Vươn lên từ đất khó Đạ K'Nàng

10:12, 03/12/2020

Vùng đất Đạ K'Nàng vốn là xã vùng sâu, vùng xa bộn bề những khó khăn, thiếu thốn của huyện Đam Rông. Song những năm qua, phong trào lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ đã và đang giúp Đạ K'Nàng khoác lên "tấm áo mới" với bao niềm tin, hy vọng đổi thay từng ngày trên vùng đất khó. 

Vùng đất Đạ K’Nàng vốn là xã vùng sâu, vùng xa bộn bề những khó khăn, thiếu thốn của huyện Đam Rông. Song những năm qua, phong trào lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ đã và đang giúp Đạ K’Nàng khoác lên “tấm áo mới” với bao niềm tin, hy vọng đổi thay từng ngày trên vùng đất khó. 
 
Anh Triệu Đức Dương ngoài việc trồng mắc ca còn ươm giống để cung ứng cho thị trường
Anh Triệu Đức Dương ngoài việc trồng mắc ca còn ươm giống để cung ứng cho thị trường
 
Qua lời giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Đạ K’Nàng, chúng tôi gặp anh Triệu Đức Dương ở thôn Păng Dung, anh đang chăm sóc cho vườn cây giống mắc ca của gia đình. Đây là vườn cây mắc ca giống được anh Dương trồng thử nghiệm từ năm 2012 trên đất quê Đạ K’Nàng. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi từ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT) và các phương tiện truyền thông đã giúp vườn cây của anh phát triển, nhân rộng, mang lại thu nhập cao cho gia đình. 
 
Không những vậy, anh Dương còn tận dụng tốt mạng internet (qua facebook, zalo…) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm vườn mắc ca tới đông đảo người dân trong và ngoài địa phương. Hiện nay, tổng diện tích mắc ca trồng xen trong vườn cà phê của gia đình anh Dương là 6 ha; trong đó, có 3 ha đã cho thu hoạch và mang lại thu nhập trên 450 triệu đồng/năm. Việc trồng xen mắc ca trong vườn cà phê góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đa dạng hóa sản phẩm, giảm rủi ro về thị trường. Bên cạnh việc trồng mắc ca xen vườn cà phê, gia đình anh Dương đầu tư vườn ươm lai tạo nhân giống mắc ca đầu dòng để cung cấp cho nhu cầu thị trường. Hàng năm, anh xuất bán khoảng 20.000 - 30.000 cây giống mắc ca cho người dân. 
 
Tương tự là Trần Văn Thân, ngụ thôn Đạ K’Nàng (xã Đạ K’Nàng) đã tìm hướng khởi nghiệp của mình bằng việc xây dựng thương hiệu cà phê rang xay nguyên chất Samarita coffee. Nhận thấy vùng đất Đạ K’Nàng cũng là thủ phủ cà phê đủ để cung cấp nguyên liệu chế biến cà phê nguyên chất, anh Thân phát sinh ý tưởng kinh doanh loại cà phê này. Đoàn xã đã tạo điều kiện cho anh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp. Năm 2018, được hỗ trợ nguồn vốn ban đầu là 35 triệu đồng, anh Thân mua một máy rang cà phê để hiện thực hóa ý tưởng và từng bước xác lập thương hiệu cà phê sạch “Samarita coffee” cho riêng mình.
 
Ngoài lựa chọn cà phê Robusta tại vùng Bảo Lộc và cà phê Arabica vùng Cầu Đất để làm nguyên liệu, anh Thân còn chủ động liên kết với người dân địa phương và hướng bà con sản xuất theo quy trình cà phê chất lượng cao. Từ đó, nâng dần chất lượng cà phê nguyên liệu vùng đất Đạ K’Nàng. Đến nay, thương hiệu cà phê Samarita coffee của anh Thân được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Hiện, mỗi tháng anh bán ra thị trường khoảng 250 đến 300 kg cà nguyên chất, với giá từ 120 - 250 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, anh Thân còn mở quán cà phê để giới thiệu sản phẩm cà phê Samarita coffee đến với người tiêu dùng trong và ngoài địa phương.
 
Anh Trần Văn Thân xác lập thương hiệu cà phê Samarita của mình
Anh Trần Văn Thân xác lập thương hiệu cà phê Samarita của mình
 
Anh Trần Văn Thân chia sẻ: “Từ uy tín và chất lượng của sản phẩm thuần tự nhiên, nhiều người trong xã Đạ K’Nàng nói riêng, huyện Đam Rông nói chung đã tìm đến mua về sử dụng và làm quà tặng cho người thân. Đến giờ, đã có nhiều khách hàng “ghiền” vị cà phê đặc trưng của mình. Giờ đây mình đang dành nhiều thời gian tiếp cận, mở rộng thị trường từ nông thôn đến đô thị và có thể xa hơn nữa trong thời gian tới”.
 
Đó chỉ là 2 trong nhiều thanh niên ở Đạ K’Nàng khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương. Qua triển khai phong trào lập thân, lập nghiệp của thanh niên, đến nay, Đoàn xã Đạ K’Nàng đã xây dựng được 20 mô hình phát triển kinh tế trang trại; mô hình nông nghiệp công nghệ cao và thu mua nông sản cho thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm/mô hình. Qua đó, giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho 30 ĐVTN ở địa phương. 
 
Anh Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đoàn xã Đạ K’Nàng, cho biết: Nhận thức được vai trò đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập thân, Đoàn xã Đạ K’Nàng đã phối hợp với các cấp bộ đoàn triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hướng nghiệp cho thanh niên. Từ đó, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên; hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ các ứng dụng phần mềm phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và đóng gói, bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp cho các bạn trẻ. Ngoài ra, Đoàn xã Đạ K’Nàng còn huy động các nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ thanh niên, với số vốn ủy thác lên đến hơn 12 tỷ đồng. 
 
Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Đam Rông Trần Đức Phát, các hoạt động đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập thân đã giúp các bạn trẻ phát huy được các sở trường và mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Trong thời gian tới, Huyện đoàn Đam Rông tiếp tục triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên như: Hỗ trợ về vốn, chuyển giao KHKT để xây dựng, phát triển thêm các mô hình kinh tế, góp phần làm giàu cho gia đình và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 
HOÀNG YÊN