Hai năm liên tiếp được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu, công trình "Sản xuất cây hoa cúc quy mô lớn bằng phương pháp vi thủy canh có bổ sung nano bạc dưới điều kiện chiếu sáng LED"...
Hai năm liên tiếp được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu, công trình “Sản xuất cây hoa cúc quy mô lớn bằng phương pháp vi thủy canh có bổ sung nano bạc dưới điều kiện chiếu sáng LED” của TS. Hoàng Thanh Tùng - Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) được đánh giá cao về giá trị khoa học và giá trị ứng dụng thực tiễn.
|
TS. Hoàng Thanh Tùng |
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Đà Lạt, TS. Hoàng Thanh Tùng về làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên. Sau 10 năm lao động sáng tạo, dù tuổi đời còn rất trẻ, TS. Hoàng Thanh Tùng (32 tuổi) đã có 85 công bố khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó 15 công bố về cây hoa cúc. Đặc biệt, công trình nhân giống hoa cúc bằng hệ thống vi thủy canh của anh là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về việc sử dụng một kỹ thuật mới trong nhân giống thực vật, đơn giản nhưng hiệu quả trong sản xuất cây giống với quy mô lớn. Kết quả nghiên cứu của TS. Hoàng Thanh Tùng đã cung cấp các dẫn liệu khoa học mới có giá trị, là tài liệu tham khảo hữu ích cho lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, đồng thời, mở ra hướng nghiên cứu mới có tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực nhân giống thực vật.
Cây hoa cúc là một loài hoa trồng chậu, cắt cành phổ biến trên thế giới, được ưa chuộng bởi màu sắc phong phú và hình dáng, kích cỡ hoa đa dạng. Người Việt xem hoa cúc là biểu tượng của sự thanh cao - một trong bốn loài cây được xếp vào hàng tứ quý “Tùng, Cúc, Trúc, Mai” và tượng trưng cho mùa Thu. Hoa cúc được trồng khắp cả nước với tổng diện tích trên 2.000 ha, Lâm Đồng có diện tích trồng lớn nhất, riêng Đà Lạt có cả làng hoa Thái Phiên chuyên trồng hoa cúc. Vì thế, yêu cầu về cây giống phục vụ cho các vùng sản xuất hoa cao, nhưng phương pháp nhân giống truyền thống (giâm cành, gieo hạt, tách mầm) chưa đủ đáp ứng nhu cầu về giống vì hệ số nhân giống thấp, chất lượng cây giống kém, dễ bị thoái hóa, nhiễm bệnh, cây con được nhân giống trong các vỉ xốp hoặc trồng trực tiếp trên đất khó vận chuyển đi xa.
Phương pháp vi nhân giống (nuôi cấy mô) đã được áp dụng từ lâu với các ưu điểm như nhân giống với số lượng lớn, đồng nhất; nhưng lại có những hạn chế như: nuôi cấy trong điều kiện phòng thí nghiệm vô trùng, không dễ thực hiện, sự thành công phụ thuộc nhiều vào khả năng thuần hóa cây giống trong điều kiện vườn ươm. Trong điều kiện in-vitro, cây giống đã quen với điều kiện lý tưởng được kiểm soát trong quá trình sinh trưởng, nên khi chuyển ra vườn ươm, cây giống phải chống chịu với nhiều tác nhân bất lợi từ môi trường như nấm bệnh, nhiệt độ thay đổi, độ ẩm thấp, nghèo dinh dưỡng,… sự thay đổi đột ngột đó làm cho khả năng thích nghi và tỷ lệ sống sót của cây giống giảm đáng kể.
Qua 6 năm miệt mài (2012 - 2018) nghiên cứu, công trình khoa học “Sản xuất cây hoa cúc quy mô lớn bằng phương pháp vi thủy canh có bổ sung nano bạc dưới điều kiện chiếu sáng LED” của TS. Hoàng Thanh Tùng đã áp dụng thành công hệ thống vi thủy canh vào nhân giống hoa cúc, giải quyết mọi khó khăn thực tiễn đặt ra. Hệ thống vi thủy canh là hệ thống nhân giống kết hợp giữa vi nhân giống và thủy canh. Phương pháp nhân giống này hoàn toàn mới, có thể sản xuất cây giống với số lượng lớn, đồng nhất, sạch bệnh, rút ngắn quy trình nhân giống bằng việc kết hợp giai đoạn ra rễ với giai đoạn thuần dưỡng, tiết kiệm chi phí, nuôi cấy không cần điều kiện vô trùng, tiết kiệm năng lượng, dễ dàng sắp xếp và vận chuyển đi xa, dễ thực hiện, dễ dàng áp dụng cho người nông dân mà không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, có thể áp dụng trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau như cây hoa, cây rau, cây dược liệu, cây thân gỗ...
Với một công trình thực nghiệm đã tối ưu hóa được quy trình nhân giống cây hoa cúc hội đủ cả giá trị khoa học và thực tiễn, nhưng TS. Hoàng Thanh Tùng không nghĩ đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho mình. Anh bỏ qua bước này vì nhận thấy kết quả của công trình có tiềm năng ứng dụng rất cao; anh muốn chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình đến nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân, người dân, để họ dễ dàng áp dụng vào thực tế mà không bị ràng buộc, rào cản của các thủ tục. Đến nay, đã có nhiều đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu vào nhân giống như: Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, Công ty Giống miền Nam, Công ty Công nghệ sinh học Thái Dương, Công ty Farmy và một số cơ sở sản xuất giống quy mô gia đình trên địa bàn tỉnh. Giống hoa cúc sản xuất trong hệ thống vi thủy canh đã được trồng thành công cho chất lượng hoa tốt ở trên đồng ruộng, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hoa đẹp.
QUỲNH UYỂN