Thanh niên Lạc Dương khởi nghiệp cùng OCOP

02:10, 21/10/2021

Từ những tiềm năng, thế mạnh của địa phương gắn với các sản phẩm nông nghiệp, Huyện đoàn Lạc Dương luôn đồng hành, tiếp sức để thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế cùng Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Từ những tiềm năng, thế mạnh của địa phương gắn với các sản phẩm nông nghiệp, Huyện đoàn Lạc Dương luôn đồng hành, tiếp sức để thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế cùng Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
 
Khách nước ngoài trải nghiệm quy trình làm cà phê ở K’Ho Coffee. (Ảnh chụp trước 30/4/2021)
Khách nước ngoài trải nghiệm quy trình làm cà phê ở K’Ho Coffee. (Ảnh chụp trước 30/4/2021)
 
Qua những buổi tập huấn và hỗ trợ tiếp sức, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Lạc Dương đã tự tin khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
 
Sinh năm 1987, chị Ro Lan Cơ Liêng chọn hướng đi gắn với các sản phẩm mang đặc trưng của vùng đất LangBiang để khởi nghiệp khi mới 24 tuổi. Là người dân tộc thiểu số, chị khởi nghiệp từ nghề dệt thổ cẩm, một nghề truyền thống của mẹ chị cũng như bà con ở thôn B’Nơr C (thị trấn Lạc Dương). Về sau khi nhận thấy việc trồng cà phê của bà con còn nhiều bấp bênh, chị Ro Lan Cơ Liêng quyết định lựa chọn K’Ho Coffee làm hướng đi riêng. Chị cho biết, đến với K’Ho Coffee, du khách không chỉ đơn thuần thưởng thức hương vị cà phê giữa núi rừng mà còn có thể trải nghiệm quy trình chăm sóc, thu hái, pha chế cà phê và khám phá nét văn hóa độc đáo của người K’Ho. 
 
Nhắc về những ngày đầu khởi nghiệp, chị Ro Lan Cơ Liêng chia sẻ, bản thân cũng đã gặp không ít khó khăn về vốn, kinh nghiệm cũng như xây dựng hình ảnh, đội ngũ dẫn khách tham quan và việc quảng bá K’Ho Coffe. Đến nay, K’Ho Coffee không những thu hút khách du lịch trong nước mà nhiều du khách nước ngoài cũng biết đến với phong cách thưởng thức vị cà phê đặc biệt.
 
Nhận thấy cơ hội từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, vừa qua, chị Ro Lan Cơ Liêng cũng đã đăng ký để K’Ho Coffee tham gia vào Chương trình OCOP của địa phương. “Mình quyết định tham gia vào chuỗi OCOP, vì đây là cơ hội để công ty có thể quảng bá sản phẩm và khẳng định chất lượng của K’Ho Coffee; thị trường kinh doanh được mở rộng, việc sản xuất, kinh doanh cũng sẽ ổn định hơn” - chị Ro Lan Cơ Liêng chia sẻ.
 
Chia sẻ về việc thanh niên khởi nghiệp cùng OCOP, Ro Lan Cơ Liêng cho rằng, trước hết phải thực sự đam mê với việc mình đang làm, xác định được mục tiêu, định hướng rõ ràng. Đặc biệt là phải luôn giữ sức trẻ, sự sáng tạo và lòng nhiệt huyết, kiên trì, không bỏ cuộc trước khó khăn.
 
Theo anh Lơ Mu Ha Thiêm - Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Lạc Dương, thông qua công tác tuyên truyền, định hướng, nhiều thanh niên địa phương đã chủ động trong sản xuất, xây dựng được những mô hình kinh tế hiệu quả. Đặc biệt, thanh niên nắm được tầm quan trọng của việc đăng ký thương hiệu và quảng bá sản phẩm. “Ngoài K'Ho Coffee là sản phẩm tham gia OCOP tiên phong, tuổi trẻ địa phương đang hướng tới việc xây dựng và phát triển thêm thương hiệu hoa hồng Langbiang; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động thanh niên duy trì các mô hình trồng hoa hướng tới thành lập các tổ hợp tác và đăng ký thương hiệu sản phẩm” - anh Ha Thiêm cho hay. 
 
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Vũ Hoàng - Bí thư Huyện đoàn Lạc Dương cho biết: Xác định OCOP là “sân chơi” thiết thực để đoàn viên, thanh niên thử sức ở lĩnh vực nông nghiệp, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong thanh niên. Bên cạnh hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP cho thanh niên, Huyện đoàn cùng các cơ sở đoàn còn tập hợp những thanh niên có cùng sở thích sản xuất, kinh doanh để thành lập và duy trì các mô hình kinh tế tập thể tuổi trẻ.
 
Ngoài ra, Huyện đoàn Lạc Dương cũng tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan, học tập các mô hình kinh tế hiệu quả; đồng thời, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt. Các Đoàn xã, thị trấn rà soát nhu cầu của thanh niên, lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp, xác định sản phẩm là thế mạnh của cá nhân và địa phương để định hướng, hỗ trợ cho thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp cùng OCOP. 
 
Đến nay, Huyện đoàn Lạc Dương hình thành một tổ hợp tác phát triển sản xuất cà phê tại xã Đưng K’Nớ, với hơn 40 hộ kinh doanh do thanh niên làm chủ. Sản phẩm cà phê mang thương hiệu Yũ M’nang của chị Liêng Jrang K’Chăm (xã Đạ Sar) đã đạt chứng nhận OCOP; K’Ho Coffee của chị Ro Lan Cơ Liêng (thị trấn Lạc Dương) đăng ký tham gia OCOP.
 
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, việc thanh niên tham gia OCOP vẫn còn là bài toán khó. Hiện nay, chưa có nhiều thanh niên đạt được những yêu cầu của OCOP, nhất là khi những bạn trẻ vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm, còn nhiều khó khăn khi khởi nghiệp. Do vậy, để OCOP thực sự là “sân chơi” của thanh niên, thời gian tới, tuổi trẻ huyện Lạc Dương sẽ tiếp tục quan tâm, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển sản xuất. Đồng thời, các cơ sở đoàn sẽ giúp các bạn trẻ có điều kiện tìm hiểu, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp cùng chương trình OCOP nói riêng.
 
NHẬT QUỲNH