Xây dựng giá trị có lợi ích vì cộng đồng

05:06, 12/06/2020

Người trẻ xây dựng những giá trị lớn, góp sức cho cộng đồng, xã hội phát triển, tạo nên những bước đột phá... là tinh thần cốt lõi mà đoàn viên, thanh niên tỉnh Lâm Đồng đang vận dụng trong hành trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Người trẻ xây dựng những giá trị lớn, góp sức cho cộng đồng, xã hội phát triển, tạo nên những bước đột phá... là tinh thần cốt lõi mà đoàn viên, thanh niên tỉnh Lâm Đồng đang vận dụng trong hành trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng.
 
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Đà Lạt giúp đỡ trẻ em nghèo vươn lên trong học tập.
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Đà Lạt giúp đỡ trẻ em nghèo vươn lên trong học tập.
 
Theo chị Chúc Quỳnh, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và sau này là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được Tỉnh Đoàn triển khai sâu rộng và lan tỏa tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc tới đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Trước những yêu cầu của thời kỳ hội nhập, phong trào cần có những đổi mới để phù hợp với tình hình thực tế, phát huy được sức mạnh tổng hợp của lực lượng ĐVTN trẻ trên mọi lĩnh vực. 
 
PV: Sau hơn 10 năm triển khai, việc học tập và làm theo Bác đã có sự thay đổi về cả chất và lượng. Vậy đâu là điểm nổi bật nhất của phong trào và ĐVTN đang đứng trước những yêu cầu gì trong thời đại mới, thưa chị?
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh: Có thể khẳng định, việc học tập và làm theo Bác đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong ĐVTN mà minh chứng cụ thể nhất là hằng năm, số lượng thanh niên tiên tiến được tuyên dương đã tăng lên cả về số lượng lẫn tầm ảnh hưởng, giá trị được tạo ra cho xã hội. Thời điểm ban đầu của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, để có thể tìm những tấm gương điển hình rất khó, các bạn ĐVTN có sự cạnh tranh nhau nhưng không rõ rệt, khiến chất lượng hoạt động không như mong muốn, kỳ vọng. Càng về sau, với sự nỗ lực của bản thân cùng với sự kết nối truyền thông mà giá trị, tầm ảnh hưởng của các cá nhân đã rộng hơn. Ý thức rèn luyện, thi đua nhau đã nâng lên rất nhiều. Giữa các thế hệ ĐVTN đã có sự tương tác, hỗ trợ, kết nối lẫn nhau. Giá trị cộng đồng trong hoạt động của ĐVTN được lan tỏa mạnh mẽ... Đến nay, trên mỗi lĩnh vực đều có những điểm sáng, từ nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, công tác xã hội... Không gói gọn ở quy mô địa phương, nhiều tấm gương đã thực sự trở thành điển hình được thanh niên trong và ngoài tỉnh biết đến. 
 
Mỗi một giai đoạn, thời kỳ, thanh niên có những nhiệm vụ khác nhau nhưng chung quy lại, chúng ta có một mẫu số tương đối chung, đó là lòng yêu nước, học tập, rèn luyện, xung kích, tình nguyện. Những đức tính này đã đúc kết qua nhiều thế hệ. Đảng đặt niềm tin sâu sắc vào thanh niên, phát huy vai trò làm chủ và tiềm năng to lớn của thanh niên để thanh niên thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh.
 
Trước những yêu cầu đặt ra của thời đại - là thách thức, nhưng cũng đồng thời là thời cơ để bản thân mỗi ĐVTN tự mình bứt phá, vươn lên khẳng định giá trị của mình. Bước vào “cuộc chơi” mới, mỗi người phải biết tự học, tự rèn luyện, có đủ tâm, đủ tầm để chủ động tham gia vào nền kinh tế tri thức và quá trình hội nhập quốc tế.
 
PV: Thưa chị, ở từng lĩnh vực khác nhau, học tập và làm theo Bác có những đặc trưng khác nhau. Phải chăng, cái cốt lõi vẫn là tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng trong thời đại mới?
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh: Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rất nhiều trong tất cả các lĩnh vực nhưng có lẽ hiện nay, tư tưởng của Bác được vận dụng phù hợp nhất qua câu nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, một dân tộc nghèo là một dân tộc hèn”. Đây cũng là điểm mới và được phát huy rất tốt trong ĐVTN. Khi nói về việc yêu nước thì không thể chỉ là câu nói suông mà phải có đóng góp cho đất nước, tạo ra giá trị góp phần làm cho xã hội phát triển, phồn vinh hơn. Ví dụ như ở thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng), chúng tôi rất ấn tượng với thanh niên Lưu Lập Đức (sinh năm 1992). Đức là cử nhân nhưng lựa chọn trở về gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Không chấp nhận kiểu canh tác truyền thống của gia đình, bằng kiến thức của mình, Đức đứng ra thành lập Tổ hợp tác (THT) liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của Đoàn Thanh niên thị trấn Liên Nghĩa, giải quyết đầu ra cho nông sản, mang lại thu nhập cho thanh niên. Bên cạnh đó, còn giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương. Hay như anh Phan Thanh Sang - một doanh nhân khoác áo Đoàn ở Đà Lạt đã thành công với mô hình trồng lan xuất khẩu và cung cấp cho thị trường trong nước. Mỗi năm giải quyết việc làm cho gần 100 lao động ở các địa phương như Đà Lạt, Đơn Dương và cả Ninh Thuận. Đây là vài dẫn chứng trong số hàng trăm câu chuyện của ĐVTN trong tỉnh để thấy rằng hướng đi của thanh niên hiện nay là hướng đến xây dựng giá trị có lợi ích cho cộng đồng.
 
PV: Cùng với phong trào khởi nghiệp, hành trình lập thân, lập nghiệp, đóng góp xây dựng đất nước của các thế hệ trẻ đang được cả nước quan tâm. Vậy, Tỉnh Đoàn đã có những hoạt động nào, phương án hành động nào để tinh thần, phong cách Bác đi sâu vào hoạt động khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp của thanh niên? 
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh: Vài năm trở lại đây, Tỉnh Đoàn đã triển khai rất nhiều mô hình, cuộc thi khởi nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, kết nối với các chuyên gia hàng đầu về khởi nghiệp để tư vấn, hướng dẫn, truyền cảm hứng, động lực. Hằng năm, Tỉnh Đoàn cũng chú trọng duy trì các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại “Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo” như Chương trình “Giao lưu thực tế, kết nối khởi nghiệp”, Câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp”... Từ những ý tưởng ban đầu, đội ngũ chuyên viên tư vấn đã giúp thanh niên hoàn chỉnh các ý tưởng, hạn chế các rủi ro trong quá trình khởi nghiệp và nâng cao cơ hội thành công. Cùng với đó là việc kết nối, tìm nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách, Trung ương Đoàn... Trong thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ triển khai Đề án Vườn ươm khởi nghiệp giai đoạn mới, phối hợp với các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để đồng bộ các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời huy động các nguồn lực từ bên ngoài thúc đẩy phong trào đi lên.
 
Tinh thần xung kích, tình nguyện là “tài sản” quý giá mà mỗi người trẻ đang có được.
Tinh thần xung kích, tình nguyện là “tài sản” quý giá mà mỗi người trẻ đang có được.
 
PV: Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần thực hiện noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hành động, việc làm sao cho thật cụ thể, thực chất và thiết thực, tránh rơi vào “bệnh hình thức”, “bệnh thành tích” hoặc thực hiện theo kiểu phong trào, qua loa, chiếu lệ. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng sẽ có những giải pháp gì để việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi sâu vào thực tiễn?
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh: Không thể phủ nhận việc chú trọng hình thức, tư tưởng thích được khen ngợi, tạo ra những thành tích ảo hoặc chạy theo giá trị bên ngoài mà không chú trọng đến thực chất, tính hiệu quả còn tồn tại trong một bộ phận ĐVTN. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn xác định mọi hoạt động phải đi vào thực chất - bắt đầu bằng việc đăng ký các công trình, phần việc, dự án với những định hướng cụ thể, lấy cộng đồng và các giá trị tốt đẹp làm mục đích để triển khai. Ví dụ như hàng trăm km tuyến đường thắp sáng đường quê, hệ thống bồn chứa nước cho đồng bào vùng khô hạn, nhà nhân ái cho thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt, các tuyến đường sáng xanh - sạch - đẹp - an toàn, sân chơi cho em, các hoạt động ngày Chủ nhật xanh, ngày thứ Bảy tình nguyện... đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân, đóng góp cho xã hội một cách thực tế, không “đánh trống ghi tên”. Chương trình siêu thị 0 đồng, chuỗi chương trình san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch ở Đà Lạt, Lâm Hà, Đạ Huoai, Bảo Lâm... đều thiết kế trên cơ sở nhu cầu, khó khăn mà những người yếu thế đang phải đối mặt trong dịch bệnh. 
 
Mức độ thành công, mức độ lan tỏa của công trình thanh niên trong cộng đồng sẽ là thước đo cho sự thành công của các hoạt động thanh niên. Đây là bảo chứng để đánh giá hoạt động thanh niên có rơi vào điểm tối “bệnh thành tích” hay không?
 
Cũng phải nói thêm rằng, lực lượng ĐVTN hiện nay đang rất cần những hỗ trợ ngoại lực từ gia đình và toàn xã hội để đồng hành và định hướng trên con đường mình chọn. Tổ chức Đoàn các cấp cũng cần đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc làm nhỏ, cụ thể; đồng thời, tạo môi trường để ĐVTN nâng cao thể lực, vững chuyên môn, giỏi kỹ năng, có lý tưởng và khát vọng sống cao đẹp, hướng đến những hoạt động vì cộng đồng. Hội tụ được tất cả những yếu tố kể trên là lúc chúng ta có một thế hệ ĐVTN, một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay. 
 
PV: Xin cảm ơn chị!
 
NHÂN LÊN NHỮNG “HẠT GIỐNG” LÀNH
 
Phát biểu tại Lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến và đảng viên trẻ tiêu biểu vừa qua, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy đã tin tưởng rằng không ai khác chính những ĐVTN ưu tú hôm nay sẽ là những “hạt giống” lành, lan tỏa tinh thần học tập và làm theo lời Bác, những câu chuyện đẹp, những hoạt động ý nghĩa, sự nỗ lực vươn lên đến ĐVTN tỉnh nhà. Mỗi cán bộ, ĐVTN cần tích cực tu dưỡng, rèn luyện, tự giác phấn đấu trở thành người đảng viên “vừa hồng vừa chuyên” để cùng tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và quê hương Lâm Đồng giàu đẹp. Bằng sức trẻ và tinh thần xung kích, sáng tạo sẽ phát huy vai trò của mình trên mọi lĩnh vực, là nhân tố tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hướng tới sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh trong thời gian tới.
 
HỒNG THẮM thực hiện