Tối ngày 24/12, tại Hà Nội, cựu sinh viên Trường Đại học Đà Lạt Lương Văn Trường vinh dự cùng 56 nhà nông trẻ tiêu biểu toàn quốc nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI, năm 2021. Giải thưởng không chỉ vinh danh cá nhân, hơn thế, tạo niềm tin phấn đấu đối với thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên Trường Đại học Đà Lạt rèn luyện, học hỏi trong quá trình học tập và ra đời lập nghiệp.
|
Lương Văn Trường nhận giải thưởng từ Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn. |
Tròn 10 năm tốt nghiệp ra trường (Khóa 31, năm học 2007-2011), Lương Văn Trường vinh dự lên bục cao nhận giải thưởng danh giá chưa hết xúc động. Đây là năm thứ 16, Giải thưởng Lương Định Của đã trao cho hơn 2.000 “Nhà nông trẻ xuất sắc”. Họ trưởng thành từ phong trào “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đến phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Họ là những thanh niên nông thôn ra sức thi đua sản xuất, kinh doanh, đoàn kết, sáng tạo, vượt khó và làm giàu. Dù hoàn cảnh, xuất phát điểm khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là ý chí, nghị lực, khát vọng vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên lập thân, lập nghiệp; tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
•
PHÓ CHỦ TỊCH XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN
Lương Văn Trường sinh năm 1989, tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, Trường tình nguyện lên huyện miền núi đặc biệt khó khăn Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Với vai trò Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn, anh đem những kiến thức tích lũy từ trường đại học hỗ trợ địa phương và người dân phát triển kinh tế. Quá trình đó, Lương Văn Trường đã nghiên cứu ra quy trình sản xuất hạt giống nảy mầm sẵn. Sáng kiến này đã giúp người nông dân nhiều lợi ích: không cần ngâm ủ giống; triển khai nhanh mùa vụ; tránh được thời tiết không thuận lợi; tiết kiệm 3-5 ngày ngâm ủ; tiết kiệm 10.000 đồng/kg giống. Giá trị đề tài đã tiết kiệm được hàng triệu công lao động mỗi vụ sản xuất gieo trồng; mầm cây chất lượng, không bị gãy nhờ áp dụng máy móc. Giới thiệu sản phẩm với ban giám khảo, tác giả Lương Văn Trường cho biết: Sử dụng thành quả máy ủ hạt nảy mầm đưa đến giá trị sản phẩm tăng từ 10-30%; chi phí sản xuất rất thấp; hạt giống tốt hơn; bán được nhiều hàng hơn; tiết kiệm phí tiêu hủy hàng tồn kho; kéo dài tuổi thọ sản phẩm từ 6-12 tháng và thích hợp điều kiện sẵn có của đơn vị. Với thành quả này, Lương Văn Trường đã xây dựng dự án để phát triển nó thành sản phẩm bán ra thị trường và mang dự án đi thi. Kết quả, dự án của Trường đoạt giải Nhất Chương trình khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn và Giải thưởng Nhà nông trẻ xuất sắc Lương Định Của.
Kết thúc dự án, Lương Văn Trường về lại quê Nam Định. Với cảm quan của kỹ sư nông nghiệp, anh thấy thực trạng nhiều đồng ruộng người nông dân bỏ hoang để vào nhà máy làm việc. Anh quyết định gom các thửa ruộng này để trồng lúa. Tuy nhiên, để được hạt lúa sau mỗi vụ, người nông dân rất vất vả. Lương Văn Trường tiếp tục nghiên cứu các giải pháp vừa cho mình vừa giúp những người nông dân nhàn nhã hơn. Anh còn nghiên cứu các giải pháp khác hỗ trợ trồng lúa và lĩnh vực nông nghiệp nói chung như: thiết bị chăm sóc lúa 3 trong 1; sản phẩm hữu cơ diệt ốc bươu vàng; thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm nước tích hợp vào bình vác vai có sẵn; kỹ thuật ngâm ủ hạt giống tiết kiệm nước; cải tiến trạm bơm nước lưu lượng siêu lớn phục vụ tưới đồng trà, quy mô lớn; thuốc trừ sâu làm từ tinh dầu thực vật; quy trình trồng lúa không cày bừa cho vụ mùa... Để gắn bó với ruộng đồng và giúp đỡ nông dân nhiều hơn, Lương Văn Trường thành lập Hợp tác xã Thanh Niên Nam Đại Dương do anh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, với chức năng sản xuất lúa gạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ thông tin. Lương Văn Trường khiêm tốn chia sẻ với chúng tôi rằng, chỉ mới là khởi nghiệp có chút thành tích nhưng chưa phải đã thành công. Vậy có thể chia sẻ gì với thế hệ trẻ? Lương Văn Trường nói: “Con có đôi lời với những bạn có mong muốn khởi nghiệp, đó là, mọi hành trình bắt đầu bằng một bước chân. Cứ bắt đầu đã, mọi thứ khác sẽ đến, khó khăn sẽ giúp trưởng thành hơn”.
•
NƠI CHẮP CÁNH CHO ĐỘI NGŨ KỸ SƯ NÔNG LÂM
Chúng tôi trao đổi với TS. Phạm Ngọc Tuân - Phó Trưởng Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Đà Lạt, nơi 4 năm Lương Văn Trường theo học. Thầy giáo Tuân đã dành nhiều lời khen ngợi đến cựu sinh viên Trường; đặc biệt rất ấn tượng với bạn sinh viên này ở sự đam mê nghiên cứu, tìm tòi, khám phá những vấn đề mới trong lĩnh vực Nông học cũng như sau thu hoạch, khả năng tiếp thu kiến thức, nắm bắt nội dung bài học nhanh nhạy. “Lương Văn Trường là sinh viên nổi trội của lớp về nghiên cứu khoa học, đồng thời là lớp trưởng năng nổ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bạn ấy cũng là một trong những sinh viên của Khoa Nông - Lâm sau khi tốt nghiệp đã về làm Phó Chủ tịch một xã vùng sâu thuộc huyện Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai theo Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ triển khai tại 62 huyện nghèo, và đã có những đóng góp không nhỏ tại đây”, TS. Phạm Ngọc Tuân nhận xét.
Phó Trưởng khoa Phạm Ngọc Tuân cũng cho chúng tôi biết: “Mục tiêu chính của Khoa Nông - Lâm là đào tạo các sinh viên không những vững về kiến thức chuyên ngành, mà còn phải có khả năng phân tích và giải quyết được những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Để thực hiện điều này, Khoa chúng tôi tăng cường thêm những giờ thực hành, giúp các sinh viên có nhiều điều kiện tiếp cận với thực tế ở các nhà kính, phòng thí nghiệm của Khoa cũng như gửi sinh viên đến thực tập ở các viện, các doanh nghiệp đối tác truyền thống của Khoa như Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố, Công ty Dalat Hasfarm,... Một số sinh viên, chúng tôi cũng giới thiệu họ thực tập sinh tại các nước có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Nhật Bản”.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin