Khởi nghiệp từ sen đá

05:06, 03/06/2020

Vườn sen đá của chàng trai trẻ Phùng Văn Nghĩa, thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ (Đà Lạt) mở hướng khởi nghiệp đầy tiềm năng trong phát triển kinh tế.

Vườn sen đá của chàng trai trẻ Phùng Văn Nghĩa, thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ (Đà Lạt) mở hướng khởi nghiệp đầy tiềm năng trong phát triển kinh tế.
 
 Anh Nghĩa trong vườn sen đá
Anh Nghĩa trong vườn sen đá
 
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống gắn bó với ruộng vườn, Phùng Văn Nghĩa cũng chọn nông nghiệp làm công việc, xây dựng kinh tế gia đình từ đồng ruộng. Như rất nhiều bà con Xuân Thọ, gia đình Nghĩa cũng trồng những loài cây phổ biến. Tại sao lại chọn sen đá để gắn bó lại là một câu chuyện dài, khi Nghĩa còn khá trẻ. Anh kể, lúc còn đi học, có gia đình người bạn trồng sen đá. Thấy loài cây hay, dễ thương, Nghĩa lân la chơi và mê lúc nào không biết. Anh bảo, là cây lá nhưng sen đá cũng đủ màu sắc, hình dáng, là một loại cây cảnh rất phù hợp dù trồng trong nhà hay ngoài trời. Trong điều kiện đô thị hóa như hiện nay, đất trong các thành phố không còn quá rộng rãi để trồng hoa, cây cảnh kích cỡ lớn thì sen đá trồng chậu là cây cảnh rất phù hợp, mang lại màu xanh cho ngôi nhà với điều kiện chăm sóc tối thiểu.
 
Ban đầu chỉ trồng vài chậu chơi chơi, dần dần số lượng sen đá trong vườn của Nghĩa ngày càng nhiều. Trồng cây, được bạn bè, người xung quanh mua bán, trao đổi, thấy hiệu quả nên Nghĩa nhân giống, trồng nhiều thêm. Anh kể lại, thời gian đầu anh chỉ trồng chừng 5, 7 loại sen đá phổ biến, dễ bán như sen đá nâu, sen đá Phật Bà, sen đá dù hồng… trên diện tích đất vài trăm mét. 
 
Đến nay, diện tích trồng sen đá của Nghĩa đã lên tới 5 ngàn m 2 với 300 loại sen đá khác nhau, trong đó có nhiều loại nhập ngoại hiếm, được thị trường rất chuộng.  
 
Những cây sen đá nhỏ xinh của Phùng Văn Nghĩa theo người yêu hoa đến TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…
 
Để có được thành công như hôm nay, Nghĩa đã vượt qua không ít thử thách. Anh cho biết: “Mọi người thường nghĩ sen đá dễ trồng nhưng không hoàn toàn như thế. Cây lớn, đã phát triển ổn định rồi thì dễ chăm nhưng cây còn nhỏ, thời điểm đang nhân giống như trong vườn ươm thì không dễ. Vì cây sen đá là thân nước, dễ bị thối, nhất là những cây nhập ngoại chưa quen với khí hậu, chăm sóc tại Đà Lạt. Như vườn sen tôi phải làm hoàn toàn trong nhà kính, nếu ngoài trời cây thối gốc thối rễ, chết hàng loạt”. Không chỉ trồng, nhân giống những cây sen đá phổ thông, quen thuộc với thị trường, Phùng Văn Nghĩa nhập khá nhiều sen đá giống mới từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia. Các loài sen EE, đế vương, viền đỏ, ngọc va, thủy nguyên, hồng ba màu, sen va… còn khá hiếm trên thị trường, được người yêu hoa, sành hoa lựa chọn rất nhiều. Mỗi khi nhập về một giống sen mới, Nghĩa lại mày mò tra cứu cách chăm sóc, từ giá thể, phân bón, chế độ tưới, ánh sáng… để cây khỏe, sinh trưởng tốt, nhân giống tốt. Để từ cây giống có những chậu sen đá khỏe mạnh, để người yêu hoa được thưởng thức thêm những mầu mới, dáng mới. 
 
Hiện giờ hàng sen đá của Phùng Văn Nghĩa đã đến tay người yêu hoa khắp các thị trường. Anh bảo, sen đá là loài cây khi đã nảy mầm, bén rễ thì dễ chăm, phù hợp với những người yêu hoa, yêu màu xanh mà ít thời gian. Tuy nhiên, khi xuất hàng anh luôn tư vấn với khách rất cụ thể cách chăm sóc ra sao, cây phù hợp với điều kiện khí hậu như thế nào để đảm bảo cây sống khỏe, phát triển tốt. Cũng vì tinh thần trách nhiệm của người nông dân trẻ, những cây sen đá của anh ngày càng được ưa chuộng. Hiện tại, Nghĩa cho biết doanh thu từ vườn sen đá cũng xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều so với trồng các loại rau, hoa khác. 
 
Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ đánh giá, Phùng Văn Nghĩa là nông dân trẻ dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi cơ cấu cây trồng. Ở vùng đất rau Xuân Thọ, mô hình trồng sen đá của anh Nghĩa đã cho thấy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của người nông dân trẻ, là điển hình để người trẻ nhìn và phấn đấu từ ngay vườn đất quê hương.
 
DIỆP QUỲNH