Dòng sông rau Đơn Dương

02:01, 17/01/2012

Sông có lúc buồn vui như phận người nông dân nơi đây vui buồn qua những nông vụ rau màu đơm hoa kết trái.

Cũng như bao dòng sông khác, sông Đa Nhim mang trong mình một dáng vẻ, đời sống riêng. Và không biết từ khi nào dòng sông ấy được gọi bằng cái tên Đa Nhim (nước mắt) chảy vắt qua năm tháng, chở nặng phù sa, tưới tắm cho đồng ruộng, sinh nở những mùa màng dọc đôi bờ sông. Sông có lúc buồn vui như phận người nông dân nơi đây vui buồn qua những nông vụ rau màu đơm hoa kết trái.

Vào vụ mới
Vào vụ mới

Dễ đến mấy bận hẹn hò với người bạn đồng nghiệp làm ở Đài huyện Đơn Dương cùng nhau du thám dòng sông Đa Nhim một chuyến bằng ghe. Nhưng phương án đó khó bề thực hiện bởi, không giống như những dòng sông chảy qua miệt đồng bằng yên ả, sông Đa Nhim vào mùa mưa bão thì cuộn chảy hung hãn, mùa khô lại cạn dòng phơi trần vô vàn đá sỏi. Đành phải đi theo đường bộ, dọc quốc lộ 27 hay theo hướng tỉnh lộ 412 để ngắm dòng sông nơi thượng nguồn này. Chao, đôi bờ sông nơi đâu cũng thấy chỉ một màu rau xanh! Có lẽ vì thế mà người dân Đơn Dương gọi sông Đa Nhim là “dòng sông rau” như một biểu hiện nhịp sống đặc trưng nông trang gắn bó bao đời nông dân sống bằng nghề trồng rau thương phẩm.

Theo từ điển mở Wikipedia tiếng Việt, sông Đa Nhim bắt nguồn núi Gia Rích, cao 1.923 m so với mặt nước biển, ở huyện Lạc Dương, chảy qua mạn Bắc đổ xuống Tây Nam huyện Đức Trọng hợp lưu với sông Đa Dâng gần thác Pongour. Độ dài của dòng sông tính từ đập Đa Nhim đến khi nhập vào dòng Đa Dâng trên 50 km, tạo nên chuỗi thác nước Liên Khương, Gouga, Pongour nổi tiếng trên đất Lâm Đồng. Và không dừng lại ở đó, sông Đa Nhim còn nổi tiếng bởi các loại rau - một đặc sản của Đơn Dương. Bởi nếu lấy sông Đa Nhim làm trung tâm, cùng với khí hậu, đất đai đã mặc định đời sống nông nghiệp đôi bờ thì từ thị trấn D’Ran nằm dưới thân đập Đa Nhim đi qua các xã Lạc Xuân, Lạc Lâm đến Ka Đô, Quảng Lập ra tới Đạ Ròn là cả một vùng rau, trái, đến địa phận Đức Trọng đã có sự chuyển hoá cây trồng ven sông với những nương rẫy cà phê xanh ngắt. Dường như đất đai ở đây bốn mùa không có lúc nào nghỉ ngơi bởi sự cần mẫn của những nông phu hiền lành, chất phác. Chiếc nôi trồng rau ở miệt Đơn Dương phải kể đến xã Lạc Lâm, Lạc Xuân… từ đó mới nhân rộng ra các nơi khác Thạnh Mỹ, D’Ran, Ka Đô… những vùng đất màu mỡ nằm dọc các dòng suối và đôi bờ sông Đa Nhim. Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, diện tích sản xuất rau thương phẩm của Đơn Dương hiện tại trên 7.800 ha, chiếm một phần ba diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện. Nếu quay vòng từ 2 - 3 vụ/năm thì số diện tích trồng rau lên đến 18.200 ha với sản lượng rau các loại đạt gần 500 ngàn tấn. Trong đó, rau sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đạt  hơn 4.000 ha, chiếm 60% diện tích canh tác rau, hoa của huyện. Tốc độ tăng diện tích trồng rau ứng dụng công nghệ cao cũng như sản lượng dao động từ 10 - 20%/năm. Giá trị mang lại trên một ha trồng rau đạt bình quân khoảng 100 triệu đồng, riêng đối với rau nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 150  triệu đồng/ha/năm. Cây rau thương phẩm được xem như mặt hàng nông sản mũi nhọn của nền nông nghiệp và có một vị trí vững chắc trong phát triển kinh tế huyện Đơn Dương không chỉ hiện tại mà cả giai đoạn tới.
 

Người dân ở đây tự hào rằng, vùng rau Đơn Dương tuy “sinh” sau Đà Lạt nhưng lại có tốc độ mở rộng diện tích nhanh nhất Lâm Đồng. Ngay từ  những năm 50 thế kỷ trước, nông dân nơi này đã bắt đầu trồng cây rau thương phẩm. Trải qua hơn nửa thế kỷ “đánh vật” với ruộng vườn mà hình thành vùng chuyên canh cây rau lớn nhất tỉnh, thậm chí cả nước. Bất cứ lúc nào đi qua Đơn Dương, dọc theo quốc lộ 27 cũng có thể thỏa mắt nhìn những vườn rau xanh tốt.

Bí thư Huyện uỷ Đơn Dương Thái On bộc bạch, năm nay hầu hết các loại rau đều được giá, riêng cà chua đứng giá từ 7 - 10 ngàn đồng/kg hàng mấy tháng trời. Nhiều nông dân bảo thu nhập thực tế cao 100 triệu/ha/năm so với số thống kê của huyện. Không ít người dân trồng rau mua sắm xe con, xe tải nhỏ để vừa chuyên chở hàng hoá, vừa làm phương tiện sinh hoạt cho gia đình. Thực tế từ hướng đi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, nông dân Đơn Dương đã làm giàu trên mảnh đất của mình. Nhiều hộ ở Lạc Lâm, Lạc Xuân còn toả đi các nơi thuê đất trồng rau, những đoàn người từ các nơi đổ về làm thuê trên đồng rau mưu sinh. Cuộc “Cánh mạng” chuyển đổi tập quán sản xuất truyền thống lâu nay được thực hiện trong mấy năm qua, kể từ khi Nghị quyết phát triển rau, hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao của huyện ban hành và đem lại hiệu quả rõ rệt. Song trong vòng đời của cây rau, từ khi xuống giống cho đến lúc bước vào các gian bếp của các gia đình thì người dân chỉ chủ động được một phần ba công đoạn, xuống giống, chăm bón đến lúc thu hoạch. Hậu thu hoạch hầu như phụ thuộc vào thương lái, thị trường. “Trong vòng 5 năm tới phát triển rau, hoa vẫn là mũi nhọn của huyện. Cần phải đẩy mạnh hàm lượng ứng dụng công nghệ theo chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm rau Đơn Dương. Một vựa rau lớn như thế nhưng đầu ra vẫn thả nổi cho thương lái. Đấy là “món nợ” của huyện với người dân trồng rau. Do đó, dù rất khó khăn nhưng bằng mọi cách phải tập trung tháo gỡ, tìm đầu ra cho cây rau, bởi có đầu ra ổn định mới quyết định đầu tư đầu vào - sản xuất” - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, Đinh Ngọc Hùng bộc bạch.
 
Dòng sông Đa Nhim còn mải miết chảy theo năm tháng, có nghĩa là vùng rau Đơn Dương vẫn tồn tại phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá ngày một được “bảo chứng” bằng chất lượng cao hơn. Dòng “nước mắt” Đa Nhim sẽ vơi dần bởi sự no ấâm, phồn thịnh trên đôi bờ sông dẫu cho những ngày kiệt dòng nước, dân trồng rau phải xuống móc đất từ lòng sông để tắm táp cho rau. Cứ thế có một  “dòng sông rau” chảy mãi tới khôn cùng đời sống nơi miền đất hiền hoà Đơn Dương.

Ký sự: HỒ XUÂN TRUNG