Khi tôi viết bài báo này thì sinh viên Lê Thiên Anh - đại diện duy nhất của Việt Nam đang tích cực tích lũy kiến thức và tâm thế để chuẩn bị bước vào Vòng Chung kết châu Á-Thái Bình Dương tại Cuộc thi APJC NetAcad Riders 2022 vào ngày 24/5/2022.
Lê Thiên Anh vinh dự nhận học bổng từ ông William Hiếu Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc IPPG và Tiến sĩ Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHĐL |
•
“QUẢ NGỌT” CỦA HIẾU HỌC VÀ HẠNH PHÚC
Lê Thiên Anh trú quán ở Phường 2, thành phố Đà Lạt; từng học các trường phổ thông tại thành phố du lịch này và hiện là sinh viên năm thứ 4, khóa 41, Khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL). Ngoài học chính khóa ngành CNTT, Thiên Anh là học viên của Trung tâm thuộc Học viện mạng Cisco Việt Nam tại Trường ĐHĐL (có trụ sở chính tại Hoa Kỳ). Đây là chương trình phi lợi nhuận, hợp tác với các trường đại học trên thế giới đào tạo kỹ sư mạng, chuyên viên mạng, những người có khả năng lập trình, điều khiển hệ thống mạng trong tương lai. Hằng năm, Học viện tổ chức cuộc thi một lần sau các khóa học nhằm tạo sân chơi, khích lệ sinh viên hào hứng học tập. Cuộc thi cũng giúp thí sinh sẽ làm việc tốt hơn thông qua ưu tiên tạo điều kiện thực tập tại Học viện. Và chứng chỉ này sẽ là điểm cộng trong bản CV khi tham dự tuyển trạch vào các cơ quan, đơn vị “săn đầu người”.
Được truyền thụ kiến thức tận tình và động viên, khích lệ của đội ngũ cán bộ giảng dạy Khoa CNTT, Trường ĐHĐL, sau khi đoạt giải Nhất cấp trường, Lê Thiên Anh mạnh dạn đăng ký tham gia cùng sinh viên các trường đại học ở Việt Nam thi vòng khu vực Cuộc thi APJC NetAcad Riders do Học viện mạng Cisco tổ chức dành cho các học viên chương trình Học viện mạng Cisco. Qua được vòng sơ loại cấp trường, thí sinh thi vòng loại khu vực và vòng chung kết. Sân chơi bổ ích này nhằm khuyến khích tinh thần học tập, nghiên cứu của sinh viên và tìm kiếm tài năng CNTT trên toàn thế giới đối với thế hệ trẻ. Vòng loại khu vực tổ chức theo hình thức trực tuyến tại các học viện mạng với 801 thí sinh đến từ 17 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tranh tài vào ngày 29/4 vừa qua. Các thí sinh phải hoàn thành bài thi trong 90 phút, thế nhưng Lê Thiên Anh chỉ làm bài trong khoảng 50 phút. Và “kết quả của vòng thi đã làm thầy trò ôm nhau vui sướng, vừa ngỡ ngàng vừa hạnh phúc. Thiên Anh là sinh viên đầu tiên của Trường ĐHĐL đã tạo dấu mốc lịch sử”, thầy giáo hướng dẫn Vũ Minh Quan không dấu cảm xúc chia sẻ. Ba thí sinh giành thứ hạng cao nhất của Việt Nam gồm: giải Nhất thuộc về Lê Thiên Anh - Khoa CNTT, Trường ĐHĐL; giải Nhì là Nguyễn Trọng Thông - Học viện Công nghệ Bkacad, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và giải Ba là Nguyễn Quang Nhựt Quỳnh - Trường Đại học Lạc Hồng. Lê Thiên Anh đã được Ban Tổ chức cuộc thi lựa chọn là thí sinh duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia vòng chung kết cùng với 15 thí sinh hạng Nhất của các quốc gia, gồm: Australia, Bangladesh, Cambodia, Greater China, India, Japan, Malaysia, Mongolia, Nepal, Philippines, Singapore, South Korea, Sri Lanka, Taiwan và Thailand. Cuộc thi chung kết sẽ yêu cầu các thí sinh xử lý một sơ đồ mạng bị lỗi trong thời gian nhanh nhất có thể.
•
MONG ĐƯỢC TRUYỀN ĐAM MÊ ĐẾN CÁC BẠN TRẺ
Lê Thiên Anh sinh năm 1999, hoàn cảnh gia đình neo người, bố đã mất, chỉ có hai mẹ con, người mẹ hằng ngày đứng máy photocopy phục vụ khách hàng. Ngoài giúp mẹ việc nhà, cậu sinh viên có một tiềm năng về lĩnh vực CNTT, hun đúc bằng sự đam mê và tinh thần tự giác học tập rất cao. Vì vậy, điểm thi khối D (Toán, Lý, Anh) vào Trường ĐHĐL Lê Thiên Anh đạt khá cao, với 24.0 điểm. Lý do chọn ngành học hóc búa là CNTT, Lê Thiên Anh chia sẻ: Khởi nguồn và động lực là từ việc tìm hiểu những thành tích về lĩnh vực CNTT của thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là anh Nguyễn Hà Đông, người nổi tiếng và thành đạt về thiết kế các đồ chơi. Từ đó, ngoài học trên giảng đường, Thiên Anh say sưa tự học qua mạng và trao đổi với thầy giáo, bạn bè. Cậu thử sức bằng việc làm nhiều đề thi, cũng không ít lần thất bại, nhưng không bỏ cuộc. Mỗi lần đụng những bài toán hóc búa, giải pháp của Thiên Anh là tạm ngừng để mấy hôm sau tiếp tục mày mò. “Ngã đâu đứng dậy ở đó, không đi được đường này thì tìm đi đường khác, mục đích là phải đến đích. Nếu không đi sẽ không bao giờ tới, dù phải có đi xa hơn”, thầy Vũ Minh Quan nhận xét về cậu sinh viên “vàng” của mình. Đó cũng là sự tri ân công lao giúp đỡ tận tình của các thầy giáo khoa CNTT như Thiên Anh bày tỏ. Rất khiêm tốn nhưng Thiên Anh cũng mở lòng với tôi một vài bài học đúc kết để học tốt ngành CNTT. Trước hết, phải có vốn tiếng Anh tốt, chí ít cũng đọc và hiểu được cơ bản các thuật ngữ chuyên môn; đồng thời là đam mê, thích thú. Đó cũng là nội lực để Thiên Anh không ít đêm một mình thức với ánh đèn và máy tính đến tận một giờ sáng…
Trước khi chia tay buổi trò chuyện với thầy giáo Vũ Minh Quan và kỹ sư Lê Thiên Anh, tôi còn được biết, Thiên Anh đã hoàn thành chương trình nâng cao về CNTT như nhận Chứng chỉ NA CyberOps, từng đồng đoạt giải cuộc thi CNTT TCT Nha Trang năm 2020... Sau khi tốt nghiệp đại học, cậu có nguyện vọng được ở lại làm cán bộ giảng dạy tại Trường ĐHĐL. Với kết quả tốt nghiệp đại học loại Khá, năng lực CNTT của kỹ sư Lê Thiên Anh có nền tảng ban đầu và đặc biệt nhiều tiềm năng, không ít doanh nghiệp đã rộng cửa đón vào làm. Nhưng Lê Thiên Anh chân tình nói: “Nếu nhà trường có nhu cầu tuyển dụng, con sẽ làm hồ sơ tuyển dụng vào Trường ĐHĐL. Được ở lại trường, con sẽ giúp các bạn trẻ, truyền đam mê học tập cho họ và đây cũng là môi trường có nhiều điều kiện nghiên cứu mà con rất thích thú”…Ngày 7/5/2022 vừa rồi, nhân dịp khai trương Trung tâm Giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo (AIC-DLU) tại Trường ĐHĐL, lãnh đạo Nhà trường và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) trao thưởng 5 triệu đồng cho Thiên Anh vì thành tích giải Nhất Cuộc thi APJC NetAcad Riders 2022. Sự ghi nhận kịp thời, rất ý nghĩa của Nhà trường và Tập đoàn là nguồn động viên Lê Thiên Anh tiếp tục đam mê lĩnh vực CNTT mà cậu đã chọn.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin