Bột bí OCOP của cô gái 9X

05:08, 18/08/2020

Thấy được giá trị của trái bí Nhật và những trăn trở của người nông dân tại địa phương, Nguyễn Thị Hoài Anh - cô gái 22 tuổi, sinh ra và lớn lên tại xã Tu Tra (Đơn Dương), đã nghiên cứu và sử dụng công nghệ sấy lạnh để tạo ra sản phẩm bột bí Nhật. Em đặt tên sản phẩm là An, với hàm ý mang tới sự an tâm và an toàn cho người dùng. 

 

Thấy được giá trị của trái bí Nhật và những trăn trở của người nông dân tại địa phương, Nguyễn Thị Hoài Anh - cô gái 22 tuổi, sinh ra và lớn lên tại xã Tu Tra (Đơn Dương), đã nghiên cứu và sử dụng công nghệ sấy lạnh để tạo ra sản phẩm bột bí Nhật. Em đặt tên sản phẩm là An, với hàm ý mang tới sự an tâm và an toàn cho người dùng. 
 
Bí Nhật được Hoài Anh sử dụng công nghệ sấy lạnh, giúp giữ được nguyên vẹn màu sắc, hương vị tự nhiên cho sản phẩm
Bí Nhật được Hoài Anh sử dụng công nghệ sấy lạnh, giúp giữ được nguyên vẹn màu sắc, hương vị tự nhiên cho sản phẩm
 
Ngày 14/7 vừa rồi, sản phẩm Bột bí An của Hoài Anh đã được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Đơn Dương đánh giá, chấm điểm là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, đồng thời trình UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận trong năm 2020. Đó là sự công nhận cho chất lượng sản phẩm, đồng thời là động lực để Hoài Anh tiếp tục phát triển sản phẩm mới khi hiện tại, em chỉ đang bước những bước đi đầu.
 
Hoài Anh sinh năm 1998, và cả tuổi thơ của em gắn bó với cây bí Nhật khi bố của em - ông Nguyễn Thanh Thao là một nông dân có tiếng không chỉ ở xã Tu Tra mà còn ở toàn huyện Đơn Dương. Ông là một trong những người đầu tiên ở Tu Tra trồng bí và đến giờ đã gắn bó với nó tận 20 năm. Hiện tại, gia đình Hoài Anh đang liên kết với khoảng 400 hộ dân trong huyện để trồng và tiêu thụ bí Nhật cho thị trường trong và ngoài nước. Điều đặc biệt là bí đỏ giống Nhật Bản hay còn gọi là bí Nhật có ruột vàng, vỏ xanh, chỉ phát triển tốt nhất khi được trồng ở vùng đất Đơn Dương, vì thế nó đã trở thành đặc sản nơi đây.
 
Tuy nhiên, bí Nhật chỉ có thể trồng vào mùa khô, trái bí tươi chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn. Năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ bí. Giá bí giảm, hơn 1.000 tấn bí bị tồn trong những tháng đầu năm khiến nông dân xã Tu Tra thất thu, điêu đứng.
 
Trước tình cảnh đó, Hoài Anh nghĩ đến việc phải làm ra một sản phẩm nào đó từ bí Nhật để có thể giữ được trong thời gian lâu hơn. Em tham khảo nhiều mô hình, nhiều cách làm được thử và thất bại - từ nấu sữa bí, hấp chín rồi phơi,... Hoài Anh mất một tháng trời loay hoay để tìm ra công nghệ sấy lạnh và công thức chuẩn cho sản phẩm bột bí của mình - giúp trái bí được dùng luôn vỏ, giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng cũng như màu sắc của bí Nhật. Có lợi thế khi đã có sẵn nguồn nguyên liệu trong nhà, Hoài Anh dùng bí Nhật loại 1 để làm bột, rồi dùng máy đo đảm bảo đủ độ đường, độ bột cùng với độ mật, màu sắc của thành phẩm. Bên cạnh đó, em còn tận dụng hạt bí dư ra trong quá trình làm bột để làm hạt bí sấy, tạo ra món ăn vặt được nhiều người yêu thích.
 
Sản phẩm của Hoài Anh sau khi hoàn thiện đã được mang đi kiểm định, làm mã vạch và đăng ký thương hiệu. Hoài Anh còn rất trẻ khi mới 22 tuổi, nhưng trong câu chuyện của em, dễ nhận thấy một con đường dài, bài bản và có từng mục tiêu đã được vạch ra sẵn. Trong đó, việc tham gia đánh giá sản phẩm OCOP được em xem là cơ hội để học hỏi, rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn sản phẩm của mình. Hiện tại, Hoài Anh vẫn đang sửa chữa bao bì, logo và nghiên cứu thêm các loại sản phẩm kết hợp bột bí Nhật với các loại hạt khác.
 
Hiện vẫn đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Hoài Anh vẫn đi đi về về giữa Sài Gòn - Đơn Dương để chăm chút cho “đứa con” tâm huyết của mình. Bột bí An ra đời giúp người dùng sử dụng được bí Nhật với nhiều mục đích hơn, tiện dụng và bảo quản được lâu hơn. Hiện tại, máy móc, cơ sở sản xuất của Hoài Anh vẫn còn ở quy mô nhỏ, lượng sản phẩm sản xuất ra chưa nhiều. Nhưng lượng tiêu thụ ban đầu và đánh giá của thị trường khiến cô gái trẻ có niềm tin rằng, đây sẽ con đường đúng để em tiếp tục phát triển hơn trong thời gian tới, tạo thêm nguồn tiêu thụ giúp người dân trồng bí Nhật có thể bán giá cao hơn, giảm được phần nào nguy cơ, rủi ro khi trái bí tươi dư thừa.
 
Sắp tới, Hoài Anh cùng sản phẩm Bột bí An của mình sẽ tham gia cuộc thi “Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ 3 năm 2020” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Anh Bùi Hồng Đạt - Bí thư Đoàn xã Tu Tra cho biết: Đối với xã Tu Tra, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Sản phẩm bột bí sấy lạnh của Hoài Anh nếu phát triển sẽ tạo điều kiện cho bí Nhật tiếp tục phát triển tại địa phương. Chính vì vậy, Đoàn xã sẽ tạo điều kiện hết sức để sản phẩm bột bí Nhật của Hoài Anh tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để tiếp tục phát triển sản phẩm. Từ đó góp phần khẳng định vai trò đổi mới, sáng tạo của những người trẻ có nhiệt huyết, có tri thức tại địa phương, nhất là khi việc khởi nghiệp từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong thanh niên đang được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khuyến khích.
 
VIỆT QUỲNH