Để hỗ trợ thanh niên mở rộng sinh hoạt cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện đời sống kinh tế, thời gian qua, Huyện đoàn Đức Trọng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên xây dựng các mô hình kinh tế...
Để hỗ trợ thanh niên mở rộng sinh hoạt cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện đời sống kinh tế, thời gian qua, Huyện đoàn Đức Trọng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) xây dựng các mô hình kinh tế. Đặc biệt là vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã do thanh niên làm chủ. Các mô hình này đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho ĐVTN.
|
THT trồng hoa lan trong nhà kính của anh Hà Thế Mạnh (bên trái) là mô hình nổi bật trong chương trình đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên tại địa phương |
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Định - Bí thư Huyện đoàn Đức Trọng cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội mà Huyện đoàn quản lý là 40.137 triệu đồng với 1.234 hộ vay, vốn vay được duy trì đúng mục đích. Đơn vị đã lập hồ sơ hỗ trợ tổ liên kết thanh niên nuôi heo đen tại xã N’Thôl Hạ và tổ hợp tác trồng lan trong nhà kính tại xã Tân Thành. Hiện tại, có rất nhiều mô hình của ĐVTN đang thực hiện, trong đó có 6 mô hình khởi nghiệp tại các cơ sở đang được phát huy có hiệu quả.
Theo sự hướng dẫn của Huyện đoàn Đức Trọng, chúng tôi ghé vào xã Tân Thành để tham quan Tổ hợp tác trồng hoa lan trong nhà kính của 3 chàng trai do anh Hà Thế Mạnh (32 tuổi) làm chủ.
Anh Mạnh kể, cũng như một số bạn bè của anh đang theo đuổi nghề trồng hoa lan, lúc trước, anh chỉ có ý định mua về chơi theo sở thích ban đầu của bản thân. Tuy nhiên, sau một thời gian chơi, nhận thấy trồng hoa lan mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định nên quyết định vay mượn anh em, bạn bè và vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để bắt tay trồng hoa phong lan trong nhà kính từ đầu năm 2018.
“Thời gian đầu, mình còn khá lúng túng, từ việc mua giống, làm nhà kính, nhất là việc phân loại các giống hoa lan, bởi mỗi loại cần kỹ thuật chăm sóc khác nhau mà lan thì có nhiều chủng loại. Chỉ nhớ tên của chúng thôi, mình cũng mất cả đêm để học. Nhiều lần cũng gặp không ít khó khăn, thất bại. Lần đầu trồng chưa có kinh nghiệm nhiều nên một số giống lan bị chết” - anh Mạnh tâm sự.
Và cũng nhờ có internet, anh Mạnh đã có một kho tàng vô tận về kiến thức, kinh nghiệm để học hỏi. Tích lũy hàng ngày, đến thời điểm hiện tại, anh đã trở nên thuần thục kỹ thuật chăm sóc từng loại lan.
Khi đã có được kiến thức và kỹ thuật chăm sóc, anh bắt đầu tìm kiếm các giống lan loại Giả Hạc đột biến như: Hồng Minh Châu, Hồng Mỹ Nhân, Hồng Yên Thủy, 5 cánh trắng Hiển Oanh, 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Nha Trang...
Ban đầu quy mô vườn lan của anh còn nhỏ lẻ, “lấy ngắn nuôi dài”, anh bắt đầu tiếp tục bán hàng và gom thêm vốn để mở rộng diện tích. Đến nay vườn lan của anh rộng 500 m
2, trong vườn có trên 6.000 giò lan. Ngoài các giống lan đột biến, thì các loại hàng khác mà anh bán như Giả Hạc Kiến rừng, Di Linh xuân, Châu Như, Nù Ta Li, Nù Tam Bố... được người dân, hoặc bạn bè qua facebook, zalo... tìm đến mua.
Chủ nhân của khu vườn cho biết, giá bán trung bình của một giò lan bình thường dao động từ 300.000 - 2.000.000 đồng/giò, và có những giò lan thuần hoặc đột biến có giá cao gấp 20 - 30 lần giá trung bình. Tùy theo số lượng hàng đi mỗi ngày, vườn lan tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình khoảng gần 400 triệu đồng từ lan thông thường, chưa kể các loại lan quý sẽ bán với giá lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Cảnh Tùng - Phó Bí thư Đoàn xã Tân Thành: Hiện tại tổ hợp tác trồng hoa lan trong nhà kính của anh Mạnh là mô hình tiêu biểu của Đoàn Thanh niên xã Tân Thành. Tại địa phương, Đoàn Thanh niên xã luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất nếu có ĐVTN có ý định vay vốn để khởi nghiệp. Nguồn vốn chủ yếu được trích ra từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, và ĐVTN tại đây có thể tìm đến để làm thủ tục vay. Từ cách làm đến hiệu quả mang lại, hy vọng đây sẽ là mô hình được nhân rộng ở ĐVTN nói riêng và toàn xã nói chung.
Cũng theo chị Định, để ĐVTN của Huyện đoàn thực hiện thêm nhiều chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã triển khai chương trình Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đến các tổ chức cơ sở đoàn trực thuộc. Kết quả có 2/4 ý tưởng được tham dự vòng chung kết Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ III năm 2020 là Thanh niên dân tộc thiểu số xã Hiệp An tổ chức du lịch văn hóa và Dự án liên kết sản xuất lúa hữu cơ Tà Năng Ma Bó của đồng bào dân tộc Chu Ru huyện Đức Trọng.
THÂN HIỀN