Đó là chủ đề công tác năm 2021 được đưa ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 8, khóa XI diễn ra đầu năm 2021.
Đó là chủ đề công tác năm 2021 được đưa ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 8, khóa XI diễn ra đầu năm 2021.
Thanh niên Nguyễn Kim Long, một điển hình thành công từ mô hình khởi nghiệp ở Lâm Đồng |
Chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” không chỉ lan tỏa sâu rộng tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, thôi thúc các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, mà còn truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên lực lượng quan trọng này tự tin trong lao động, sản xuất, đóng góp phát triển đất nước.
Tại Lâm Đồng, sau khi phong trào quốc gia về khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ được phát động và Chương trình “Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp” do Trung ương Đoàn triển khai tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp đã được Tỉnh Đoàn thực hiện thông qua Cuộc thi ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo đã được tổ chức nhiều năm. Tỉnh Đoàn Lâm Đồng thường xuyên tổ chức tập huấn cho lực lượng cán bộ Đoàn - Hội chuyên trách các cấp làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, bản tin trên website, Fanpage Tỉnh Đoàn giới thiệu về các gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, các mô hình làm ăn hiệu quả của thanh niên, qua đó góp phần động viên, cổ vũ thanh niên thi đua khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn còn tổ chức các sự kiện để đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh có cơ hội giao lưu với các doanh nhân thành đạt, nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp trong thanh niên như: Phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức Chương trình “Giao lưu khởi nghiệp dành cho sinh viên - thanh niên Lâm Đồng” tại Trường Đại học Đà Lạt. Chương trình Con đường khởi nghiệp; Chương trình Gặp gỡ chuyên gia với sự tham gia của anh Phan Thanh Sang - chủ trang trại hoa lan YSA; phối hợp với Tập đoàn Trung Nguyên Legend tổ chức các chương trình tại Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Yersin Đà Lạt, thu hút gần 1.000 sinh viên tham gia... Nhờ vậy đã từng bước tạo lập được môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Theo đó, nhiều ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu trên các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp; chế biến sản phẩm nông nghiệp; thiết bị nông nghiệp; dịch vụ nông nghiệp; sáng chế khoa học - công nghệ; bảo tồn văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế... của thanh niên đã ra đời. Đặc biệt, nhiều ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu đã được lựa chọn tham dự ở các “sân chơi” lớn như Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2020”; Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Innovative Technopreneur Contest khu vực Tây Nguyên...
Thực tế cho thấy, để khởi nghiệp, thanh niên cần chuẩn bị về ý tưởng, kiến thức, về kỹ năng, vốn... Nếu không chuẩn bị kỹ để khởi nghiệp thì khi thất bại sẽ để lại những hậu quả nặng nề về tâm lý, lãng phí tiền bạc, nguồn lực. Khó khăn đặt ra hiện nay trong hoạt động khởi nghiệp là có nhiều ý tưởng tốt, phương án đầu tư khả thi nhưng thiếu nguồn lực hỗ trợ. Xác định rõ điều này và để các ý tưởng không chỉ nằm trên giấy, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng mô hình Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo nhằm hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp... để hỗ trợ về kinh phí tổ chức, các chuyên gia, mentor, hỗ trợ xúc tiến thương mại và các nhà đầu tư trong các lĩnh vực tham gia đồng hành... Do đó, các ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc đã có nhiều hơn cơ hội được phát triển và thương mại hóa ra thị trường. Đơn cử như Dự án Nghiên cứu chế tạo các loại máy nông nghiệp thiết kế theo yêu cầu của khách hàng của anh Nguyễn Kim Long (Đơn Dương); Dự án Thiết kế máy lọc nước biển thông minh dựa trên công nghệ màng MD cho ngư dân biển của nhóm tác giả Trường Đại học Đà Lạt...
Anh Nguyễn Kim Long cho biết, “cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đã tạo động lực để mình cụ thể hóa một cách nghiêm túc những ý tưởng đang nằm trong suy nghĩ. Đồng thời, góp phần quan trọng đưa ý tưởng đó trở thành thực tiễn”. Và thực tế hiện nay những ý tưởng của anh Nguyễn Kim Long từ cuộc thi khởi nghiệp đã đi vào cuộc sống. Máy phân loại cà chua do anh sáng chế đã trở thành mặt hàng thông dụng hỗ trợ bà con vùng sản xuất nông nghiệp Đơn Dương thực hiện các công việc sau thu hoạch. Người dân ở thôn Pró Kinh Tế, xã Pró, huyện Đơn Dương vẫn gọi Nguyễn Kim Long là “chàng kỹ sư của nông dân”. Bởi anh là một “kỹ sư chân đất” trưởng thành từ đồng ruộng và tất cả những chế tạo của anh cũng để phục vụ chính những người nông dân.
Với nền tảng đã được tạo dựng nhiều năm qua, thanh niên Lâm Đồng tự tin bước vào năm 2021 để thực hiện chủ đề của Trung ương Đoàn. Trong Thư chúc Tết lực lượng thanh niên toàn tỉnh, đồng chí Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tạo cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên làm kinh tế, tự tin khởi nghiệp; tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, lập nghiệp, nâng cao trình độ, tay nghề trong thanh niên vào thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ thanh niên nông thôn triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, chú trọng kết nối đầu ra sản phẩm. Tập trung các giải pháp hỗ trợ xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp; hướng dẫn xây dựng các mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phù hợp với địa phương. Mở rộng các hình thức tuyên dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế, lao động, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn...
Trên nền tảng đã có, động lực từ năm chủ đề 2021 của Trung ương Đoàn và nỗ lực ngay từ đầu năm của Tỉnh Đoàn sẽ góp phần tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi để những ý tưởng xuất sắc của thanh niên trở thành hiện thực.
NGỌC NGÀ