Ấn tượng với bức thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh đoạt giải UPU

05:06, 20/06/2022
Bằng những ngôn từ mộc mạc, trong sáng mà đầy sâu sắc, bức thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh của cô bé người Cil - Bon Niêng K’Uyên, học sinh lớp 9A, Trường Dân tộc nội trú THCS huyện Lâm Hà vừa đoạt giải “Cây bút triển vọng Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU” lần thứ 51, năm 2022.
 
Bon Niêng K’Uyên nhận giải Cây bút triển vọng Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 51, năm 2022
Bon Niêng K’Uyên nhận giải Cây bút triển vọng Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 51, năm 2022
 
“Kính gửi bác Trần Văn Hiệp - Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng. Thưa bác, có lẽ một vị lãnh đạo đứng đầu một tỉnh có khung cảnh thơ mộng như bác đang rất đau đầu về tình hình khí hậu ngày càng biến đổi phải không ạ”, đó là cách cô bé mở đầu bức thư tham gia Giải Viết thư quốc tế UPU năm 2022 với chủ đề “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”.
 
Bằng giọng văn mạch lạc, hồn nhiên, nhiều câu hỏi tu từ được K’Uyên đặt ra với Chủ tịch UBND tỉnh của mình mang đầy trăn trở về “đời sống thực tại, khoa học phát triển, nhu cầu vật chất cao hơn nên những ngôi nhà sàn thưa thớt đã bị thay thế bởi những công trình xi măng cốt thép. Vào những buổi đầu xuân, khi người dân ở khu vực khác đang rộn ràng mua sắm đồ tết, thỏa sức vui chơi thì người dân Tây Nguyên phải cực nhọc kéo những cuộn ống nặng mấy chục ký lên đồi núi để tưới nước. Khi con người đòi hỏi nhu cầu cao hơn thì cũng là lúc thời tiết ngày càng nóng lên. Mỗi khi xây thêm một ngôi nhà thì tình trạng sạt lở lại xảy ra vì đất cát bị hút lên để làm vật liệu xây dựng. Không những thế, môi trường nước đã bị ô nhiễm trầm trọng bởi con người khai thác cát tràn lan”. Có thế thấy trong suy nghĩ của cô bé 14 tuổi, nạn khai thác cát, tàn phá thiên nhiên của con người là một trong những tác động làm biến đổi khí hậu, và cô bé người Cil cũng biết để ý đến mùa khô hạn ở Tây Nguyên với những nhọc nhằn của người nông dân. 
 
K’Uyên chia sẻ: Khi tham gia cuộc thi viết thư em rất thích đề tài này vì là vấn đề nóng bỏng toàn cầu và liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, đến từng cá nhân nên nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình các bạn học sinh. Thông qua những suy nghĩ gởi gắm trong các bức thư, em và các bạn sẽ có dịp nhìn nhận lại cuộc sống xung quanh, ý thức hơn trong việc gìn giữ môi trường, chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm nhỏ nhất như việc phân loại, xử lý rác và kêu gọi những người xung quanh mình cùng bảo vệ môi trường sống.
 
Bức thư như lời thủ thỉ kể chuyện, rồi đặt ra nhiều câu hỏi rất chân thực và mang thông điệp rõ ràng, cách trình bày logic, hợp lý. Sau những câu hỏi về vùng đất quê hương những ngày xưa ra sao, thực trạng đang dần biến đổi thế nào, K’Uyên cũng nhắn nhủ với bác Chủ tịch UBND tỉnh: “Có lẽ bác đã dùng rất nhiều biện pháp cho tỉnh mình cải thiện hơn, nhưng đâu đó người dân vẫn lén lút khai thác cát dưới lòng sông làm cho nước sông cạn, khí hậu cũng từ đó mà thay đổi. Về tình hình như vậy cháu nghĩ cần siết chặt hơn việc quản lý khai thác, cần điều động các ban, ngành thường xuyên kiểm tra chặt chẽ hơn”. Qua bức thư em đã thể hiện sự quan tâm của mình với môi trường xung quanh, với những câu chuyện sâu sắc hơn đang diễn ra hằng ngày và cũng mạnh dạn đưa ra giải pháp khi trình bày.
 
Theo các giáo viên và Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú THCS huyện Lâm Hà, K’Uyên là học sinh giỏi toàn diện trong nhiều năm liền, luôn có ý thức trong việc học tập trau dồi kiến thức và tích cực các hoạt động ngoại khóa, trồng cây, thu gom rác... mà nhà trường tổ chức để bảo vệ môi trường.
 
Bằng nụ cười tươi, ánh nhìn thông minh, cô bé người Cil - K’Uyên ở thôn Tâm Lâm, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà gây ấn tượng với mọi người bằng những suy nghĩ sâu sắc, hiểu biết, cách đặt vấn đề nhẹ nhàng trong sáng từ thông điệp mà em muốn chuyển tải.
 
Ông Vương Tôn Kiên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng nhận xét: Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU được tổ chức thường niên, được các em học sinh Lâm Đồng luôn tích cực, hào hứng tham gia. Với những bức thư như của K’Uyên có thể thấy các em học sinh Lâm Đồng, nhất là những em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đã có cách nhìn, nhận thức rõ hơn về môi trường sống và cuộc sống đang diễn ra xung quanh các em. Từ đó có những nhận thức tốt và đúng đắn trong cách đối xử với môi trường, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội để xứng đáng là những “chủ nhân” tương lai của đất nước.
 
DIỄM THƯƠNG