Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên

10:01, 17/01/2012

Trước thềm năm mới xuân Nhâm Thìn 2012, đồng chí Huỳnh Đức Hoà – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã dành cho Báo Lâm Đồng một buổi phỏng vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ Lâm Đồng trong năm qua.

LTS: Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng trong điều kiện tình hình trong nước xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới,…song với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh đã đạt một số kết quả quan trọng. Trước thềm năm mới xuân Nhâm Thìn 2012, đồng chí Huỳnh Đức Hoà – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã dành cho Báo Lâm Đồng một buổi phỏng vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ Lâm Đồng trong năm qua.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bên phải) và đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bên phải) và đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

PV: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, năm 2011 được Tỉnh uỷ xác định là năm “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp, tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tập trung vào những khâu đột phá, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2011”, vậy tư duy này đã được thể hiện để trở thành những thành tựu, kết quả cơ bản trên một số lĩnh vực tiêu biểu của tỉnh như thế nào?

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Như chúng ta biết, năm 2011 là năm có nhiều khó khăn: giá các loại hàng hoá phục vụ sản xuất tăng nhanh, việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ, đặc biệt là thực hiện các chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, cắt giảm đầu tư công… nên hầu hết các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh đều gặp khó khăn về vốn. Tuy vậy, với sự nỗ lực phấn đấu và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, toàn dân nên việc thực hiện nhiệm vụ năm 2011 của tỉnh đạt kết quả khá toàn diện.

Điều này thể hiện: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 14,6% (KH 15-16%); trong đó ngành nông, lâm, thuỷ sản tăng 9,6% (KH 9,5%); công nghiệp, xây dựng tăng 19% (KH 25,2%); dịch vụ tăng 21,1% (KH 20%). Cơ cấu kinh tế: ngành nông, lâm, thuỷ sản chiếm 46,4% (KH 46%); công nghiệp, xây dựng 21,7% (KH 21-22%); dịch vụ 32% (KH 32-33%). GDP bình quân đầu người 25,6 triệu đồng, đạt 111,3% kế hoạch, tăng 23%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 4.140 tỷ đồng, bằng 108,95% dự toán địa phương, tăng 19,7%, trong đó thuế, phí 2.170 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch. Khách du lịch đến Lâm Đồng 3,5 triệu lượt, đạt 100% kế hoạch; trong đó khách quốc tế 180 ngàn lượt, đạt 100% kế hoạch. Số ngày lưu trú bình quân của 1 khách là 2,4 ngày; mức chi tiêu bình quân đạt 1,7 triệu đồng/1 lượt khách. Tổng mức đầu tư xã hội ước thực hiện 12.764 tỷ đồng, bằng 40,8% GDP, bằng 88,0% kế hoạch, tăng 10,3%. Giải quyết việc làm 31.000 người, đạt 100% kế hoạch; trong đó xuất khẩu 600 lao động, bằng 100% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 38%, trong đó đào tạo nghề đạt 28%.  Đến cuối năm 2011, số hộ nghèo ước còn 25.000 hộ, chiếm tỷ lệ 9,1%, giảm 3,5% (KH giảm 3-4%), trong đó số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số 14.800 hộ, chiếm tỷ lệ 25,64%, giảm 7% (KH giảm 7-8%)… Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục - y tế, khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thể dục - thể thao có nhiều chuyển biến tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

PV: Thưa Bí thư Tỉnh uỷ, Lâm Đồng phát huy lợi thế so sánh và những năm gần đây đã tập trung đưa ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển đứng đầu cả nước, vậy “bức tranh” nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh được thể hiện thế nào?

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Trước hết, phải khẳng định: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng công nghệ cao. Các địa phương đều chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng nhằm tăng hiệu quả sản xuất; giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích gieo trồng năm 2011 đạt 79-80 triệu đồng/ha... Công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được chỉ đạo triển khai quyết liệt gắn với giao khoán, quản lý bảo vệ nên đã hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai thực hiện ở tất cả 118/118 xã của tỉnh, trong đó xã Tân Hội là xã điểm của Trung ương đã cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới (tỉnh đã tổ chức tổng kết và phát động phong trào thi đua “Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới” vào ngày 25/11/2011); có 11 xã điểm của tỉnh và 39 xã ưu tiên đầu tư giai đoạn 2011- 2015... Đến nay, đã có 8/12 huyện, thành phố phê duyệt chương trình xây dựng nông thôn mới cấp huyện; 43/118 xã phê duyệt đề án nông thôn mới cấp xã; có 67/118 xã đã phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội theo chuẩn nông thôn mới và quy hoạch mạng lưới dân cư nông thôn. Có 2 xã đạt trên 14 tiêu chí, 12 xã đạt từ 9-11 tiêu chí, 20 xã đạt từ 5-7 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 3-4 tiêu chí về nông thôn mới.

Trên nền “bức tranh” nông nghiệp, nông dân, nông thôn như vậy, Lâm Đồng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương; ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ theo hướng công nghệ cao; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2020 Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên.

PV: Về kinh tế - xã hội, chúng ta đã tạo nên một “bức tranh” với nhiều gam màu tươi sáng, vậy trên lĩnh vực xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị thì như thế nào, thưa đồng chí?

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Đây là một vấn đề trọng tâm của toàn Đảng bộ. Ngay từ đầu năm các cấp uỷ Đảng đã tập trung chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, gắn với thảo luận, xây dựng Chương trình hành động và xây dựng các nghị quyết chuyên đề, nghị quyết phát triển các địa bàn trọng điểm nhằm cụ thể hoá, triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Bên cạnh đó, Đảng bộ đã chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, nghị quyết của Đảng; tạo đồng thuận xã hội trong việc phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011.

Thường xuyên chỉ đạo, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 17-KH/TU ngày 1/7/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; chú trọng đề cao trách nhiệm, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu đơn vị trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác.

Tính đến nay, toàn Đảng bộ có 809 tổ chức cơ sở Đảng, với 31.395 đảng viên. Năm 2011, ước tính có 73,4% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, có 21,5% tổ chức cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ; 14,2% đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có 76,8% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ; toàn Đảng bộ kết nạp 1.820 đảng viên; có 1.345/1.349 thôn, khu phố có đảng viên; (hiện còn 4 thôn, khu phố chưa có đảng viên, trong đó có 3 thôn, khu phố tái trắng); 1.205 thôn, khu phố có tổ chức Đảng và 140 thôn, khu phố, tổ dân phố sinh hoạt chi bộ ghép.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Tỉnh uỷ đã khẩn trương xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh uỷ khoá IX, Chương trình làm việc toàn khoá và hàng năm của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và đã chỉnh sửa, bổ sung theo Quy chế làm việc của Trung ương khoá XI; đồng thời, rà soát bố trí, phân công, sắp xếp tổ chức, cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách cán bộ sau Đại hội Đảng các cấp, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của địa phương.

Cũng cần nhấn mạnh vai trò công tác vận động quần chúng trong năm qua, Lâm Đồng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác dân vận của Đảng, công tác dân vận của hệ thống chính trị; thực hiện việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm không ngừng nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và tranh thủ phát huy tốt vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo tham gia các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và giải quyết những vấn đề phức tạp, nổi cộm ở cơ sở.

Đối với hoạt động của chính quyền các cấp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Tập trung thực hiện và mở rộng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các ngành, các địa phương. Thực hiện tốt việc công khai đầy đủ các loại thủ tục hành chính, hồ sơ, quy trình, thời gian giải quyết đối với từng loại thủ tục hành chính theo quy định. Đến nay, có 19/19 sở, ngành; 12/12 huyện, thành phố; 147/148 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức (còn xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương chưa thực hiện).

Bí thư Tỉnh ủy (thứ tư, phải qua) trò chuyện với cán bộ huyện Đức Trọng và cán bộ xã nông thôn mới Tân Hội
Bí thư Tỉnh ủy (thứ tư, phải qua) trò chuyện với cán bộ huyện Đức Trọng và cán bộ xã nông thôn mới Tân Hội

PV: Với những kết quả khả quan đạt được như trên, vậy đâu là nguyên nhân, thưa đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ?

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi có ba nguyên nhân quan trọng sau:

-  Đảng bộ đã tập trung nghiên cứu, xác định đúng đắn tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đề ra nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị của cả nhiệm kỳ và hàng năm sát hợp với tình hình thực tế của địa phương; tạo niềm tin và là cơ sở để triển khai tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ.

- Phát huy truyền thống đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, năng lực cụ thể hoá và sự chủ động, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tập hợp, đoàn kết, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ; coi trọng sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, sự hợp tác với các tỉnh bạn trong quá trình phát triển của địa phương.

- Triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức Đảng, của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh xử lý các sai phạm, góp phần duy trì, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

PV: Bên cạnh những thành tích đạt được, tất yếu chúng ta vẫn còn có những mặt hạn chế, khuyết điểm; thưa Bí thư Tỉnh uỷ, sắp tới Lâm Đồng sẽ sớm khắc phục những mặt yếu kém nào?

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Không phủ nhận chúng ta vẫn còn những mặt yếu kém và phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Những hạn chế, khuyết điểm có nguyên nhân khách quan, song theo tôi chủ yếu do những nguyên nhân chủ quan sau:

- Năng lực lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền trên một số mặt và ở một số nơi thiếu quyết liệt, mức phấn đấu chưa cao; việc cụ thể hoá và triển khai thực hiện nghị quyết ở một số khâu, lĩnh vực còn yếu và chậm.

- Quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn sơ hở, lỏng lẻo, nhất là quản lý rừng, đất rừng, tài nguyên khoáng sản và trật tự xây dựng; phối kết hợp trong giải quyết công việc giữa các cấp, các cơ quan trong hệ thống chính trị thiếu đồng bộ, chặt chẽ; thực hiện quan hệ, liên kết kinh tế với bên ngoài chưa tốt; cải cách hành chính chuyển biến chưa mạnh.

- Một số địa phương, đơn vị chưa gắn chặt việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước.

- Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới; một số cán bộ chưa gương mẫu, thiếu năng động, sáng tạo và thiếu quyết tâm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

PV: Năm 2011 khép lại với nhiều niềm vui và cũng còn đôi điều trăn trở, xin Bí thư Tỉnh uỷ có thể cho biết một vài dự cảm về năm 2012 và định hướng phát triển của tỉnh trong lộ trình thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2011 -  2015)?

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Bước vào năm 2012, bên cạnh những thuận lợi cơ bản như nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Năng lực và trình độ sản xuất của nhiều ngành kinh tế đã tăng lên đáng kể, các công trình dự án lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng; những ngành, nghề có lợi thế, địa bàn trọng điểm của địa phương đang được khai thác hiệu quả, nhất là về nông nghiệp công nghệ cao; chất lượng tăng trưởng đã có bước cải thiện... Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kinh tế - xã hội của địa phương sẽ gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là phải khắc phục những yếu kém, hạn chế, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phải thực hiện nghiêm chính sách của Trung ương về kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân... Hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất, của nông dân tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, khiếu nại, tố cáo và âm mưu chống phá của các thế lực thù địch... có khả năng gây tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương.

Để phát huy những kết quả đạt được, cùng cả nước khắc phục những khó khăn, thách thức, Đảng bộ Lâm Đồng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch năm 2012 với chủ đề “Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”. Muốn đạt được điều ấy, chúng ta cần giữ vững đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kiên trì đổi mới; nêu cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của toàn dân, huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX, phấn đấu thực hiện vượt mức nhiệm vụ, kế hoạch năm 2012 và tạo điều kiện phát triển nhanh hơn ở những năm giữa và cuối của nhiệm kỳ.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ! Nhân mùa Xuân Nhâm Thìn 2012, xin chúc đồng chí cùng toàn Đảng bộ tỉnh “vững vàng” tay lái đưa Lâm Đồng hội nhập và phát triển bền vững!

NGUYỄN THANH (THỰC HIỆN)