Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại khiến nhiều thời điểm các nhà hàng, dịch vụ ăn uống,... chỉ được phép bán mang về, lượng khách giảm mạnh, nên để kiếm được một công việc trong đại dịch này tại TP Đà Lạt quả thực không dễ dàng đối với nhiều sinh viên.
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại khiến nhiều thời điểm các nhà hàng, dịch vụ ăn uống,... chỉ được phép bán mang về, lượng khách giảm mạnh, nên để kiếm được một công việc trong đại dịch này tại TP Đà Lạt quả thực không dễ dàng đối với nhiều sinh viên.
|
Sinh viên Nguyễn Thị Như, Khoa Du lịch, Đại học Đà Lạt đi dọn dẹp, vệ sinh, làm bán thời gian để có tiền trang trải cuộc sống thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần như toàn bộ các trường đại học trên địa bàn TP Đà Lạt chuyển sang đào tạo dạy học trực tuyến. Trong khi nhiều sinh viên lựa chọn về quê học online thì có không ít bạn chọn cách ở lại Đà Lạt để vừa học vừa đi làm thêm, nhằm hỗ trợ gia đình phần nào tiền học phí, sinh hoạt hằng ngày.
"Bám trụ" giữa đợt dịch bệnh bùng phát phức tạp, cố gắng tìm kiếm việc làm để xoay xở với vô số chi phí sinh hoạt khác nhau, Nhật Mai - sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đã không lựa chọn về quê mà vẫn kiên trì ở lại Đà Lạt vì không thể nghỉ làm. Nhật Mai cho biết: “Dịch bệnh căng thẳng, bố mẹ em cũng gọi điện để giục về nhà nhưng em quyết định ở lại, nhờ có công việc, em có thể trang trải một phần chi phí để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình” - Nhật Mai nói và cho hay, với việc làm bán thời gian tại một quán cà phê trên đường Hoàng Văn Thụ (Phường 4, TP Đà Lạt), em còn may mắn hơn một số bạn bè vì dịch bệnh nên các nơi đã thông báo tạm đóng cửa hoặc buộc phải giảm lương nhân viên.
Cũng giống như Mai, bạn Trần Văn Phương, sinh viên năm 3 Khoa Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt cho biết đã chủ động ở lại làm việc, kiếm thêm thu nhập để có thể tự mình chi trả một phần chi phí cho cuộc sống đắt đỏ tại thành phố, không muốn bị phụ thuộc nhiều quá vào bố mẹ.
“Hiện tại em tranh thủ học online theo lịch của khoa mọi lúc, mọi nơi có thể. Thời gian rảnh, em được thuê bán cà phê theo ca với mức lương 1,7 triệu đồng/tháng. Mới đây, quán cà phê đóng cửa, em chuyển sang làm bán thời gian cho một doanh nghiệp chế biến nông sản tại địa bàn Phường 7. Tuy vất vả nhưng cũng nhờ công việc này nên em cũng đủ tiền ăn uống, xăng xe. Nếu tình hình dịch căng thẳng hơn, ít việc hơn thì em cũng chưa biết xoay xở thế nào” - Phương cho biết.
Còn theo Nguyễn Huy, bạn cùng khóa với Phương, khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 em đang làm thêm tại một nhà hàng lẩu buffet nhưng hai tuần qua, nhà hàng phải tạm đóng cửa. “Em đang đi xin thêm làm các việc khác để kiếm tiền phụ ba mẹ ở quê nhưng hiện vẫn chưa có công việc phù hợp, vì mình vừa phải đảm bảo đi làm, vừa phải đảm bảo việc học” - Huy chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn TP Đà Lạt có khoảng trên 10.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trong đó số sinh viên tốt nghiệp ra trường năm 2021 chiếm khoảng gần 2.200 em. Riêng con số tìm được việc làm sau khi ra trường hoặc bám trụ lại Đà Lạt làm việc thời vụ hiện chưa có thống kê cụ thể.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp sinh viên tìm kiếm việc làm trong đợt dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt cho biết: Mỗi đầu khóa học, nhà trường đều triển khai chính sách hỗ trợ việc làm cho sinh viên, đặc biệt là các em sinh viên khi kết thúc chương trình học và ra trường. Qua khảo sát từ nhà trường cho thấy có hơn 90% các sinh viên năm 4 ra trường có việc làm, chủ yếu là làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Lạt và các huyện lân cận trong quá trình đi thực tập, liên hệ.
“Hiện trong ký túc xá của trường có khoảng hơn 100 sinh viên ở lại học tập thì số có việc làm thêm chiếm hơn 90%, số còn lại chưa có việc làm, khi các em có nhu cầu, chúng tôi sẽ liên hệ với các doanh nghiệp để giúp các em sắp xếp có việc làm bán thời gian” - ông Sơn thông tin.
Đại diện Trường Đại học Đà Lạt cho biết thời gian qua do nhà trường triển khai xây dựng hệ thống học trực tuyến nên sinh viên lựa chọn ở quê học trực tuyến chiếm số lượng lớn. Để giảm bớt khó khăn cho các em, Trường Đại học Đà Lạt thông báo không bắt buộc sinh viên phải đóng học phí trước các kỳ thi học kỳ, đồng thời có các chính sách hỗ trợ tìm kiếm việc làm phù hợp cho các em khi cần thiết. Nhà trường cũng khuyến cáo sinh viên trong tình hình diễn biến phức tạp, các em khi đi làm thêm cần phải chú trọng các biện pháp an toàn trong việc phòng, chống dịch theo khuyến cáo của địa phương, ngành y tế để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
C.PHONG