Bài diễn văn không đọc

02:01, 18/01/2012

Phan là người Việt Nam một trăm phần trăm nhưng có vẻ lai Tây bởi cái mũi hơi lõ và mái tóc xoăn tự nhiên nay đã ngả màu bạch kim. Ông sang Liên Xô bảo vệ luận án phó tiến sĩ cổ sinh vật học từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, rồi lấy cô Anna người Nga và ở lại lập nghiệp tại Matxcơva...

Phan là người Việt Nam một trăm phần trăm nhưng có vẻ lai Tây bởi cái mũi hơi lõ và mái tóc xoăn tự nhiên nay đã ngả màu bạch kim. Ông sang Liên Xô bảo vệ luận án phó tiến sĩ cổ sinh vật học từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, rồi lấy cô Anna người Nga và ở lại lập nghiệp tại Matxcơva. Hiện ông đang hướng dẫn Thành, một sinh viên Việt Nam làm đề tài tốt nghiệp khảo cổ học ở Trường Đại học Lômônôxốp. Sau kỳ nghỉ tết tại Việt Nam, Thành mang sang tặng thầy gói quà khá nặng, đựng trong hộp cacton chẳng hiểu là cái gì.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh

- Mời cô mở ra xem đi! - Thành nhìn Anna.

Những ngón tay dài nõn nà, móng nhuộm tím anh đào khéo léo gỡ sợi nơ đỏ rồi từ từ bật nắp hộp.

- Con rắn! - Anna hét lên, mặt tái mét.

Một con rắn ngóc đầu, trợn mắt, mào đỏ lửa suýt nữa thì đớp phải tay Anna. Cô thất kinh, hồn vía bay đi đâu hết, thở hổn hển. “Xin lỗi!”, Thành nhanh tay chộp lấy đầu con rắn phá lên cười, kết thúc sự sợ hãi bằng cách lôi ra cái bình sứ.

Trời… Tuyệt!

Cả ba lùi ra xa một bước, sững sờ giây lát trước lưu vật có một không hai: Chiếc bình sứ bằng cúp bóng đá tưởng chỉ có thể thấy ở cung vua phủ chúa. Con rồng đắp nổi ôm lấy thành bình, hai khúc cuốn vồng lên làm quai màu vàng chóe phát sáng. Bất giác cả phòng khách ấm hẳn, lung linh dưới ánh điện. “Bây giờ thì sờ đi!”, Phan chỉ cái đầu rồng trên nắp bình, nhìn vợ. Đúng lúc ấm Samôva huýt còi báo sôi, Anna chạy vào bếp pha trà. Hai người đàn ông ngồi vào ghế.

- Cổ hả? - Phan hỏi.

- Lấy đâu ra thầy, giả cổ thôi.

Phan gật gù, mắt không rời những họa tiết trên bình.

- Cậu giải thích cho mình con rồng với những hình vẽ này?

- Em chịu… Thấy đẹp thì mua.

- Ý nghĩa lắm… - Phan gật gù. - Phải nhìn từ dưới lên.

Trên nền sứ trắng vạch một đường màu lam thành mặt nước hồ thu phẳng lặng. Thấy chưa, dưới đáy có những tảng đá, hòn cuội, con rồng nằm im như đang ngủ trong hang. Quân tử chờ thời. Trên mặt nước, hoa đào nở rực như pháo hoa, lan mãi lên vai bình. Tiết xuân phân, thời cơ đến, rồng bay lên. Trên nữa là mây trời bồng bềnh từng đám, lấp ló những khúc rồng ẩn hiện, móng rồng cong cong như đang bơi trong không gian cuốn theo đụn mây…

Thấy chưa? Đúng là “vân tòng long, phong tòng hổ”: Mây bay theo rồng, gió cuốn theo hổ. Vẽ sự chuyển động thế mới tuyệt. Vui, vui lắm. “Long vân khánh hội” cơ mà! Rồng bay phượng múa, thả sức vẫy vùng, “Thánh nhân tác giã” được rồi. Ở đây miêu tả một quẻ trong kinh Dịch. “Tiền long vật dụng… Phi long tại thiên… Quần long vô thủ”. Cái đầu rồng được đặt riêng trên nắp bình là vì vậy. Ở dưới chỉ thấy một “đám” rồng không đầu. Giỏi! Trên động, dưới tĩnh.

Thành ngẩn người.

- Đọc Dịch chưa? - Phan nhìn mặt học trò.
 
- Dạ… sơ sơ.

- Mình cũng không tin đâu. Dù lí giải có logic đến mấy mà rút mò cái thẻ để phán thì ngay từ đầu đã dựa vào ngẫu nhiên rồi.

Thành xoay xoay nắp bình trên tay, ngắm nghía cái đầu rồng.

- Sợ thật chứ nhỉ.

Đầu lạc đà, sừng hươu, mũi sư tử, cặp mắt tròn lồi, miệng ngoác rộng, răng cá sấu, râu cá trê… Đúng là rồng thời Nguyễn. Vốn dân khảo cổ, Thành cũng có một số kiến thức. Nhưng thân phía dưới lại uốn lượn mềm mại hình sin dài ra và thuôn dần như rồng thời Lý.

 “Thằng cha này gớm thật”, Phan nghĩ, nhân ngày Tết cổ truyền nhắc mình đừng quên dòng giống tổ tiên đây.

- Theo em, anh nên đem cho con rồng này đi! Anna nói khi chỉ còn hai người.

Phan ngạc nhiên nhìn vợ. Cô tiếp.

- Em nói thật đấy. Nó sẽ chẳng mang lại điều gì tốt lành đâu.

Phan phì cười, giờ thì anh hiểu ra. Trong quan niệm của người châu Âu, con rồng là biểu tượng của cái gì gớm ghiếc, xấu xa độc ác, chuyên đem đến bất hạnh cho người khác.

- Ngày nhỏ… - Anna tiếp - cô em thường rủa: “Mày là một con rồng!”.
 
Phan xoa đầu vợ:

- Chính anh mới là rồng.

Và anh kể: Trong quan niệm của người Việt, rồng là biểu tượng của bản nguyên tích cực và sáng tạo, là sức sống mãnh liệt. Người Việt xưa tự hào mình là con rồng cháu tiên. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa xung khắc không thể ở cùng”. Họ bèn chia con ra ở riêng. Năm chục người con theo mẹ lên núi, năm chục người theo cha xuống biển. Trong số những người con theo mẹ, con cả về Phong Châu (Phú Thọ) lập nước Văn Lang, được tôn làm vua, gọi là vua Hùng.

Phan giải thích cho Anna, với người Á Đông thì hoàn toàn ngược lại: Rồng tượng trưng cho sức mạnh của quyền uy, của công lý, gắn liền với các đấng quân vương như thiên tử thay trời hành đạo. Nó mang lại mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Có mắt sáng tường minh, có nanh vuốt để giữ kỷ cương phép nước. Nó là cái đẹp huyền diệu vĩnh hằng, biến hóa thoát tục, lúc ẩn mình dưới đáy nước, khi xuất hiện trên ruộng đồng, lại có thể bay lên trời xanh… Nó là cái thiện, là ý trời. Xây dựng đình chùa, nhà ở phải tìm long mạch. Rồng ngự trên mái đình, mũi thuyền và ngai vàng, mũ áo trang phục của nhà vua…

- Rồng là Totem của người Việt? - Anna ngắt lời.

Phan gật:

- Có thể hiểu như vậy. Nhưng không giống con sói của người Mông Cổ, con bò của người Ấn Độ, nó là linh vật của trí tưởng tượng, không có trong thực tế.

- Không tồn tại trong thực tế?

- Không.

Vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh của rồng, một hôm sau bữa cơm chiều Anna đột ngột hỏi Phan:

- Trên cơ sở nào anh bảo con rồng không có trong thực tế?

-  Vì không ai thấy nó.

Anna bật cười:

- Không thấy hay là chưa thấy? Phải đi tìm thôi, nhà cổ sinh vật học của em ơi.

Cô lại cười ngặt nghẽo, vò mái tóc bạch kim của chồng làm cho nó rối bù. Một sự trùng hợp kỳ lạ, đúng lúc đó tivi phát tin động đất mười độ rích-te ở vành đai lửa Thái Bình Dương làm một hòn đảo nứt đôi. “Trời gọi tôi rồi!”. Ngay hôm sau, Phan và Thành đáp máy bay đi luôn. Mấy khi trái đất mở lòng cho xem quá khứ triệu triệu năm của nó. Ở đảo này, ngay trên bãi biển họ thấy từng đàn rồng Komodo như những con thằn lằn khổng lồ ngót nghét hai tạ, miệng rộng, hàm răng cá sấu, lợn năm bảy chục ký chỉ một cú đớp vừa miệng. Dưới rãnh nứt của đất vô vàn hóa thạch bò sát khổng lồ của kỷ Jura, Bạch phấn cách đây năm sáu mươi triệu năm.

Xét về mặt tiến hóa: cá-bò sát-chim, cá chép vượt vũ môn hóa rồng, rồng mang vảy cá chép lại có chân của chim Chu tước và bay trên mây là đúng. Hóa thạch mới tìm thấy thì chân có bốn móng như rồng thời Trần chứ không phải ba móng như rồng thời Lý. Liệu rồng có nhiều chi nhiều loài không, và rồng thời Lý thuộc chi nào? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Cô vợ Anna của tiến sĩ Phan quả là thông minh: Rồng không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng! Đọc báo cáo này trên hội nghị cổ sinh vật học sắp tới, chắc chắn thầy trò Phan giật giải Nobel.

“Thưa các quý vị!

Trên thế giới có nhiều dân tộc nhận rắn là Totem (vật tổ) của mình. Ở Việt Nam cũng có đền thờ thần rắn ngay bờ Hồ Tây. Nhưng rắn thuộc âm. Giao long là rồng của người Giao Chỉ, thuộc dương. Giao cũng là Keo, vì vậy ở Việt Nam rất nhiều Chùa Keo, Chùa Keo Bắc Ninh, Chùa Keo Thái Bình, Nam Định… Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khẳng định rồng là có thật. Bộ xương chúng tôi phát hiện thuộc lớp Bò sát (Reptilia), lớp phụ Thằn lằn vảy (Lepidosauria), bộ Thằn lằn Đầu mỏ (Rhynchocephalia)…”.

Đó là diễn văn nhận giải Nobel mà thầy trò Phan thảo sẵn.

Đôi khi bằng chứng cũng đánh lừa người ta, với tính thận trọng vốn có của người làm khoa học, Phan kiểm tra lại bằng phân tích phóng xạ C14, và cả ADN cho từng bộ phận của khung xương. Theo các hình vẽ, phù điêu của rồng trên đồ cổ và đình chùa thì hai chân trước luôn ở cuối khúc uốn thứ nhất, còn hai chân sau ở giữa khúc uốn thứ ba, đúng như hóa thạch tìm được. Nào ngờ, đó lại là hai cặp chân chim khổng lồ, lớn gấp đôi chim đà điểu và có tuổi sau khung xương những một triệu năm ngàn năm!
 
May thay, bài diễn văn nhận giải Nobel trên đây chưa kịp đọc.

Truyện ngắn: CHU BÁ NAM