Nối nhịp yêu thương giúp học sinh nghèo vượt khó

04:12, 23/12/2021

Hơn 2 năm qua, mô hình "Quỹ vì học sinh nghèo" đã lan tỏa và trở thành truyền thống tốt đẹp của giáo viên Trường Tiểu học Đạ K'nàng (huyện Đam Rông)...

Hơn 2 năm qua, mô hình “Quỹ vì học sinh nghèo” đã lan tỏa và trở thành truyền thống tốt đẹp của giáo viên Trường Tiểu học Đạ K’nàng (huyện Đam Rông). Từ những tấm lòng nhân ái với việc làm ý nghĩa của thầy cô giáo, nhiều học trò nơi vùng huyện khó khăn ấy ngày càng nỗ lực học tập, không ngừng cố gắng để những giấc mơ được chắp cánh bay xa.
 
Với nguồn quỹ vì học sinh nghèo, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không ngừng cố gắng để đạt thành tích cao trong học tập.
Với nguồn quỹ vì học sinh nghèo, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không ngừng cố gắng để đạt thành tích cao trong học tập.
 
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi lý giải vì sao mô hình “Quỹ vì học sinh nghèo” của Chi đoàn Trường Tiểu học Đạ K’nàng xuất hiện, cô Phạm Thị Phượng - Bí thư Đoàn trường tâm sự: Đó là xuất phát từ thực tế có nhiều học sinh trong trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Với trên 60% học sinh là người dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình còn nhiều chật vật nên việc chăm lo, nắm bắt tâm lý con em trong việc học tập của phụ huynh chưa được cao. Mong muốn lồng ghép chương trình này với tuyên truyền các em học sinh không chểnh mảng trong học tập; cùng với đó để duy trì sĩ số, mô hình dần trở nên hiệu quả và lan tỏa đến phụ huynh, học sinh. 
 
Gắn bó với ngôi Trường Tiểu học Đạ K’nàng đã lâu, cô Phượng vẫn không thể nào che giấu đi nỗi lo âu của mình về những cô cậu học trò gầy gò, từ sáng sớm phải đến lớp một mình... Bởi cha mẹ của các em chủ yếu lên rừng làm rẫy, học sinh là con hộ nghèo hoặc mồ côi...
 
Trước tình hình thực tế đó, bắt đầu từ tháng 9/2018, mô hình “Quỹ vì học sinh nghèo” được Chi đoàn giáo viên Trường Tiểu học Đạ K’nàng thực hiện. Sau hơn hai năm triển khai với những hiệu quả mang lại thiết thực, công tác duy trì sĩ số được nâng lên.
 
“Để duy trì nguồn quỹ này, Đoàn trường thống nhất đến ngày nhận tiền lương hàng tháng, các thầy cô sẽ trích ra 20.000 đồng/người để gây quỹ. Số tiền này sẽ được Đoàn trường đưa ra để mua một số nhu yếu phẩm như nước mắm, dầu ăn, bánh kẹo, sách vở, áo quần đồng phục... mang đến từng nhà để động viên, trò chuyện và dành những yêu thương đến các em. Thường thì mô hình sẽ được thực hiện vào dịp Tết Nguyên đán, một số trường hợp được phát sinh nếu khi ấy học sinh hoặc gia đình cần đến sự hỗ trợ”, cô Phượng cho hay. 
 
Theo Chi đoàn Trường Tiểu học Đạ K’nàng, cứ mỗi đầu năm học, Chi đoàn kết hợp với giáo viên chủ nhiệm nắm danh sách học sinh khó khăn, xét chọn ưu tiên theo từng diện đối tượng. Trong thời gian qua, cùng với việc vận động từ giáo viên, và mô hình có sức lan tỏa rộng khắp, nhiều mạnh thường quân cũng đã trích phần kinh phí để hỗ trợ, duy trì mô hình. 
 
Đến nay, với hơn 28 triệu đồng, nguồn quỹ đã giúp đỡ, hỗ trợ cho hơn 100 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, vượt khó trong học tập. “Mặc dù số tiền không được nhiều, nhưng tôi nghĩ đấy sẽ là những món quà ý nghĩa của thầy cô gửi tới các em. Mong rằng từ những điều nhỏ nhặt đấy, và cả những lần giáo viên về nhà các em để nói chuyện, chia sẻ với phụ huynh học sinh sẽ là niềm động viên giúp các em vững tin hơn để tiếp tục con đường học tập của bản thân”, cô Phượng tâm sự.
 
Em K’Long Đinh Thị Thu Hạnh, học sinh lớp 4A1 là một trong những trường hợp đặc biệt khó khăn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ giáo viên. Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, từ nhỏ, cô bé Thu Hạnh không được sống chung với bố mẹ. Bà nội và cậu ruột là hai người thân duy nhất để em có thể nương tựa. Cũng bởi bà nội đã lớn tuổi, kinh tế gia đình càng thêm khó khăn hơn. May mắn là chính sự hỗ trợ và động viên từ các thầy cô đã giúp em vượt qua khó khăn, cố gắng và đạt những thành tích cao trong học tập. Anh K’Long Ha Đêm - Cậu ruột của Thu Hạnh chia sẻ: “Hạnh là một cô bé thiệt thòi bởi từ khi còn nhỏ đã thiếu thốn tình thương của cả cha lẫn mẹ. Gần hai năm trở lại đây, cứ mỗi dịp tết đến, hoặc lúc gia đình khó khăn thì thầy cô trong trường cũng đến hỏi thăm, động viên bằng những món quà hay một ít tiền mặt. Nói về vật chất thì đấy là món quà không quá lớn nhưng đối với bản thân tôi và cả cháu Hạnh đó là niềm an ủi, khích lệ lớn để gia đình có thể tiếp tục đồng hành cùng Hạnh trong những ngày tháng về sau”. 
 
Anh Trần Đức Phát - Phó Bí thư Huyện đoàn Đam Rông nhận định: Mô hình “Quỹ vì học sinh nghèo” tại Chi đoàn Trường Tiểu học Đạ K’nàng được ra mắt hoạt động từ đó đến nay luôn được sự quan tâm tạo điều kiện của Ban Chấp hành Đoàn xã và nhà trường. Đấy là điểm mạnh trong công tác đoàn và chương trình “Vì đàn em thân yêu” do Huyện đoàn Đam Rông phát động. Ở đây không chỉ đơn thuần là mô hình chia sẻ những giá trị vật chất, bù đắp những thiếu thốn về tinh thần mà trên hết đó là sự lan tỏa giá trị, lòng nhân ái cao đẹp của mỗi thầy, cô giáo nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vượt lên khó khăn tiếp tục viết tiếp ước mơ tới trường của các em. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mô hình này đang là một trong những mô hình nổi bật để Huyện đoàn có thể nhân rộng đến các chi đoàn trên địa bàn huyện.
 
THÂN THU HIỀN