“Cận cảnh” nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Thiết Dũng

03:01, 18/01/2012

Nhiều người biết đến nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Thiết Dũng (hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam - Chi hội nhiếp ảnh Bảo Lộc) với nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đoạt giải cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. Nhưng, ít ai biết đến anh với một chân dung đời thường rất mộc mạc và giản dị…

Nhiều người biết đến nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Thiết Dũng (hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam - Chi hội nhiếp ảnh Bảo Lộc) với nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đoạt giải cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. Nhưng, ít ai biết đến anh với một chân dung đời thường rất mộc mạc và giản dị…

Gặp NSNA Trần Thiết Dũng sau chuyến anh đi Đắc Nông sáng tác ảnh vào những ngày đầu tháng 12 se lạnh. Anh cho biết: “Trở lại Đắc Nông để thăm một cụ già đã từng làm mẫu để mình chụp ảnh, tôi rất vui khi thấy cụ còn khỏe mạnh”. Sở trường của Trần Thiết Dũng là chụp ảnh chân dung. Những vết “chân chim” trên khuôn mặt các cụ già hằn vết thời gian; những ánh mắt, những nụ cười trong trẻo, hồn nhiên của các em nhỏ… như truyền cho anh cảm giác xuất “thần” mỗi khi bấm máy.

Duyên Quê
Duyên Quê

Năm 2011, đánh dấu đúng 10 năm Trần Thiết Dũng bước vào sân chơi ảnh nghệ thuật và đây cũng là năm anh gặt hái được nhiều giải nhất từ trước đến nay: Huy chương Vàng tác phẩm “Hạnh phúc” tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế Asahi Shimbun (Nhật Bản). Giải nhất tác phẩm “Hoàng hôn Langbian” tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Các di sản thế giới, tổ chức tại Việt Nam. Giải nhất tác phẩm “Ngất ngây” tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật do Viettravel tổ chức. Huy chương Vàng VAPA tác phẩm “Ba chị em Mông” tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam. Nói về tác phẩm “Ba chị em Mông”, anh cho biết: Tấm ảnh này, tôi chụp vào dịp tết năm ngoái. Trong đợt đi sáng tác ảnh bắt đầu từ ngày mùng 4 tết, khi đến vùng núi Mèo Vạt - Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), tôi bắt gặp rất đông phụ nữ Mông với trang phục truyền thống đi chơi tết; trong đó, có ba em gái nhỏ. Với máy ảnh lúc nào cũng có sẵn, tôi vừa “bò” lại gần các em vừa bấm máy liên tục. Có lẽ thấy cảnh tượng lạ thường, nên các em chăm chú quan sát và cười rất hồn nhiên. Nhờ đó, tôi mới có tấm ảnh ưng ý.

Thường thì đôi ba lần trong năm, anh cùng vài người bạn nhiếp ảnh chí thân thực hiện chuyến “săn” ảnh dài ngày tại các địa phương trong cả nước, thường là ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. “Chỉ khi niềm đam mê nhiếp ảnh đã ngấm vào máu thịt thì người nghệ sỹ mới có thể bỏ công, bỏ việc, bỏ cả thời gian, công sức và tiền bạc để đi săn ảnh. Và, nếu đi săn ảnh mà lúc nào cũng bị chi phối bởi các giải thưởng thì chắc chắn sẽ không bao giờ có được những tấm ảnh tuyệt vời!” – anh Dũng nói. Với anh, giải thưởng là sự may mắn. Còn theo những NSNA khác, đó là thành quả của cả một quá trình rèn luyện, trau dồi, tư duy những ý tưởng mới lạ, độc đáo cộng với tâm hồn đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh đã tiêu tốn không biết bao nhiêu cuộn phim, chứa đầy bao thẻ nhớ để “đóng khung” những cảnh đẹp, để “gói” xúc cảm của những con người lọt vào ống kính, mà những khoảnh khắc đó rất khó có thể bắt gặp lại được lần thứ hai.

Vừa bước qua tuổi 50, anh đã 33 năm theo nghề chụp ảnh; trong đó, có 10 năm theo đuổi ảnh nghệ thuật. Bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn và cả những tai nạn nghề nghiệp đã theo anh suốt những năm tháng làm ảnh nghệ thuật. Anh còn nhớ như in tác phẩm đầu tay đã mở đường cho anh đi vào lĩnh vực ảnh nghệ thuật. Đó là tác phẩm “Hai thế hệ”, chụp đặc tả gương mặt em bé người dân tộc với đôi mắt sáng ngời và bên cạnh chỉ là vành tai của bà nội. Tác phẩm này đã đoạt HCV tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế Hasselblad tại Áo vào năm 2002. Cũng chính từ bức ảnh này mà anh như được truyền thêm cảm hứng và động lực để sáng tác ảnh nghệ thuật. Vui đấy, nhưng cũng lắm chông gai khi bước chân vào thế giới ảnh nghệ thuật. Đó là những khi anh hăng say săn ảnh ở Sapa với nhiệt độ chỉ ở mức 5-60C, là những khi dường như đã đối mặt với tử thần. Anh kể: “Cách đây vài năm, tôi cùng 5 người bạn nhiếp ảnh đi chụp ảnh phong cảnh tại khu vực hồ Đa Mi. Trên đường về, khi xuồng ra đến giữa hồ thì bất ngờ bị thủng đáy. Nước tràn vào đầy xuồng và ai cũng nghĩ đến cái chết! Rất may là người chèo xuồng đã nhảy xuống nước để dìu xuồng, còn anh em thì vừa tát nước vừa tìm cách bịt lỗ thủng lại. Lần đó, đúng là thoát chết trong gang tấc, vì lòng hồ Đa Mi rất sâu và nước rất lạnh!”.
 
Mái tóc hoa râm, ánh mắt sâu lắng và vui tính hay cười mỗi khi anh chia sẻ chuyện nghề nghiệp. Mười năm, anh đã tham gia không dưới 200 cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế. Cứ trung bình hai lần dự giải thì “may mắn” anh lại đoạt một giải. Hiện tại, anh sở hữu khoảng 100 giải thưởng ảnh nghệ thuật các loại; trong đó, có những giải danh giá nhất cả trong và ngoài nước. Anh tâm sự: “Trước đây, cứ mỗi lần khăn gói đi chụp ảnh là bà “xã” ở nhà lại giận, vì cứ nghĩ là đi làm những không đâu vào đâu, vừa tốn tiền vừa mất thời gian. Nhưng giờ, bà xã biết đó là niềm đam mê, nên rất dễ thông cảm”.

Là một NSNA, nhưng công việc giữa đời thường, Trần Thiết Dũng là một thợ chụp ảnh có uy tín tại thành phố Bảo Lộc. Ngày ngày, anh vẫn làm công việc quen thuộc là chụp ảnh cho khách hàng, thiết kế album ảnh cưới… Với anh, đó chính là nghề chính. Và cũng nhờ nó, anh mới có điều kiện đầu tư vào cuộc “chơi” ảnh nghệ thuật. “Càng chơi ảnh nghệ thuật, người NSNA càng trưởng thành hơn!”– Anh Trần Thiết Dũng tâm sự.

Hạnh phúc đầu đời
Hạnh phúc đầu đời
Bịt mắt bắt dê
Bịt mắt bắt dê

ĐÔNG ANH