Chiều nay, rông rốc nắng, lòa xòa gió, cơn mùa khô cao nguyên đỉnh điểm, đẹp nao lòng. Tôi đi bộ dưới tàn long não cổ thụ đường Lê Lợi, chợt vụt lên cái hình ảnh rất ấn tượng là những tàn thông như những làn tóc xõa, vươn lên quẫy mặt trời...
Chiều nay, rông rốc nắng, lòa xòa gió, cơn mùa khô cao nguyên đỉnh điểm, đẹp nao lòng. Tôi đi bộ dưới tàn long não cổ thụ đường Lê Lợi, chợt vụt lên cái hình ảnh rất ấn tượng là những tàn thông như những làn tóc xõa, vươn lên quẫy mặt trời. Ấy là cái cảm giác khi những lốm đốm nắng nửa như yên tĩnh nửa lay động, nửa xốn xang, nửa trầm tư in dưới mặt đường khiến con đường như thêu hoa dệt gấm, như có hàng triệu con bướm vừa đậu vừa bay thon thót thắc thỏm trên đường.
Tranh sơn dầu: Mai Liêng |
Hồi nhỏ ở ngoài Bắc, tôi cũng ở một vùng có nhiều đồi thông thuộc tỉnh Thanh. Chưa có ấn tượng gì lắm vì người thì nhỏ mà thông thì cao, leo lên hái củi sợ kiểm lâm bắt nên chả thi vị tẹo nào bởi chỉ nhăm nhăm mắt trước mắt sau để... chạy.
Rồi học “Rừng xà nu” thì cũng rưa rứa. Cho đến năm ngoái đây, khi tôi đi cùng đoàn làm phim của báo “Mực tím” làm phim về cây xà nu với cái làng Xô Man nổi tiếng ấy thì vẫn có vài cô giáo cấp 3 hỏi với theo: Xà nu là cây gì?
Ấn tượng nhất với tôi là năm 1981, khi lần đầu đặt chân lên Pleiku. Trời ơi thông mới đẹp làm sao. Những gốc cổ thụ sần sùi, những mầm non ngơ ngác. Và lá thông, chúng như những vòng sóng nhấp nhô khi tôi nhẩn nha cũng đi trên con đường Lê Lợi ngày ấy. Lũ trí thức trẻ chúng tôi tựa vào nhau, tựa vào thông để qua những tháng mùa đông Cao nguyên những ngày đầu tiên đến đất này. Những tối lạnh chúng tôi vơ lá thông đốt, bẻ củi thông sưởi, đẽo nhựa thông qua đêm. Một giao thừa, tại nhà tôi ở khu tập thể Sở Văn hóa trên đường Trần Hưng Đạo, Phạm Đức Long đã bậm môi mà viết: “Khoảng trời lá thông bạn tôi cũng đói nghèo/ Thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/ Thương nhau giữ tròn lẽ sống/ Giữa trắng đen hư thực thăng trầm”... đọc cứ ưa ứa như nhựa thông?
Những con dốc vẫn cứ thấp cao như những nhát cắt bất ngờ với dáng nghiêng con gái làm phố mềm đi mơ hồ như sương như khói, như lạ như quen xiết bao quyến rũ. Nó tiệp màu, tiệp sắc và tiệp cảnh, tiệp tình biết bao với những thảm thông trong thành phố. Nhiều khi sự đối xứng lại là từ những điều trái ngược: mỏng manh thanh thoát tinh khôi đối xứng với cổ thụ xù xì thô ráp... ấy vậy mà hài hòa, mà tôn nhau lên, để mà rực rỡ, mà lung linh, mà thăng hoa, mà trường tồn. Cũng như đất và người Tây Nguyên vậy. Ở lâu với Tây Nguyên sẽ nhận thấy các mặt đối lập trong một chỉnh thể, để mà tồn tại một Tây Nguyên khát khao vươn tới, một Tây Nguyên bản sắc trong hòa nhập, một Tây Nguyên tự tin điềm tĩnh, một Tây Nguyên với nền văn hóa đậm đặc truyền thống nhưng cũng rất hiện đại và nhân văn. Sức mạnh Tây Nguyên như mái nhà rông sừng sững, uy vũ mà mềm mại, cứng cáp mà trữ tình, hoành tráng mà hài hòa, bền vững trong thời gian mà cũng rưng rưng khoảnh khắc...
Ngay trong những cây thông cổ thụ mà giờ ngày càng đang hiếm kia, nó cũng có những đối xứng rất kỳ lạ, ấy là cái vẻ mốc meo xù xì vững chãi to lớn của gốc của rễ đối xứng với cái mơn mởn xanh đến non tơ, cái nhỏ nhoi đến yếu ớt của cành của lá. Thông trong tâm tưởng. Thông mươn mướt xanh. Thông trầm mặc gió. Và thông hát những khúc ca của riêng mình, thông che chở cho bao mối tình non tơ thánh thiện...
Và thông đang có nguy cơ trở thành của hiếm.
Thành phố chơ vơ với bê tông gạch đá, khăn bịt mặt mũ bảo hiểm, mà gió mà bụi mà chang chang nắng. Thông trở thành sản vật của một thời. Ấy thế nên có một thi sĩ đã thốt nên cái câu “Thành phố một thời thông” để mà hoài niệm, mà tiếc nuối... và cũng chỉ đến thế mà thôi. Biết đến bao giờ hàng nghìn cây thông cổ thụ mới lại trầm tư tỏa bóng xuống thành phố này như một đặc sản riêng của Pleiku. Thành phố được xây dựng to lớn hơn, đàng hoàng hơn, hiện đại hơn là điều không thể phủ nhận. Song vì thế mà họ lại càng thở dài khi nhớ tới có một thời chưa xa, thành phố đầy thông...
Nhớ một năm nào đó, trên một chuyến xe với các nhà văn, qua đèo Mang Yang, một nữ thi sĩ nhìn những búp thông biếc trong nắng đã hát: Ngàn cây thắp nến lên hai hàng một cách say sưa sau đó giải thích mỗi lần hát đến câu ấy trong bài “Nắng thủy tinh” của Trịnh Công Sơn cô đều hình dung đến những búp thông mướt xanh vươn lên trong nắng sớm, như đoạn thông chúng ta vừa qua. Tôi giải thích cho mọi người rằng, để có rừng thông trên đoạn đèo này, những công nhân trồng rừng đã phải hàng ngày dậy từ rất sớm, mỗi người một cái gùi, trong ấy có chưa đến một chục cây thông con, nước uống và nước tưới, cơm nắm... họ nhẫn nại đeo cái gùi ấy, dựng đứng núi, lên đến nơi là trưa, nghỉ ăn cơm xong trồng cây, và tối mịt thì xuống lại. Ngày này qua tháng khác năm kia, mỗi ngày một tí như thế, như những con kiến cần mẫn tha mồi như thế, bây giờ là cả một rừng thông biếc xanh đến thế, như lời chào du khách trước khi vào địa phận Tây Nguyên. Chao ơi là đời thông. Tự thế kỷ nào, cụ Nguyễn Công Trứ đã ước nếu có kiếp sau xin không làm người nữa, mà làm cây thông giữa trời mà reo. Cái khát vọng tự do của thông nó lớn đến mức mà một người nổi tiếng ngông như cụ Trứ phải ước ao mình được hiện thân ở kiếp sau. Thế nhưng để có cái dáng kiêu hãnh và tự tồn ấy, thông vẫn không qua khỏi tay người. Để thấy, té ra phía sau cái dáng vẻ trầm tư dẫu cô độc hay bầy đàn ấy, vẫn là một tâm thế người, một khát vọng người, một văn hóa nhân sinh, một lý tưởng sống của con người ẩn hiện.
Thực ra thì thông (có vùng gọi là Xà nu, Sa mộc, Ngo...) là một giống cây nhập từ xứ lạnh, có thể do vô tình hay cố ý, nó đã theo chân một số người châu Âu vào Việt Nam. Có người bảo, ngoài việc trồng ngay hàng thẳng lối, thì một số rừng thông mạn sâu Đà Lạt là do người Pháp đi trên máy bay thả hạt xuống. Nó phù hợp với khí hậu mát, lạnh, ôn đới... vì thế mà Sa Pa, Đà Lạt, Pleiku, Măng Đen... nhiều thông. Nhưng phải nói luôn là, thực sự thì Tây Nguyên của chúng ta đã còn rất ít thông so với ngày xưa. Số thì già chết, số thì bị đốn, số thì năm bảy cách để chúng không còn tồn tại trên đời này...
Trở lại cái làng Xô Man nổi tiếng trong tác phẩm “Rừng xà nu” ngày nào, giờ tôi gặp nó cũng... chang chang nắng. Những câu văn đẹp nao lòng tả thông giờ chỉ còn trong... sách. Tôi lẩm nhẩm “Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc… Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn”... Xà nu của làng Xô Man dạo nào đấy, nó đã lấy thân mình che chở cho dân làng, cho cách mạng. Và chúng ta bây giờ, chẳng thể khác, lại phải bảo vệ thông thôi.
Tôi tin, không xa nữa, Tây Nguyên lại sẽ vi vút thông reo. Bởi như đã nói, thông không chỉ là thông, nó là khí phách, là phẩm chất người, và nó hợp với Đà Lạt, Măng Đen, Pleiku, với Cao nguyên để trở thành một hiện thân trong tồn hiện nhân sinh...
Tùy bút: VĂN CÔNG HÙNG