Âm vang đâu đây tiếng trống Đăng Văn

02:01, 18/01/2012

Cố đô Huế có sức mê hoặc đối với du khách. Tôi là một trong những người bị hút hồn như thế. Nhớ ngày chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu, Tiểu đoàn trưởng đến Đại đội Ngô Gia Tự của chúng tôi bảo rằng đại đội tôi được bổ sung, tăng cường cho “Bác Đô”...

Cố đô Huế có sức mê hoặc đối với du khách. Tôi là một trong những người bị hút hồn như thế. Nhớ ngày chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu, Tiểu đoàn trưởng đến Đại đội Ngô Gia Tự của chúng tôi bảo rằng đại đội tôi được bổ sung, tăng cường cho “Bác Đô”. Ông giải thích hai chữ Bác Đô, đó là tên bí danh của cố đô Huế, cả đại đội chúng tôi vui mừng đứng bật dậy reo lên: “Chúng ta được vào Huế! Chúng ta được vào Huế!”.

Nét đẹp ngày xuân
Nét đẹp ngày xuân

Vậy là suốt tám năm chiến đấu ở Thừa Thiên, tận ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng chúng tôi mới thật sự về Huế.

Sắp xếp nơi ăn chốn ở gọn gàng xong, nhà thơ Võ Quê mượn bạn hon-đa chở ngay tôi đi thăm Huế!

Huế biết bao điều hấp dẫn, mỗi bước đi là mỗi bước lạ lùng. Điểm đầu tiên chúng tôi tới là Điện Thái Hòa. Vẫn còn đó ngai vàng nơi vua nhà Nguyễn ngồi đó thiết triều. Ngoài sân rồng cũng đang còn đó chỗ đứng của các quan phẩm hàm sẵn sàng nghe hiệu lệnh của nhà vua. Tôi tò mò về việc của vua Minh Mạng có tới 170 người con, Võ Quê đưa tôi vào ngay vùng cung tần mỹ nữ sinh sống và nơi các hoàng tử chơi trò đuổi bắt với nhau. Thì ra trong hoàng cung rất trật tự, có cửa vào của riêng vua, của riêng quan, và lối ra riêng của phụ nữ hoàng phái. Rất tiếc là Càn Thành nơi vua sống đã bị chúng ta thiêu hủy làm vườn không nhà trống thời nổ súng kháng chiến chống Pháp.

Đến Huế không thể không tới Phu Văn Lâu, nơi nhà vua treo bảng vàng cho các sĩ tử thi đậu, và không thể không xuống Nghinh Lương Đình bên bờ sông Hương, nơi vua và các quan đầu triều sum vầy với quan Trạng Tân khoa. Dẫu ngày đầu đã quá chiều, chúng tôi vẫn quyết đến nơi nhà vua đến nghỉ ngơi ở Điện Bồng Lai trên hồ Tĩnh Tâm và đến bãi chém An Hòa, nơi Trần Cao Vân và Thái Phiên bị chặt đầu.

Ngày hôm sau chúng tôi lên thuyền rồng giống như ngày xưa vua đi kinh lý ấy để tới Điện Hòn Chén, lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, lăng Gia Long. Ngay buổi chiều, chúng tôi thăm khu mộ các chúa Nguyễn cũng ngay gần bờ sông Hương, tiếp đó thăm mộ Quang Trung, mộ Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, và cuối cùng đến ngôi nhà đơn sơ mà bà Hoàng Thị Loan đã dệt vải nuôi Bác Hồ thuở ấu thơ.

Hai ngày không thể đi hết Huế, song mỗi nơi đến có một xúc động riêng. Bởi vì với tôi những địa chỉ đó đã thuộc trong sách, nhưng bây giờ mới gặp mặt, nên mới mẻ vô cùng, như mở ra cho tôi những trang diệu kỳ. Và với tôi, cuộc gặp Huế trong không khí chiến thắng thật mãn nguyện.

Tôi bảo Võ Quê:

- Chắc còn nhiều địa chỉ nữa chúng ta cần đến.

Quê đáp:

- Còn nhiều thời gian mà anh. Chúng ta sẽ lên Bạch Mã, về Lăng Cô nữa. Tuy nhiên, Quê nói với anh điều này, đến Huế mà mình không tới nơi đó, theo Quê, coi như mình chưa tới Huế.

- Chỗ nào mà quan trọng vậy Quê?

Quê đáp giọng rất nghiêm:

- Đó là di tích trống Đăng Văn. Mình cho rằng đó là một chiêu thức công lý văn minh của triều Nguyễn, và của bất kỳ xã hội nào.

Võ Quê chở tôi tới một ngôi nhà trên mặt thành, đoạn thành ở giữa cửa Ngăn và cửa Thượng Tứ.

Trống Đăng Văn xưa treo ở chỗ này. Quê giải thích “đăng” là cao, “văn” là nghe. Trống Đăng Văn nghĩa là nghe thấy trống từ trên cao. Địa điểm treo trống trên mặt thành theo nghĩa đen là cao rồi. Nhưng tại sao lại có cái trống Đăng Văn này? Số là thời Tự Đức nhiễu nhương quá, xã hội đầy oan khuất trong dân chúng. Là một nhà vua thấu đạo lý, hiểu cái lẽ phải của dân tộc mà Nguyễn Trãi đã từng nói: “Quyền mưu bảo thị dụng trừ gian”, nghĩa là: Quyền mưu vốn là để trừ gian ác, nên nhà vua đã dùng quyền của mình cho dựng trống Đăng Văn, song để đề phòng bọn gây rối đánh trống làm náo loạn kinh thành, để khẳng định tiếng trống ấy là của mình, của người bị oan, người đánh trống phải tự trói tay chân mình lại, đội sớ kêu oan lên đầu, rồi cầm dùi đánh ba tiếng trống dõng dạc, tiếp đó đánh một hồi vang vọng. Vua Tự Đức đã ra lệnh: Trong kinh thành không một ai được đánh trống vì bất cứ lý do gì, để vua khỏi nghe lầm tiếng trống Đăng Văn. Vì vậy nghe thấy tiếng trống, dù bất kỳ lúc ấy nhà vua đang làm việc gì cũng sẵn sàng nhận đơn kêu oan của Viện Đô Sát và Đại Lý Tự đưa vào. Hai chữ “Đăng” và “Văn” ấy còn có nghĩa bóng vị trí cao sang nhất của nhà vua. Trống Đăng Văn thuộc Ty Tam Pháp quản lý.

Ty Tam Pháp cứ mỗi tháng ba ngày là các ngày mồng sáu, mười sáu, hai mươi sáu cử người của mình ở Viện Đô Sát và Đại Lý Tự ra trực ở chòi trống. Hễ có ai đến đánh trống thì nhận đơn kêu oan đưa thẳng tới nhà vua. Còn người đánh trống, để chịu trách nhiệm của mình về sự đúng đắn của tiếng trống ấy được nhốt riêng vào nơi quy định chờ đợi phán quyết của nhà vua – Quê nói tiếp: “Anh xem, như thế có đúng là công lý văn minh không? Có được ông vua như thế người dân được nhờ. Như vậy công lý ấy là dân chủ đấy chứ!”.

Pháp lý nhà Nguyễn thời ấy, coi lại thấy có nhiều điều rất tiến bộ, thời nào cũng có thể kế thừa và phát huy được. Ví như điều luật Hồi Tỵ chẳng hạn. Luật này cấm không được làm quan tại quê hương mình, vì sợ quan hệ họ tộc, làng xóm sẽ làm cho vị quan không khách quan, sẽ không được lòng dân. Quan cai trị ở đâu không được lấy vợ hai ở đó. Quan ở đã có công sở. Trong các kỳ thi nếu quan có con cháu mình tham dự cuộc thi đó thì phải xin phép cấp trên, nếu được, cấp trên sẽ duyệt. Bằng không thì thôi. Sợ quan đưa cái cá nhân của mình vào thi cử. Còn nếu quan đi công tác xa, phải tiêu xài, sợ ảnh hưởng tới đồng lương nuôi vợ con, nhà nước sẽ cấp thêm cho quan một khoản tiền đủ cho cuộc công cán. Tiền cấp ấy có tên là: Dưỡng Liêm. Tức là nuôi dưỡng để không ảnh hưởng gì vào chữ Liêm của nhà quan.

Pháp luật có cái lý cụ thể như thế thì thật tuyệt vời, xã hội làm sao không yên được. Trống Đăng Văn cũng là một chiêu thức công lý tuyệt vời như vậy.

Trong tập hồ sơ xung quanh các vụ trống Đăng Văn để lại có chuyện bà Nguyễn Thị Tồn. Chuyện kể rằng: Một hôm trên chòi cao trống Đăng Văn rung lên ba tiếng dõng dạc trang nghiêm, liền đó là một hồi trống rộn ràng vang dội. Người của Ty Tam Pháp liền ra tiếp dân. Vào chòi trống thấy một người đàn bà nước mắt lưng tròng, chân trói chặt, và tay cũng trói chặt, đầu đội một lá đơn kêu oan. Người của Ty Tam Pháp gạn hỏi, được biết người đàn bà ấy tên là Nguyễn Thị Tồn, vợ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Bà vừa chèo ghe, theo đường biển từ Nam bộ ra Huế đội đơn, đánh trống xin minh oan cho chồng.

Theo đúng thường lệ, bà Nguyễn Thị Tồn đã tự trói chân tay mình lại. Người của Ty Tam Pháp thấy mọi thủ tục đều đúng đắn nên đã nhận đơn của bà, và trong thời gian chờ đợi, lá đơn của bà được chuyển vào đưa cho vua Tự Đức xem xét, bà Nguyễn Thị Tồn được nhốt vào nơi quy định.

Nhận được đơn, vua Tự Đức đọc ngay, không để cho người đội đơn phải chờ đợi phiền hà, nhà vua trực tiếp phê ngay ý của mình vào đơn và cho trực thần chuyển ngay xuống Ty Tam Pháp để Ty Tam Pháp kịp thời xét nghị.

Nội vụ được kể đầu đuôi như sau: Bùi Hữu Nghĩa là một thủ khoa trường Gia Định năm 1835. Năm 1836 ông ra Huế thi Hội, nhưng cuộc thi này ông không đỗ. Xét Bùi Hữu Nghĩa là một người có tài ở mức độ cử nhân, và có đức độ, ông được nhà vua cho về làm tri phủ Phước Long, Biên Hòa. Vốn là một nhà nho liêm khiết, trung thực, ông không chịu luồn cúi tư vị bất cứ một cá nhân nào. Bọn con ông cháu cha quen thói ỷ lại quyền thế cha ông hà hiếp nhân dân thường bị Bùi Hữu Nghĩa trừng trị thích đáng.

Lúc bấy giờ ở Phước Long có một tên em vợ Bố Chánh Truyện hay hống hách, ông cũng không nể nang. Một hôm, nhân một cử chỉ vô lễ của hắn, Bùi Hữu Nghĩa lệnh cho lính đánh em vợ Truyện một trận nên thân. Như thế cũng chưa vừa, ông đánh thêm hắn năm roi nữa rồi giải về ông Bố Chánh cảnh cáo hành vi không biết dạy con em.

Bố Chánh Truyện cảm thấy tri phủ Bùi Hữu Nghĩa làm thế là dằn mặt mình, Bố Chánh giận lắm, găm chuyện này trong lòng để đợi cơ hội trả thù.

Thế rồi cơ hội đã đến. Nguyên đất Phước Long của tri phủ Bùi Hữu Nghĩa đảm trách có rạch đất tên gọi là Lang Thé thuộc địa phận Trà Veng, nơi Gia Long trước đây bị quân Tây Sơn đuổi đánh, đã chạy đến Lang Thé ở ẩn và được nhân dân che chở, nuôi dưỡng. Khi Gia Long lên ngôi, nhớ ơn xưa dân Lang Thé đã cứu mình, nếu không sự đời biết đâu mà lường, vua Gia Long đã tha thuế rạch Lang Thé cho dân địa phương. Quyền lợi đó đã được duy trì qua nhiều đời. Đến đời Tự Đức, bọn Hoa Kiều ở Phước Long thấy nguồn lợi Lang Thé lớn, bèn đem tiền đút lót Tổng đốc Uyển và Bố Chánh Truyện để chúng được độc quyền khai thác vùng Lang Thé này.

Bị cướp mất nguồn sống, dân địa phương đưa đơn kiện lên cửa phủ Phước Long. Bùi Hữu Nghĩa nghị xét và trong một buổi tiếp xúc với dân, ông nói: “Rạch Lang Thé vua Thế Tổ cho các ngươi không lấy thuế, các ngươi cứ giữ lấy. Nay có ai lớn hơn vua Thế Tổ phê giấy bán rạch ấy thì các ngươi mới cam chịu. Còn như nếu có ai nhỏ hơn vua đứng ra phê giấy bán rạch ấy thì chém đầu cũng không sao!”.

Được tri phủ đứng về phía mình, dân Lang Thé nổi lên chống người Hoa Kiều vừa ỷ thế Tổng đốc Uyển và Bố Chánh Truyện đến chiếm rạch Lang Thé. Hai bên giằng co, xô xát, 8 người Hoa Kiều bị chết. Nhiều người bị bắt khai rằng sở dĩ có cuộc đấu tranh ấy là do lời xử của tri phủ Bùi. Bố Chánh Truyện đã căn cứ vào đó cho lính bắt, đóng gông Bùi Hữu Nghĩa dẫn về Gia Định. Tổng đốc Uyển và Bố Chánh Truyện dâng sớ về kinh đô buộc Bùi Hữu Nghĩa tội chết vì tội kích dân làm loạn và sinh chuyện chết người.

Đứng trước nỗi oan của chồng, bà Nguyễn Thị Tồn không ngại đường xa nguy hiểm, chèo ghe bầu, vượt biển ra Huế tự trói mình vào đánh trống Đăng Văn, dâng sớ xin minh oan cho chồng.

Khi sự thật được phanh phui, vua Tự Đức phê: “Tha tội tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa song phải quân tiền hiệu lực lập công chuộc tội”.

Nghe chuyện bà Nguyễn Thị Tồn, bà Từ Dũ – mẹ vua Tự Đức cho mời bà thủ khoa vào nội, khen ngợi và ban cho tấm biển đề: “Liệt phu khả gia”.

Sau này Bùi Hữu Nghĩa được vua vời ra Huế, bà Nguyễn Thị Tồn vẫn ở trong quê. Khi bà chết Bùi Hữu Nghĩa không về được, đã gửi một đôi câu đối về làm đám ma cho vợ:

“Ngã bần khanh năng ngã oan khanh năng triều quận tuyên danh khanh thị phụ. Khanh bệnh ngã bất năng dưỡng khanh tử ngã bất năng tán phỉ ngã phi phu”. (Ta nghèo nàng nuôi và giúp ta oan nàng đi thanh minh. Trong triều ngoài quận nói nàng xứng đáng là người làm vợ. Nàng bệnh ta không nuôi dưỡng nàng chết ta không chôn cất. Thân bằng quyến thuộc mắng ta không xứng mặt làm chồng).

Chỉ một chuyện Nguyễn Thị Tồn đủ tôn vinh trống Đăng Văn như một người hùng, người hùng ấy đã siết chặt lòng dân lại.

Rõ ràng trống Đăng Văn là một di tích văn hóa ít có trên trái đất. Nó thể hiện được diện mạo dân chủ mà nhân dân mong muốn; vua, tôi, dân một lòng, rõ ràng chính quyền ấy biết lấy dân làm gốc, đó là biểu hiện của một xã hội tiến bộ.

Năm 1906, Pháp xâm lược nước ta,...... pháp luật của kẻ xâm lược đã chà đạp lên pháp luật của người bị xâm lược. Và trống Đăng Văn đã không còn tồn tại như lòng người mong muốn. Sau năm 1945, đất nước độc lập, bà Từ Cung mẹ vua Bảo Đại đã lấy khuôn viên của chòi trống Đăng Văn tặng cho nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Hiện trạng đúng như tôi đã nói ở trên.

Ở Huế, tôi với Võ Quê vẫn thường lang thang với nhau trên đất cố đô. Mỗi lần đi qua chòi đặt trống Đăng Văn xưa, lòng chúng tôi cứ nôn nao.

Vẫn cái giọng hiền từ Võ Quê rỉ rả:

- Ước gì xã hội ta bây giờ có được vài cái trống Đăng Văn hiện đại thì tuyệt quá.

Càng nhớ chuyện xưa, rõ ràng trống Đăng Văn là một ngôi sao sáng văn hóa của văn hóa Huế. Tiếc rằng trống Đăng Văn đã không còn.

Nên chăng, chính địa điểm cũ vẫn còn, chúng ta dựng lại chòi và trống Đăng Văn, chắc chắn Huế sẽ có thêm một địa chỉ văn hóa đầy ý nghĩa và cũng chắc chắn du khách sẽ tìm đến nơi này rất đông.

Nhắc đến trống Đăng Văn xưa, tôi như thấy âm vang đâu đây tiếng trống Đăng Văn đang bay lơ lửng, dồn dập, nhịp nhàng trong dáng Huế thân yêu.

Bút ký: NGUYỄN QUANG HÀ