Hỗ trợ thanh niên phát triển nông nghiệp công nghệ cao

06:12, 23/12/2022
Phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ và tận dụng lợi thế của địa phương trong khởi nghiệp, lập nghiệp, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phát triển kinh tế. Trong đó, trọng tâm là xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC).
 
Các đại biểu tham quan Mô hình Nông nghiệp CNC tại Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng)
Các đại biểu tham quan Mô hình Nông nghiệp CNC tại Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng)
 
Anh Trần Đức Trung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn cho biết, phát triển nông nghiệp CNC là khâu đột phá về kinh tế của tỉnh. Để thanh niên không nằm ngoài cuộc, cũng như nhận thức được vai trò của mình, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức, tư vấn, hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, doanh nhân trẻ và Nhân dân triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
 
Cụ thể, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt (nay đã sáp nhập thành Cao đẳng Đà Lạt - PV) và Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện tổ chức các lớp dạy nghề, chương trình đào tạo ngắn ngày cho hơn 3.300 lượt đoàn viên, kết hợp tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh. Chương trình đào tạo tập trung vào các chuyên đề sản xuất giống rau, hoa bằng phương pháp gieo ươm, phương pháp ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật; chuẩn bị đất và giá thể để sản xuất rau, hoa theo hướng CNC; giải pháp xây dựng và vận hành được hệ thống tưới tiêu cho sản xuất rau, hoa theo hướng CNC… Qua đó, từng bước trang bị thêm nhiều kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn trong sản xuất nông nghiệp CNC.
 
Bên cạnh đó, các Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng”, “Ý tưởng khởi nghiệp”… được tổ chức định kỳ, cùng các chương trình giao lưu, kết nối giữa ĐVTN với các chuyên gia, doanh nhân thành đạt đã giúp phát hiện và hỗ trợ hoàn thiện nhiều ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua các cuộc thi, nhiều sản phẩm, dự án của thanh niên Lâm Đồng đã được ban giám khảo, đội ngũ chuyên gia đánh giá cao, có giá trị thương mại hóa, tính khả thi, phục vụ hiệu quả cho nền sản xuất nông nghiệp CNC, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tiêu biểu như bộ Dụng cụ phun xịt Halo giúp tăng hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp thâm canh, Nền tảng chuyển đổi số tinh gọn Workgo cho doanh nghiệp…
 
Hàng năm, Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ và các chuyên gia tổ chức đi khảo sát trực tiếp các mô hình của thanh niên khởi nghiệp. Từ đó, lên phương án hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả, cũng như hướng dẫn giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, xúc tiến thương mại, vay vốn từ các quỹ…
 
Hiện nay, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đang đồng hành với hơn 20 dự án, doanh nghiệp trẻ triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Tiêu biểu như Công ty Quốc tế Song Nga - kinh doanh sản phẩm quả tầm bóp xuất khẩu, doanh thu trung bình 3 tỷ đồng/năm; Hợp tác xã Rau Đà Lạt Vietponics với doanh thu 10 tỷ đồng/năm, Hợp tác xã Tiên Sinh (huyện Đơn Dương) với doanh thu trung bình 7 tỷ đồng/năm, Công ty TNHH Hồng Ân (huyện Đức Trọng) chuyên các sản phẩm về nấm với doanh thu trung bình 2 tỷ đồng/năm...
 
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã chủ động triển khai hiệu quả Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” gắn với tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho thanh niên nông thôn. Giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 240 buổi chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; triển khai 475 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, sản phẩm sáng tạo ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tuyên dương 394 công trình, đề tài, phần việc thanh niên trên các lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế, ứng dụng các thành tựu tiên tiến… với giá trị làm lợi gần 32 tỷ đồng. Các Huyện, Thành Đoàn thành lập và duy trì có hiệu quả 144 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế nông nghiệp cấp cơ sở; 34 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã thanh niên; xây dựng 442 mô hình thanh niên phát triển kinh tế có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. 
 
Công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế cũng được quan tâm triển khai. Tính đến ngày 31/10, dư nợ nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh qua tổ chức Đoàn đạt 721 tỷ đồng. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm đạt 116 tỷ đồng. Tỉnh Đoàn cũng phối hợp tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 1902/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt Đề án Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Theo đó, mức cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh của thanh niên tối đa là 2 tỷ đồng/dự án; đối với cá nhân thanh niên tối đa là 200 triệu đồng. Thời hạn vay tối đa 120 tháng (10 năm) với lãi suất ưu đãi bằng với mức lãi suất dành cho hộ nghèo hoặc thấp hơn tuỳ theo điều kiện cụ thể. 
 
Từ thực tiễn, có thể thấy, qua các phong trào, hoạt động của Đoàn - Hội, nhiều ĐVTN trên mảnh đất Lâm Đồng đã mạnh dạn vươn lên làm giàu chính đáng, tạo công ăn, việc làm cho lao động tại địa phương. Từ đó, đóng góp một phần không nhỏ vào thành tựu phát triển nông nghiệp của toàn tỉnh. 
 
 
“Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy, nâng cao trình độ sản xuất của thanh niên Lâm Đồng kể cả ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đã xuất hiện nhiều gương thanh niên “nông dân thế hệ mới” dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ, bỏ vốn đầu tư, tham gia có hiệu quả vào thị trường tiêu thụ”.
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Trần Đức Trung
 
 
VIỆT QUỲNH