Sinh ra, lớn lên và được nuôi nấng từ bao giọt mồ hôi thấm đẫm trên những vườn rau quả, không ít người trẻ tại vùng rau lớn nhất Lâm Đồng đi xa để bồi đắp kiến thức, rồi chọn trở về để khởi nghiệp từ chính các loại nông sản của quê hương mình.
Sinh ra, lớn lên và được nuôi nấng từ bao giọt mồ hôi thấm đẫm trên những vườn rau quả, không ít người trẻ tại vùng rau lớn nhất Lâm Đồng đi xa để bồi đắp kiến thức, rồi chọn trở về để khởi nghiệp từ chính các loại nông sản của quê hương mình.
|
Thanh niên huyện Đơn Dương trưng bày và giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của mình |
Đến nay, những câu chuyện của Huyền Trâm (ở xã Lạc Lâm, xây dựng thương hiệu sản phẩm bột rau củ sấy lạnh nguyên chất mang tên Dalathouse có mặt trên sàn thương mại điện tử Amazon) hay Hoài Anh (một bạn trẻ xã Tu Tra đã nghiên cứu và sử dựng công nghệ sấy lạnh để tạo ra sản phẩm bột bí Nhật An) không còn hiếm hoi ở vùng rau Đơn Dương. Rất nhiều người trẻ sau những năm tháng làm việc, trải nghiệm tại các vùng đất mới đã nhận ra giá trị của sản phẩm ở quê hương mình. Bột rau củ sấy lạnh, nông sản sấy khô, hay thậm chí là bánh tráng mắm ruốc,... của Đơn Dương, từ đôi bàn tay và sự nỗ lực đổi mới của những người trẻ mà dần đi vào hệ thống siêu thị, đi ra các tỉnh thành lớn, xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử,...
Anh Nguyễn Hoàng Sơn - Bí thư Huyện đoàn Đơn Dương nhận định, đặc thù của địa phương là vùng sản xuất nông nghiệp, nên quá trình khởi nghiệp của thanh niên chủ yếu cũng dựa trên thế mạnh và nền tảng này. Hiện, huyện Đơn Dương đang xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, đây cũng là cơ sở để đoàn viên, thanh niên tại các xã mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Khác với câu chuyện thiếu nền tảng kiến thức mà rất nhiều thanh niên nông thôn tại các địa phương khác gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp, tại huyện Đơn Dương, anh Nguyễn Hoàng Sơn khẳng định: “Kiến thức nông nghiệp hay khoa học kỹ thuật là một thế mạnh của thanh niên huyện nhà. Bởi đa phần các bạn trở về quê khởi nghiệp sau khi đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, tinh thần ham học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ thực tiễn giúp thanh niên mạnh dạn hơn trong việc áp dụng vào sản xuất, nhất là tiến bộ khoa học kỹ thuật”. Bằng chứng là sự ra đời của các chuỗi liên kết ngày càng tăng lên.
Hiện, trên địa bàn huyện Đơn Dương đã thành lập 5 tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) của thanh niên, gồm: THT Chăn nuôi bò tại xã Próh đồng hành cùng thanh niên trong chăn nuôi; HTX rau an toàn thanh niên tại thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô xây dựng sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGap và tìm kiếm đầu ra ngoại tỉnh; THT rau sạch tại thôn Nghĩa Hiệp 1, xã Ka Đô sản xuất, cung cấp rau công nghệ cao, cung cấp rau sạch cho thị trường TP Hồ Chí Minh, hướng tới việc sản xuất rau theo công nghệ khép kín, tự ươm và nhân giống cây trồng; HTX rau hoa VietGap Tiên Sinh tại thôn Giãn Dân, xã Lạc Xuân, sản xuất rau hoa theo tiêu chuẩn VietGap, cung cấp rau sạch và các dịch vụ sau thu hoạch như sấy khô, đóng gói,...; và THT POA tại xã Próh.
Thành lập vào cuối năm 2020, THT sản xuất nông nghiệp POA tại thôn Próh Kinh tế, xã Próh chuyên sản xuất, chế tạo máy nông nghiệp như máy phân loại củ, quả theo màu sắc và kích thước, sản xuất rau công nghệ cao. Anh Nguyễn Kim Long (sinh năm 1990), Tổ trưởng THT, là người đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II năm 2019, với sản phẩm máy phân loại cà chua. THT hiện có 4 thành viên chính thức, cùng nhau hỗ trợ, trao đổi, tiêu thụ và từng bước nâng cao giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu của THT.
Anh Nguyễn Kim Long cho rằng, kiến thức và bản lĩnh là hai thứ người trẻ rất cần trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp, nhưng khó khăn lớn nhất của thanh niên địa phương trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp là thiếu vốn. Quá trình đối ứng gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được lớn (khoảng 50 triệu đồng), chưa đáp ứng đủ nhu cầu khởi nghiệp cho thanh niên, nhất là khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, để phần nào giải quyết khó khăn về vốn và đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, Ban Thường vụ Đoàn các đơn vị trên địa bàn huyện Đơn Dương đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tập huấn nghiệp vụ về công tác vay và sử dụng vốn vay. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền thành lập các tổ hợp tác vay vốn và tiết kiệm trong đoàn viên, thanh niên. Tính đến cuối năm 2020, số dư nợ ủy thác của Đoàn Thanh niên huyện Đơn Dương là trên 31 tỷ đồng, với 26 tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng 26% so với năm 2019.
VIỆT QUỲNH