Cống hiến thanh xuân nơi đất khó

01:12, 30/12/2022
Giữa nhiều lựa chọn của tuổi trẻ, những chàng trai, cô gái thuộc Đội Trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) lại chọn gắn bó một phần thanh xuân của mình để cống hiến nơi những vùng đất còn nhiều khó khăn. Ở đó, điều kiện sống có thể còn thiếu thốn, nhưng nhiệt huyết và khát khao dựng xây thì vẫn luôn tràn đầy. 
 
Lớp học xóa mù chữ tại thôn N’Tôl, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông do những đội viên Đội TTTTN đứng lớp
Lớp học xóa mù chữ tại thôn N’Tôl, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông do những đội viên Đội TTTTN đứng lớp
 
ĐƯa TTTTN đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng (KTQP) là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm tăng cường nguồn lực con người cho các đoàn KTQP. Kết thúc dự án giai đoạn 2010 - 2020, năm 2022, Đoàn KTQP Lâm Đồng (thuộc Quân khu 7) tiếp tục tiếp nhận 21 trí thức mới, thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa trên địa bàn 11 xã thuộc 3 huyện Đam Rông, Lâm Hà và Di Linh.
 
 Các đội viên trí thức trẻ hướng dẫn các chị, các mẹ tập viết chữ cái
Các đội viên trí thức trẻ hướng dẫn các chị, các mẹ tập viết chữ cái
 
  NHỮNG THẦY, CÔ GIÁO MANG MÀU ÁO XANH
 
Gần 4 tháng nay, bữa cơm tối của Đội sản xuất số 1 thuộc Khu KTQP Bắc Lâm Đồng đóng chân tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông diễn ra vội vàng hơn một chút. Cả đội ăn nhanh để còn kịp đến Nhà văn hóa thôn N’Tôl, chuẩn bị cho lớp học xóa mù chữ trước khi bà con đến.
 
Lớp học được khai giảng từ đầu tháng 8, do các đội viên đội TTTTN thay nhau đứng lớp. Hơn 30 học sinh già có, trẻ có. Có chị địu theo con nhỏ đến lớp, có em bé quẩn quanh theo chân mẹ, mẹ con cùng thủ thỉ tập đọc, tập viết với nhau. Một chút ngượng nghịu, một chút vụng về, nhưng ai cũng vui, cũng cười làm lớp học nhỏ rộn ràng trong đêm tối.
 
“Cô giáo” Kơ Sá K’Liên đón “học sinh” bằng những câu hỏi thân thuộc: “Cả nhà mình đã ăn cơm chưa?”, “Hôm nay các chị, các mẹ đi làm thu hoạch được gì nào?”,… K’Liên bảo, bà con đến lớp đa phần đã lớn tuổi. Nhiều người còn là lần đầu tiên đi học, nên ban đầu sẽ hơi ngại ngần. Thế nên các bạn dặn nhau phải hết sức nhẹ nhàng, chậm rãi hướng dẫn từng chữ, từng câu để các chị, các mẹ không bị tủi thân và chăm đến lớp.
 
Các đội viên Đội TTTTN đến nhà dân thực hiện công tác tuyên truyền
Các đội viên Đội TTTTN đến nhà dân thực hiện công tác tuyên truyền
 
K’Liên là 1 trong 7 trí thức trẻ thuộc Phân đội 1, Đội TTTTN. Cô gái sinh năm 1997, nhà ở xã Đạ Long. Tốt nghiệp ngành Công tác xã hội - Trường Đại học Đà Lạt, K’Liên bảo em đã quen với những chuyến đi tình nguyện đến những vùng sâu, vùng xa, nên khi tham gia vào Đội Trí thức trẻ của Đoàn KTQP, em không gặp nhiều khó khăn để thích ứng với cuộc sống và công việc, nhiệm vụ mới. 
 
Thế nhưng, cô gái trẻ không tránh khỏi bối rối những ngày đầu làm “cô giáo” đứng lớp. “Thật may, em sinh ra và lớn lên ở Đầm Ròn, nên hơn ai hết, em hiểu được phong tục tập quán, lối sống của bà con nơi đây. Em dùng tiếng Cil để giải thích những điều mà bà con chưa hiểu, và nói chuyện với bà con như với bố mẹ, anh chị ở nhà”, K’Liên kể. Đó cũng là lý do mà ở đội, mọi người gọi em là “cầu nối” giữa bộ đội với người dân.
 
7 giờ tối, bà Kơ Tría K’Brang băng qua màn đêm tối dày đặc và cơn mưa phùn để đến lớp. Đi nhặt lúa về, bà còn chưa kịp ăn cơm tối. Nhưng niềm háo hức được tới lớp học chữ làm bà không thấy đói. Bà đến sớm để được ngồi bàn đầu, được gặp các cô giáo, thầy giáo mặc áo xanh thanh niên. Năm nay gần 60 tuổi, bà K’Brang là người lớn tuổi nhất trong lớp học. Lưng đã hơi còng, và khuôn mặt in hằn rõ dấu vết thời gian, nhưng niềm vui thì vẫn tươi nguyên khi bà bảo: “Bà thích học lắm. Nhưng ngày xưa khổ quá không được học, nên giờ biết được con chữ thì mừng quá là mừng”. Bàn tay nhăn nheo, dầm dãi bao nắng mưa nay chậm rãi, nắn nót từng con chữ để viết tên mình.
 
Ở lớp học không chỉ có con chữ, mà các đội viên đội TTTTN còn lồng ghép tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 
 
Lớp học xóa mù chữ ở xã Đạ Tông là 1 trong 4 lớp đã được Đội TTTTN thuộc Đoàn KTQP Lâm Đồng mở trong năm nay. Trước đó là các lớp ở Tiểu khu 179 (xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông), xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà) và xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh). Công tác xóa mù chữ cũng chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ được Đoàn KTQP phân công cho Đội TTTTN thực hiện. 
 
Tăng gia sản xuất là một trong những công việc hàng ngày của các đội viên Đội TTTTN
Tăng gia sản xuất là một trong những công việc hàng ngày của các đội viên Đội TTTTN
 
  RÈN LUYỆN ĐỂ TRƯỞNG THÀNH 
 
Suốt những năm qua, các TTTTN đã cùng với cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP Lâm Đồng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã trong Khu KTQP Bắc Lâm Đồng đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. 
 
21 trí thức trẻ đợt 1 giai đoạn 2022 - 2030 đa phần sinh ra và lớn lên ở tỉnh Lâm Đồng, có trình độ chuyên môn trong ngành Giáo dục, công tác xã hội, nông học, thú y… phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ tại Đoàn KTQP Lâm Đồng. Lựa chọn cho mình một con đường đầy thử thách, các bạn trẻ đều chung mong muốn được trải nghiệm và vượt qua được chính bản thân mình để trưởng thành, cống hiến.
 
Bùi Quốc Tấn - Đội phó Đội TTTTN, Phân đội trưởng Đội tri thức trẻ số 1, tốt nghiệp Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Tấn chia sẻ, 6 nhiệm vụ được phân cho Đội tri thức trẻ đều phù hợp với chuyên ngành mà em được học. Thế nên, đây cũng là cơ hội để em cùng các đội viên vượt qua khó khăn, tích lũy kỹ năng cho bản thân mình.
 
Ở đó, các bạn có lúc là giáo viên, là tuyên truyền viên, có khi lại là nông dân tăng gia sản xuất,… Vai trò nào cũng được hoàn thành một cách tốt nhất có thể.
 
Thiếu tá Nguyễn Văn Thiệu - Đội trưởng Đội TTTTN Đoàn KTQP Lâm Đồng cho biết, ngay sau khi tiếp nhận 21 đội viên TTTTN, cấp ủy, chỉ huy của Đoàn KTQP Lâm Đồng đã chia thành các phân đội dưới sự chỉ huy của các đội sản xuất. Với phương châm bám sát cơ sở và phát huy những kiến thức đã được đào tạo trong nhà trường áp dụng vào thực tế của địa phương, lực lượng TTTTN đã tham gia tích cực các phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp cho Nhân dân; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; định hướng cho nông dân các loại cây trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng đem lại hiệu quả kinh tế cao…
 
Trong quá trình công tác tại Đoàn KTQP Lâm Đồng, đội viên TTTTN, đặc biệt, đội viên là người dân tộc thiểu số đã trở thành cầu nối quan trọng, xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa Đoàn KTQP với địa phương và đồng bào vùng dự án. Giai đoạn 2021 - 2030, Đoàn KTQP Lâm Đồng tiếp tục ra chỉ tiêu tuyển chọn 100 đội viên tăng cường đến Khu KTQP Bắc Lâm Đồng.
 
Với lòng nhiệt huyết, trình độ và kiến thức, các đội viên Đội TTTTN vẫn đang hằng ngày cống hiến ở những vùng sâu, vùng xa phía Bắc Lâm Đồng. Mỗi bước chân thanh niên đi qua là một dấu ấn để lại, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Ở đó, mầm xanh của sự đổi thay đã nảy nở và lớn lên từ sức trẻ.
 
VIỆT QUỲNH