Chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động chống dịch

06:08, 13/08/2020

Máy sát khuẩn tự động phòng, chống dịch COVID-19 là thành quả đáng ghi nhận mà thầy và trò Trường Cao đẳng Nghề  Đà Lạt đã chế tạo thành công...

Máy sát khuẩn tự động phòng, chống dịch COVID-19 là thành quả đáng ghi nhận mà thầy và trò Trường Cao đẳng Nghề (CĐN) Đà Lạt đã chế tạo thành công. Hiện, những chiếc máy này đã được nhà trường gửi tặng nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để rửa tay sát khuẩn phòng, chống dịch hiệu quả.
 
Máy rửa tay sát khuẩn tự động được áp dụng hiệu quả tại Trường THCS Nguyễn Du, TP Đà Lạt
Máy rửa tay sát khuẩn tự động được áp dụng hiệu quả tại Trường THCS Nguyễn Du, TP Đà Lạt
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, anh Lê Ngọc Cường - Bí thư Đoàn Trường CĐN Đà Lạt cho hay, xuất phát từ ý tưởng chai dung dịch sát khuẩn, thầy và trò nhà trường đã lên kế hoạch, phương án chế tạo ra chiếc máy rửa tay tiện lợi. Cụ thể, trong quá trình sử dụng dung dịch sát khuẩn nơi công cộng, việc tiếp xúc trực tiếp với chai đựng dung dịch của nhiều người cũng tiềm ẩn sự lây lan virus SARS-CoV-2 và gây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, nhiều người không thực hiện việc rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn do vô tình hay thiếu ý thức khi đến cơ quan, công sở có thể làm lây lan virus này ra cộng đồng.
 
“Thời gian qua, đội ngũ giảng viên trong trường đã trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để có thể nhắc nhở mọi người khi vào trường học, công sở đều được rửa tay sát khuẩn ngay tại cổng và khi sử dụng dung dịch không tiếp xúc trực tiếp vào chai, lọ đựng dung dịch... Nhằm góp chút công sức chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo sức khỏe cho mọi người, chúng tôi đã nghiên cứu giải đáp các vấn đề trên bằng việc sáng chế ra máy rửa tay sát khuẩn tự động” - anh Cường cho hay.
 
Theo đó, máy rửa tay sát khuẩn tự động được tận dụng từ vật liệu innox và có cấu tạo gồm các bộ phận chính, như mạch điều khiển, các cảm biến, hệ thống phun dung dịch, bình đựng dung dịch, vỏ thiết bị, giá đỡ và các linh kiện điện tử khác. Máy được chế tạo với một bộ hệ thống chạy bằng điện, với bình chứa dung dịch rửa tay khoảng 3 lít được lắp ráp gọn gàng, đơn giản và sau đó nối trực tiếp với hệ thống bơm để đẩy lên vòi dẫn. Ngoài ra, hệ thống cảm ứng hồng ngoại được gắn bên dưới vòi phun giúp máy nhận biết và tự động mở, đóng vòi phun nước rửa tay khi có người sử dụng.
 
Máy hoạt động theo nguyên lý tự động phun dung dịch sát khuẩn dưới dạng phun sương khi nhận biết tay đưa gần đầu phun. Khi cho bàn tay lại gần đầu phun, cảm biến hồng ngoại sẽ tự động thu thập dữ liệu và xác định khoảng cách giữa tay và đầu phun. Nếu khoảng cách phù hợp, cảm biến sẽ ra lệnh cho khối điều khiển động cơ bơm dung dịch sát khuẩn với một lượng dung dịch vừa đủ cho một lần rửa tay.
 
Cùng nhóm sinh viên nghiên cứu cấu tạo chính của máy rửa tay sát khuẩn tự động, thầy Trương Duy Việt - Giám đốc Trung tâm Đánh giá kỹ năng và Ứng dụng công nghệ Trường CĐN Đà Lạt, khẳng định: “Máy rửa tay sát khuẩn tự động giúp chúng ta hạn chế tiếp xúc tối đa khi sử dụng dung dịch sát khuẩn; đồng thời tiết kiệm thời gian, lượng dung dịch và không tốn nhân lực hỗ trợ công việc rửa tay hàng ngày cho những người sử dụng. Chỉ mất khoảng 3 - 5 giây sau, máy sẽ cung cấp lượng dung dịch đủ để rửa tay. Hiện tại giá mỗi sản phẩm hoàn thiện là khoảng 3,5 triệu đồng”.
 
Cũng theo thầy Việt, phần khó nhất là khâu đảm bảo tính thẩm mỹ. Bởi khi sản phẩm được hoàn thành việc đầu tiên là sản phẩm phải có tính thẩm mỹ cao, nhỏ, gọn. Bên cạnh đó việc khắc chữ, logo bằng laser cũng đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ hơn so với những sản phẩm khác.
 
Em Nguyễn Như Lương - sinh viên Trường CĐN Đà Lạt, người tham gia chế tạo máy rửa tay tự động, chia sẻ: “Khi được biết nhà trường có ý tưởng làm máy rửa tay sát khuẩn tự động, em cùng một số bạn trong nhóm đã xin phép giáo viên hướng dẫn cùng tham gia hoàn thiện. Riêng bản thân em, khi hoàn thành được sản phẩm này, em mong nó sẽ là một vật dụng hữu ích cho mọi người, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay”. 
 
Tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã chế tạo được 15 máy rửa tay và tất cả máy rửa tay này được tặng cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. 
 
Theo anh Lê Ngọc Cường, trong thời gian qua, ngoài việc nghiên cứu làm máy rửa tay sát khuẩn tự động, Đoàn trường cũng đã thực hiện nhiều phần việc thiết thực để cùng chung tay phòng, chống dịch COVID - 19 như: Thiết kế và lắp đặt máy ATM gạo, cung cấp hơn 30 tấn gạo cho hơn 6.500 người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; tặng nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang y tế cho các trường học ở các huyện vùng sâu, vùng xa...
 
“Trong thời gian tiếp theo, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống COVID-19, nhà trường sẽ tiếp tục việc huy động, kêu gọi nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn, nhằm làm thêm số lượng máy rửa tay sát khuẩn tự động để gửi tặng cho các đơn vị đang cần. Về lâu dài, Đoàn trường sẽ làm cầu nối giới thiệu sản phẩm đến các đơn vị có nhu cầu” - Anh Cường cho biết thêm.
 
THÂN THU HIỀN