Có sức trẻ cùng tình yêu với văn hóa truyền thống, cô gái Ka Hem (29 tuổi, ngụ thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) là nhân tố không thể thiếu giúp cho Câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Đồng Đò hoạt động ngày một hiệu quả, phát huy nét đẹp văn hóa của người dân tộc thiểu số tại địa phương.
|
Câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Đồng Đò biểu diễn tại Hội thi Diễn tấu cồng chiêng trong Ngày hội Văn hoá Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 5 |
Tiếp chúng tôi ngay thời điểm đang tất bật làm công tác hậu cần phục vụ cho giải bóng đá nam chào đón Lễ 30/4 và 1/5 tại sân bóng thuộc thôn Đồng Đò, Ka Hem - nữ Bí thư Chi đoàn thôn hào hứng nói phong trào thể thao mạnh nhất ở đây là bóng đá. Còn văn hoá truyền thống bản địa của người K’Ho srê là vũ điệu xoang uyển chuyển kết hợp với tiếng cồng chiêng ngân vang hút hồn người nghe.
Quả đúng như lời “quảng cáo” của cô Bí thư Chi đoàn thôn Đồng Đò, khi chiều tối buông xuống thôn nhỏ, nếu có dịp ghé qua, du khách sẽ bất ngờ khi từ xa đã vẳng lên lời hát dịu êm xen lẫn tiếng chiêng ngân đầy cuốn hút. Bên ngoài hội trường thôn, bà con kéo tới cổ vũ đông vui, nhiều người nhịp nhịp bước chân như muốn hòa cùng vũ điệu xoang giàu ngôn ngữ của cuộc sống thường nhật.
Già làng K’Niêm, đồng thời cũng là nghệ nhân hiếm hoi trong thôn cùng với các nghệ nhân trong xã, những người hướng dẫn chính con, cháu mình tập đánh những điệu cồng chiêng, các vũ điệu xoang cơ bản nhất thổ lộ, ông rất hạnh phúc vì giờ đây mỗi dịp lễ, hội, thậm chí là những ngày cuối tuần, trong làng lại rộn ràng âm hưởng của tiếng nhạc cụ truyền thống. Ông bảo không vui sao được khi vì “món ăn” tinh thần của bà con là những vũ điệu xoang khoan nhặt, tiếng cồng chiêng sôi nổi đã ăn sâu vào máu thịt của người dân tộc thiểu số bản địa cách đây chỉ vài năm, vì nhiều nguyên nhân đã dần rời xa trong sinh hoạt cộng đồng. Trong làng, việc duy trì các lễ hội truyền thống, giao lưu cồng chiêng ngày một ít đi thấy rõ.
Tuy nhiên, văn hoá truyền thống của người dân tộc thiểu số tại đây bắt đầu dần được khơi dậy nhiều hơn từ đầu năm 2020. Thời điểm trên, nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Di Linh bắt đầu tổ chức các lớp truyền dạy và sử dụng cồng chiêng tại địa phương, trong đó, có thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa.
Ka Hem kể, những ngày đầu kêu gọi các chị em, trai tráng trong làng tham gia lớp học cồng chiêng không hề đơn giản. Ban đầu, Hem thông báo trên nhóm zalo của chi đoàn thôn mời gọi mấy ngày nhưng chỉ được một hai người ghi danh học. “Để đủ người mở lớp em phải tới nhà, thuyết phục người thân trong gia đình để các bạn đi học. Khi đủ số lượng, tập được vài buổi thì một số bạn lại rời lớp với lý do bận đi làm rẫy kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng nhờ các già làng, các nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm chơi cồng chiêng tích cực truyền dạy, vận động con cháu tích cực tham gia, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống nên tới giờ, lớp học tại câu lạc bộ luôn duy trì trên dưới 30 người, trong đó có 70% là nữ giới” - Ka Hem chia sẻ.
Vậy là nhen nhóm từ lớp học cồng chiêng này, cùng với niềm đam mê và sự chăm chỉ, đến nay khá nhiều nam, nữ thôn Đồng Đò cũng như các thôn lân cận đã thành thạo đánh chiêng, một số người biết đánh đàn, biết hát các bài hát xoang quen thuộc của người K’Ho srê như hái rau rừng (pik biap brê), hát ru (pơnang kong);...
Ông Vũ Thành Công - Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Di Linh cho hay, hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 câu lạc bộ cồng chiêng tại các xã Đinh Lạc, Tân Nghĩa và Hòa Nam; 35 nhóm cồng chiêng tại các thôn, tổ dân phố; 11 nhóm cồng chiêng trẻ. Riêng Câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Đồng Đò, với sự nỗ lực của các già làng, nghệ nhân, tập thể, của các cá nhân, trong đó có nữ Bí thư Chi đoàn Ka Hem, câu lạc bộ đã gặt hái được một số thành công như: Giải Nhì Hội thi diễn tấu cồng chiêng 12 huyện, thành phố trong khuôn khổ “Ngày hội Văn hoá - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 5” diễn ra tại huyện Đơn Dương cuối tháng 3/2022. Câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Đồng Đò cũng tham dự, biểu diễn tại nhiều chương trình văn hóa trên địa bàn huyện Di Linh tổ chức,...
Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Di Linh đánh giá, sau khi hoàn thành chương trình lớp truyền dạy và sử dụng cồng chiêng vào giữa năm 2020, tới nay, các nhóm cồng chiêng trẻ, trong đó, có nhóm cồng chiêng thôn Đồng Đò đã duy trì, tập luyện nhuần nhuyễn các bài đã học, dàn dựng các tiết mục với động tác sáng tạo, ngày càng có sức thu hút, hấp dẫn hơn. Từ lớp học này đã giúp thế hệ trẻ người K’Ho biết sử dụng và đánh cồng chiêng, biến nơi đây trở thành niềm đam mê, tiếp nối văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc Tây Nguyên.
“Những người như Ka Hem được ví như những “mắt xích” quan trọng trong “câu chuyện” truyền dạy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người K’Ho cho thế hệ trẻ” - ông Công nhận xét.
C.THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin