Hiệu quả từ các câu lạc bộ, đội, nhóm ở Đam Rông

06:10, 28/10/2021

Phát huy tinh thần đoàn kết và thực hiện phong trào thanh niên hiệu quả thông qua các chương trình, câu lạc bộ, đội, nhóm, tổ...

Phát huy tinh thần đoàn kết và thực hiện phong trào thanh niên hiệu quả thông qua các chương trình, câu lạc bộ, đội, nhóm, tổ, thời gian qua, Huyện đoàn Đam Rông đã triển khai và duy trì với nhiều phần việc ý nghĩa, thiết thực. Qua đó, khẳng định được sức trẻ nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp phát triển chung của toàn huyện.
 
ĐVTN xã Đạ R’sal tham gia mô hình Hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho người dân tại thôn Phi Jut
ĐVTN xã Đạ R’sal tham gia mô hình Hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho người dân tại thôn Phi Jut
 
•  ĐA DẠNG MÔ HÌNH, CÂU LẠC BỘ
 
Theo anh Trần Đức Phát - Phó Bí thư Huyện đoàn Đam Rông: Do đặc thù là huyện miền núi, có đông thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nên đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội phải thường xuyên bám sát cơ sở để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó xây dựng chương trình hoạt động phù hợp với thanh niên. Các mô hình đoàn kết, tập hợp hội viên, thanh niên thông qua các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm, tổ được tổ chức ngày càng đa dạng theo từng địa bàn dân cư, ngành nghề, sở thích...
 
Được thành lập vào cuối năm 2019, đến nay CLB Ghita tại xã Đạ K’nàng đã thu hút hơn 20 bạn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) là người DTTS tham gia sinh hoạt. Với mục đích phát huy năng khiếu văn nghệ của từng thành viên và tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, giúp các bạn trẻ thư giãn sau thời gian lên nương làm rẫy, đều đặn vào mỗi chiều thứ Bảy, trung tâm văn hóa xã lại rộn ràng, náo nhiệt. 
 
Anh Ngô Văn Thành - Bí thư Đoàn xã Đạ K’nàng cho biết: Trước đây, các thôn đều có phong trào văn hóa văn nghệ nhưng không được triển khai nhiều, vì thế thanh niên giữa các thôn chưa thực sự có điều kiện giao lưu. Để củng cố điều đó, Đoàn xã cũng đã có CLB Cồng chiêng, tuy nhiên do cồng chiêng hạn chế về dụng cụ nên đoàn đã thành lập thêm CLB Ghita với mục đích để ĐVTN tiếp cận với các loại hình âm nhạc khác, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật sử dụng các loại nhạc cụ, giao lưu, gặp gỡ bạn bè. 
 
Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để ĐVTN phát huy năng khiếu của bản thân, đặc biệt là thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, trong những năm qua Huyện đoàn Đam Rông còn tập huấn, triển khai và cho ra đời nhiều mô hình hướng tới cộng đồng. Qua đó, lan tỏa được hình ảnh của tuổi trẻ địa phương trong các hoạt động an sinh xã hội.
 
Đơn cử tại xã Đạ R’sal, nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong việc chăm lo gia đình chính sách, cán bộ, đoàn viên, đội viên, hội viên, thanh niên trên địa bàn xã có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, góp phần cùng địa phương thực hiện xóa nhà tạm, mô hình Hỗ trợ người dân sửa chữa và dựng nhà thôn Phi Jut được thành lập, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia.
 
Suốt 2 năm nay, mô hình nói trên được Chi đoàn thôn Phi Jut triển khai hiệu quả. Phần lớn các thành viên sẽ tham gia giúp đỡ người dân tại 3 thôn Pang Pế Nâm, Pang Pế Dơng và Phi Jút. Anh Bon Krong Y Huy - Chủ nhiệm mô hình Hỗ trợ người dân sửa chữa và dựng nhà thôn Phi Jut chia sẻ: “Nhìn vào thực tế, 3 thôn đồng bào trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn về đời sống sinh hoạt. Cùng với chính quyền địa phương, thanh niên của thôn đã có những việc làm thiết thực. Cụ thể, vào cuối năm 2019, chi đoàn thôn đã triển khai thực hiện mô hình nói trên. Theo lịch trình hàng tháng, chi đoàn sẽ phối hợp với trưởng thôn khảo sát thực tế từng hộ dân cần giúp đỡ ngày công, chủ yếu là những gia đình chính sách, hộ nghèo, neo đơn, các gia đình ĐVTN khó khăn. Tính đến nay, mô hình đã sửa chữa, dựng nhà cho hơn 10 gia đình tại 3 thôn”.
 
•  ĐỔI MỚI NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG 
 
Theo Huyện đoàn Đam Rông, hiện toàn huyện đang duy trì 8 đội hình Dân quân cơ động, 11 đội hình Thanh niên xung kích, 4 CLB Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm, 28 mô hình Cổng trường an toàn giao thông, 1 CLB Lý luận trẻ, 1 CLB Ghitar, 1 CLB sáng tạo trẻ; 11 đội hình Tuyên truyền ca khúc cách mạng; 8/8 xã duy trì tổ đổi công tại các thôn với trên 50 tổ đổi công; 15 tổ, đội, nhóm giúp nhau phát triển kinh tế và duy trì có hiệu quả 1 Chi hội Thầy thuốc trẻ.
 
Theo anh Trần Đức Phát, trong thời gian qua, phong trào Đoàn, Đội phát triển thông qua các CLB, đội, tổ, nhóm được xác định với hai nhiệm vụ chính là tổ chức các hoạt động tạo sân chơi lành mạnh, khơi dậy nhiệt huyết của thanh niên trong tổ chức hội và phát triển kinh tế cho thanh niên địa phương, nên hàng năm, Huyện đoàn đều phổ biến phương thức tập hợp mới để cán bộ làm công tác hội nhanh chóng cập nhật, triển khai. Cụ thể, trong những năm gần đây, Huyện đoàn đã tham mưu cho lãnh đạo huyện thành lập các mô hình tổ, đội, nhóm để thu hút ĐVTN. 
 
Bởi trước đây, việc hình thành các CLB đội, nhóm, tổ còn gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn là do nhận thức, trình độ văn hóa của một bộ phận thanh niên chưa cao, còn có tư tưởng tách biệt với cộng đồng, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, phải đi làm ăn xa... Chính vì thế, để thay đổi tình hình, các cơ sở đoàn, hội đã tập trung đổi mới nội dung, hình thức, mô hình hoạt động phù hợp hơn với thanh niên. Bên cạnh đó, lựa chọn, phân công cán bộ là người DTTS có trình độ, tâm huyết với công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh niên, biết lắng nghe hội viên, thanh niên nhằm thuyết phục, vận động tham gia tổ chức, duy trì hoạt động của các CLB, tổ, đội, nhóm...
 
Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Đam Rông: “Để các CLB, đội, nhóm phát huy được hết khả năng, sở thích của bản thân, thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tích cực đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt; đồng thời tăng cường nghiên cứu, nắm bắt, tìm hiểu kỹ lưỡng về đặc điểm, nhu cầu của từng đối tượng hội viên, đoàn viên, thanh thiếu niên nhằm tạo dựng những sân chơi lành mạnh, qua đó khơi dậy sức trẻ, đoàn kết, tập hợp hội viên, thanh niên tham gia vào các phong trào Đoàn, Hội tại địa phương”.
 
THÂN THU HIỀN