Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Hà, thời gian qua, nhiều thanh niên sau khi học xong phổ thông đã không đến các đô thị lớn lập thân, lập nghiệp mà gắn bó, phát triển kinh tế ngay trên ruộng, vườn của gia đình. Thanh niên nơi đây đã đoàn kết giúp đỡ nhau để làm kinh tế giỏi trên quê hương mình.
|
Mô hình sản xuất ớt chuông của Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp do các đoàn viên thanh niên thành lập tại xã Phi Tô |
Gắn bó với ruộng vườn để phát triển kinh tế trên quê hương, nhiều nhà nông trẻ tại xã Phi Tô đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Đặc biệt, Đoàn xã đã chú trọng tuyên truyền, vận động thanh niên địa phương phát triển mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất nhằm giúp đỡ nhau phát triển sản xuất ổn định, nâng cao thu nhập. Từ đó, mô mình Tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả Phú Hòa của các thanh niên địa phương đã được thành lập, đi vào hoạt động. Tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả Phú Hòa do anh Hoàng Quốc Thiên làm chủ nhiệm được thành lập năm 2019 và hiện nay có gần 10 thành viên là đoàn viên thanh niên trong xã. Các thành viên trong Tổ hợp tác đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà kính, hệ thống phun tưới tự động để sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tổng diện tích canh tác của Tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả Phú Hòa là hơn 10.000 m2.
Anh Hoàng Quốc Thiên - Chủ nhiệm Tổ hợp tác cho biết, Tổ hợp tác được thành lập nhằm để các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn có tiếng nói chung, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên cũng được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, thu hoạch, bảo quản nông sản. Bên cạnh đó, các thành viên Tổ hợp tác cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau về ngày công, vốn, giống cây trồng để phát triển sản xuất và liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Tổ hợp tác sản xuất ổn định và thu nhập cao. Có những thành viên có thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đầu ra cho sản phẩm của các thành viên Tổ hợp tác gặp khó khăn, thu nhập giảm. Trước tình hình đó, nhiều thành viên Tổ hợp tác đã tìm tòi, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm phù hợp, kịp thời thích ứng và cung cấp cho thị trường.
Anh Nguyễn Ngọc Liên - Bí thư Đoàn xã Phi Tô cho biết, ngoài Tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả Phú Hòa, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp của thanh niên trên địa bàn cũng đã được hình thành, phát triển. Tiêu biểu như các mô hình ghép, cải tạo vườn cà phê; sản xuất rau hoa theo hướng công nghệ cao; chăn nuôi cừu, heo, bò, gà… Thời gian tới, Đoàn xã cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên trên địa bàn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Cùng với đó, Đoàn xã cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để đoàn viên, thanh niên địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phát triển mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất ổn định, bền vững, cho thu nhập cao.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Hồng Hạnh - Bí thư Huyện đoàn Lâm Hà cho biết, mô hình thanh niên giúp nhau làm kinh tế giỏi tại xã Phi Tô là một trong những mô hình tiêu biểu của tuổi trẻ địa phương. Huyện Đoàn Lâm Hà sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu để nhân rộng trên địa bàn.
DUY NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin