dựng quê hương Bảo Lâm ngày càng giàu đẹp. “Thế hệ trẻ càng hiểu, càng tự hào, càng phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng để xứng đáng với truyền thống của quê hương, dân tộc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm Trần Ngọc Biên nhắn nhủ.
Theo ông Trần Ngọc Biên, trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước nên đại đa số đoàn viên, thanh niên huyện Bảo Lâm tự giác tham gia các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, giúp đỡ Nhân dân trong những lúc bị thiên tai, v.v, nhất là trong đợt xảy ra đại dịch COVID-19, các đoàn viên, thanh niên huyện Bảo Lâm luôn xung kích đi đầu trong tuyên truyền, vận động Nhân dân và trực tiếp làm các phần việc phòng dịch.
TRỊNH CHU