Tốt nghiệp đại học, lựa chọn con đường gập ghềnh hơn bạn bè cùng trang lứa, nhưng chàng thanh niên trẻ Lăng Văn Danh (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) đã có được thành quả ngoài mong đợi; đồng thời, tạo động lực cho những thanh niên, người dân quê hương mình một hướng đi mới.
Tốt nghiệp đại học, lựa chọn con đường gập ghềnh hơn bạn bè cùng trang lứa, nhưng chàng thanh niên trẻ Lăng Văn Danh (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) đã có được thành quả ngoài mong đợi; đồng thời, tạo động lực cho những thanh niên, người dân quê hương mình một hướng đi mới.
|
Nhờ lượng kiến thức chuyên môn được tích lũy mà Danh (bìa phải) không gặp phải quá nhiều khó khăn |
“Nhiều lúc ngồi suy nghĩ em cũng chẳng biết tại sao lúc ấy lại làm liều lựa chọn như vậy, giờ mọi thứ ổn định hơn mới dám tự tin chứ lúc trước 1 ngày 24 giờ thì 16 giờ em cặm cụi trong chuồng với hàng trăm con thỏ, làm đủ mọi thứ việc dù là nhỏ nhất như vệ sinh chuồng trại, cho ăn, xử lý bệnh…”, Lăng Văn Danh chia sẻ.
Ở tuổi 25, chẳng mấy người lựa chọn như Danh. Thanh niên ở quê Danh, người không đi học cao thì ở nhà cùng bố mẹ làm cà phê, trồng dâu nuôi tằm. Ai học lên thì lựa chọn ở thành phố, làm việc trong các công ty, doanh nghiệp… Nhưng Danh thì khác, ngay từ còn là sinh viên ngành Bác sĩ thú y Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, em đã muốn trở về, làm gì đó trên mảnh đất mà cha mẹ mình lựa chọn làm quê hương thứ hai.
Dù chỉ mới tốt nghiệp được 1 năm nhưng riêng về việc nuôi thỏ, Danh đã làm từ năm 2018. Bởi khi ấy, đứng trước lựa chọn làm đề tài tốt nghiệp, thay vì chỉ làm vì những số liệu, điểm số khô khan, Danh tự làm dự án của riêng mình. Cùng với 2 người bạn, Danh thuê đất, làm trại, mua giống về để vừa nuôi thỏ kiếm thu nhập, vừa kiểm chứng kiến thức và kỹ năng mình đã học được trên ghế giảng đường.
Để rồi sau đó 1 năm, Danh mạnh dạn mở lời đề nghị bố mẹ giúp đỡ vay vốn ngân hàng, đầu tư trại thỏ rộng 250 m2 ở thôn Lâm Bô, xã Phúc Thọ. Dẫu đây là khu vực khá hẻo lánh, cách xa trung tâm của xã, huyện nhưng theo Danh, điều này không phải là trở ngại lớn lao. “Chỉ cần mình làm giống tốt, sản phẩm chất lượng thì không cần lo lắng gì, bởi hiện nay vấn đề kết nối, vận chuyển tiêu thụ đều vô cùng thuận tiện”, Danh cho hay.
Với 200 con thỏ New Zealand nhập về, Danh tiến hành nuôi thương phẩm và bán thỏ giống. Mỗi con có thể sinh sản 6 - 7 lứa, mỗi lứa trung bình từ 7 - 8 con. Trung bình mỗi tháng Danh xuất ra thị trường khoảng 600 - 800 con. Với giá ổn định khoảng 65 - 70.000 đồng/kg thỏ thịt và 125.000/kg thỏ giống, mỗi tháng, lợi nhuận mà Danh có được vào khoảng 30 triệu đồng.
Việc xác định đầu tư bài bản cộng với kiến thức chuyên môn được tích lũy, Danh không gặp quá nhiều khó khăn ngay từ lúc bắt đầu. Có chăng vấn đề lớn nhất chính là việc em chưa đánh giá hết khả năng tiêu thụ của thị trường. Vì thế, khi bắt đầu có thỏ thịt thương phẩm, một mình Danh rong ruổi các huyện, đi chào hàng, giới thiệu sản phẩm của mình ở các quán ăn, nhà hàng. May mắn là 10 nơi thì có 1 - 2 nơi chấp nhận cho Danh đưa hàng vào thử. Nhờ đó, lượng tiêu thụ cũng ngày càng ổn định, nhiều thời điểm Danh không có hàng để cung cấp ra thị trường cũng như những cơ sở cần con giống.
Theo Danh, nuôi thỏ thực tế không quá khó, nhưng vấn đề kỹ thuật cần được theo dõi tỉ mỉ bởi thỏ rất nhạy cảm với thức ăn, thời tiết. Một số bệnh thường gặp như tiêu chảy, sổ mũi… cần được sớm phát hiện và chữa trị. Trong tương lai, Danh cũng đang hướng đến mục tiêu tiếp cận thị trường Nhật Bản, để xuất khẩu thỏ dùng trong nghiên cứu và chiết xuất ra vắc xin phục vụ y học, bởi cậu xác định đây mới là hướng phát triển bền vững, dài lâu.
Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, Danh vẫn thấy quyết định ngày đó của mình có phần liều lĩnh, bởi lập nghiệp ở vùng quê nghèo với 700 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu chẳng phải điều dễ dàng. Hiện nay, Danh mong muốn có thể đưa trực tiếp sản phẩm ra thị trường, không qua thương lái để người tiêu dùng có thể mua giá thấp nhất. Để làm được điều này, Danh từng bước xây dựng hệ thống trại vệ tinh, cung cấp giống cũng như toàn bộ quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho những người muốn tiếp cận quy trình nuôi thỏ nhưng chưa có kinh nghiệm. Đã có nhiều cá nhân trên địa bàn Lâm Hà hợp tác với Danh, dần dần ổn định số lượng thỏ thương phẩm cung cấp ra thị trường.
Bên cạnh việc làm kinh tế, Lăng Văn Danh cũng sống đúng với tuổi trẻ của mình khi là một trong những nhân tố tích cực trong phong trào hoạt động của xã, huyện, từ công tác xã hội đến thành lập tổ đổi công thanh niên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Huyện đoàn Lâm Hà cũng tổ chức cho thanh niên học tập mô hình kinh doanh của Danh và khuyến khích thanh niên học hỏi, hợp tác với Danh khi có nhu cầu và điều kiện.
HỒNG THẮM