Từ ý tưởng bảo vệ môi trường cho hội viên phụ nữ, cô gái trẻ đã xây dựng thành dự án liên kết phát triển nông nghiệp hữu cơ ở vùng rau Đơn Dương.
|
Thanh Tuyền mong muốn sản phẩm được ứng dụng nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ |
Cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn Phạm Thị Thanh Tuyền (sinh năm 1991) trở thành gương mặt quen thuộc trong nhiều cuộc thi khởi nghiệp với dự án liên quan đến trùn quế. Để có thể gặt hái được thành công như ngày hôm nay, hành trình ấy đã trải qua nhiều khó khăn, thậm chí là cả thất bại và sự cười cợt của nhiều người.
•
KHỞI NGHIỆP VỚI 3,5 TRIỆU ĐỒNG
Quê hương Đơn Dương của Thanh Tuyền là một trong những địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản lượng các loại rau thương phẩm cung cấp ra thị trường. Thế nên lý do gắn bó với trùn quế của Thanh Tuyền cực kỳ đơn giản: “Sinh ra trong một gia đình thuần nông nên mong muốn lớn nhất của mình là những người nông dân như cha, mẹ mình được tiếp cận một phương pháp canh tác an toàn với sức khỏe, tạo ra giá trị tuần hoàn và mang tính bền vững”.
Thực tế, lợi ích cũng như những mô hình phát triển trùn quế không còn xa lạ ở nhiều tỉnh, thành. Giá trị mà trùn quế mang lại trong sản xuất nông nghiệp cũng đã được chứng minh ở nhiều nơi. Nhưng ở Lâm Đồng chưa thực sự có một cơ sở nào chuyên cung cấp các sản phẩm, chế phẩm từ sinh vật có lợi này.
Thời điểm Tuyền lựa chọn bắt đầu thử nghiệm nuôi trùn quế là năm 2018. Khi đó cô gái trẻ một mình lặn lội xuống các cơ sở nuôi trùn ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) và mua con giống, nuôi thử nghiệm trên 20 m2 tại nhà, sử dụng rau, củ, quả bỏ đi để làm thức ăn. Kết quả thật bất ngờ khi không những gia đình cô có một lượng phân hữu cơ an toàn để sử dụng mà còn có sản phẩm trùn thịt để cung cấp ra thị trường.
Nắm bắt cơ hội, cô gái trẻ mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi trùn và lên kế hoạch để đẩy mạnh việc hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết với người nông dân trong khu vực.
“Dự án tận dụng các phế phẩm sản xuất từ nông nghiệp và chất thải từ chăn nuôi qua xử lý enzyme khử mùi hôi và tăng tốc độ phân hủy rác hữu cơ để nuôi trùn quế, tạo ra sản phẩm phân trùn quế và thịt trùn quế nhằm phục vụ cho kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch tại địa phương. Với tiềm năng và ưu thế về nền nông nghiệp hiện đại ở địa phương, mô hình cho thấy những triển vọng tốt để phát triển”, Thanh Tuyền tin tưởng vào tương lai của dự án.
Thế nhưng chẳng có con đường nào trải hoa hồng. Thanh Tuyền cũng như bao bạn trẻ khác chật vật với con đường khởi nghiệp khi những khó khăn liên tiếp ập đến. Đầu tiên là để có vốn mở rộng nhà nuôi trùn, Tuyền cũng phải vay mượn người thân, bạn bè. Tuyền gần như cô độc trên con đường này bởi khi nhìn vào, người ta nghĩ cô “bị khùng”. Thêm vào đó, quá trình mở rộng sản xuất không đơn giản như hình dung.
“Có chăng là mình đã quá tự tin khi nhanh chóng mở rộng sản xuất. Khi nuôi số lượng lớn, rất nhiều vấn đề đã xuất hiện như nhiệt độ, độ ẩm ở Đơn Dương không thực sự phù hợp để trùn quế phát triển, dẫn đến việc con giống bị chết hoặc chất lượng không được đảm bảo. Rất may là qua quá trình nghiên cứu, học hỏi từ nhiều nguồn mà giờ đây, mình đã có những biện pháp điều chỉnh để phù hợp”, Thanh Tuyền chia sẻ.
Thanh Tuyền cũng hi vọng mô hình trùn quế của mình có thể tham gia thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, chăn nuôi sạch tại địa phương và được nhiều nhà nông biết đến, ứng dụng vào sản xuất.
|
Mô hình nuôi trùn quế được Hội LHPN các cấp đánh giá cao và được nhiều tổ chức Hội đến tham quan, học hỏi |
•
ĐỒNG HÀNH CÙNG PHỤ NỮ NÔNG THÔN
Tốt nghiệp chuyên ngành Y sĩ đa khoa, giữa nhiều lựa chọn công việc, Thanh Tuyền trở về địa phương, gắn bó với công tác y tế thôn, bản và công tác phụ nữ ở xã Quảng Lập. Và từ đây cũng là khởi nguồn cho mối duyên của cô với trùn quế. “Trong quá trình công tác, mình có trách nhiệm phải tìm một giải pháp để tuyên truyền tới hội viên phụ nữ những biện pháp cải thiện môi trường nông thôn cũng như tạo được sinh kế, cải thiện thu nhập cho chị em. Ban đầu chỉ là thử nghiệm để rồi chính bản thân mình say mê nghiên cứu chúng từ lúc nào không hay”, Tuyền chia sẻ.
Nối tiếp thành công bước đầu, với cương vị Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Lập, Thanh Tuyền mạnh dạn đề xuất ý tưởng “Xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế” tại hộ gia đình và được Hội LHPN huyện Đơn Dương triển khai cho hơn 100 hộ dân tại xã Lạc Lâm và thị trấn Thạnh Mỹ. Theo bà Phan Thị Hoài Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương, nuôi trùn trong gia đình có thể xử lý được rác thải hữu cơ cho các bà nội trợ, vừa có phân trùn bón cho rau, hoa, cây cảnh và cung cấp thêm nguồn thức ăn giàu protein cho gia súc, gia cầm. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo nên thói quen sử dụng trùn quế để xử lý rác thải hữu cơ, giúp giảm lượng rác từ hộ gia đình thải ra môi trường, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch do Hội LHPN các cấp phát động.
Năm 2019, ý tưởng HTX Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương ứng dụng trong nông nghiệp hữu cơ xử lý chất thải nông nghiệp và chất thải chăn nuôi do Thanh Tuyền làm chủ đạt giải Nhất hội thi Ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ huyện Đơn Dương, đạt giải Ba cuộc thi cấp tỉnh và được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn và hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị liên kết với kinh phí gần 200 triệu đồng.
Là phụ nữ, ai chẳng muốn có một công việc nhẹ nhàng thế nhưng, dường như ở cô gái trẻ này, có một sự kiên cường, mạnh mẽ để một mình thử sức ở một lĩnh vực gai góc, vất vả hơn. Từ một người không có chuyên môn, Thanh Tuyền bảo rằng bản thân cũng phải “lì đòn” trước những thất bại, học hỏi để hoàn thiện dự án. Và chính việc tham gia các hội thi mang lại cho Tuyền nhiều bài học và cơ hội quảng bá sản phẩm của mình. Đồng thời, giúp cô bước ra khỏi vòng tròn an toàn của bản thân, tiếp cận nhiều đối thủ, đối tác để từ đó mở rộng cơ hội kinh doanh của mình.
Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, trải qua nhiều khó khăn, Tuyền cho rằng bản thân mình đang tiến những bước chậm rãi nhưng chắc chắn trên con đường này. Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tuyền nhìn nhận đó là cơ hội để cô chuẩn bị mọi thứ, từ việc tạo thêm liên kết với người dân, mở rộng cơ sở vật chất, hoàn thiện mô hình kinh doanh để tạo tiền đề bước vào quá trình thương mại cho sản phẩm.
•
“NHÀ MÁY” XỬ LÝ RÁC THẢI NÔNG NGHIỆP
Hiện nay, HTX trùn quế Đơn Dương đã tạo việc làm cũng như trao đổi sản phẩm và hợp tác với 9 thành viên chính thức, 16 thành viên liên kết. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ chiếm đa số. Riêng Thanh Tuyền hiện có 16 chuồng nuôi với diện tích 50 m2, cung cấp ra thị trường gần 150 tấn sản phẩm phân bón các loại mỗi năm.
HTX cũng tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia phân loại rác thải cũng như xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế, từ đó tận dụng sản phẩm để trồng rau sạch và chăn nuôi sạch.
Một trong những lý do mà Thanh Tuyền quyết định chọn khởi nghiệp ngay tại quê nhà đó là nguồn thức ăn cho trùn quế luôn có sẵn. Theo cô, ở vùng nông thôn, rác hữu cơ như phân trâu, bò, gà, lợn, phế phẩm từ các loại rau, củ, quả… rất phổ biến, lại là nguồn thức ăn của trùn quế với giá thành rất rẻ, thậm chí là có thể thu gom với chi phí bằng 0.
“Phần nhiều số rác thải đó có thể tái sử dụng, vừa có giá trị vật chất, vừa giảm sự phân hủy tạo thành những chất gây ô nhiễm môi trường. Có một khả năng tái sử dụng với hiệu quả cao các chất thải hữu cơ nói trên đó là áp dụng công nghệ enzyme phân hủy chất thải để làm thức ăn nuôi trùn quế, sau đó dùng trùn quế làm nguồn protein gốc động vật bổ sung thức ăn chăn nuôi”, Thanh Tuyền phân tích thêm.
Đến nay, Thanh Tuyền có thể khẳng định rằng, nuôi trùn quế chính là giải pháp đem lại nhiều lợi ích thiết thực khác, kể cả hiệu quả cao về kinh tế. Đặc biệt dự án mong muốn tuyên truyền góp một phần vào việc thay đổi thói quen, tập tục của người dân trong chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, tận dụng lại phế phẩm tạo ra kinh tế và góp phần vào việc cải thiện môi trường sinh thái vùng nông thôn.
HỒNG THẮM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin