Giải mã hình tượng rồng trong các bộ thư tịch triều Nguyễn

02:01, 18/01/2012

Hình tượng lưỡng long triều nhật hay lưỡng long triều nguyệt là một hình tượng không thể thiếu trong mỗi bộ thư tịch của mỗi triều vua nhà Nguyễn. Trong số các bộ thư tịch được vinh dự khắc đôi rồng với dáng vẻ uy nghi tượng trưng cho uy quyền thiên tử và thể hiện sự trang trọng cho bộ thư tịch ấy.

Hình tượng lưỡng long triều nhật hay lưỡng long triều nguyệt là một hình tượng không thể thiếu trong mỗi bộ thư tịch của mỗi triều vua nhà Nguyễn. Trong số các bộ thư tịch được vinh dự khắc đôi rồng với dáng vẻ uy nghi tượng trưng cho uy quyền thiên tử và thể hiện sự trang trọng cho bộ thư tịch ấy.

Trong các bộ thư tịch mà triều Nguyễn đã ban hành từ 1802 - 1945, tiêu biểu nhất là những bộ chính sử đồ sộ, được biên soạn công phu trải qua nhiều đời vua. Các bộ thư tịch chính sử này góp phần không nhỏ cho các nhà nghiên cứu về mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam dưới triều Phong kiến, như: Đại Nam thực lục được khắc in đến đệ lục kỷ, biên soạn trong vòng 88 năm, chưa kể phần phụ biên và đệ thất kỷ bản chép tay chưa kịp khắc in hiện còn lưu giữ tại Pháp, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chính biên toát yêu, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… Ngoài ra, còn có các bộ Ngự chế thi văn của các hoàng đế như Minh Mệnh ngự chế thi văn, Tự Đức ngự chế thi văn, Thiệu Trị ngự chế thi văn…

Trong các bộ sách này theo quan sát của chúng tôi, mỗi bộ sách đều được chạm khắc in hình tượng rồng ngay ở trang bìa một cách hết sức trang trọng. Hơn nữa, những trang bìa của sách này lại được in bằng mực son, làm nổi bật hình tượng thiêng hóa cho cuốn sách. Điều này lý giải tại sao chỉ có những bộ sách quan trọng của triều đình, hay của các bậc đế vương mới được khắc in hình tượng rồng như thế.

Dưới triều Nguyễn cơ quan được nhà vua giao cho biên soạn quốc sử là Quốc sử quán triều Nguyễn, cơ quan này có nhiệm vụ sưu tầm biên soạn chính sử và cho khắc in những bộ chính sử này cho được dài lâu. Quốc sử quán được đặt dưới sự giám sát của vua, và những bộ chính sử quan trọng đều phải được biên soạn công phu và được sự giám sát chặt chẽ của các đại thần có uy tín.

Có lẽ những hình tượng rồng trong các bộ sách này được vua cho phép khắc in trang trọng ở mỗi một bộ sách, thứ nhất để tượng trưng cho uy quyền của nhà vua cũng như là tầm quan trọng của bộ sách. Thứ hai là tượng trưng cho sức mạnh của nhà nước phong kiến thông qua chính sử của vương triều. Lưỡng long triều nguyệt, hay lưỡng long triều nhật, lưỡng long tranh trâu là những mô típ hết sức quen thuộc trong các bộ thư tịch này. Hình ảnh đôi rồng đối nhau cùng hướng lên mặt trời mặt trăng, hay hòn ngọc trân làm cho bộ thư tịch thêm phần sáng giá. Ngoài ra, nó còn biểu trưng rằng đó là vị vua có đức lớn. Trong kinh dịch hào cửu nhị có câu: Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân, tức là thấy rồng hiện lên ở trên ruộng lợi về thấy bậc đại nhân. Theo đó, khi rồng xuất hiện ở đó thì đã thấy được ông vua có đức lớn để thi hành đạo luật của mình, bên cạnh đó vị vua cũng có lợi là thấy được bề tôi có đức lớn để làm thành công sự nghiệp của mình, còn người trong thiên hạ thì sẽ được lợi về sự thấy người có đức lớn, để đội ơn huệ của họ.

Thấy rồng như thấy thiên tử, đó là người thay trời trị nước, mang lại ơn huệ cho dân chúng, vì thế biểu tượng rồng đầu tiên trước hết vẫn là dùng để biểu tượng cho vua. Chẳng thế mà ta có những thuật ngữ như: long ngai (ngai vàng của vua), long sàng (giường vua), long trì (ao vua), long bào (áo khoác của vua)… còn như những biểu tượng đôi rồng hướng nhật, nguyệt thì giống như là vị vua đang hướng lên những ánh sáng tinh tú nhất của đất trời nhật nguyệt. Nguyệt là trăng, nhật là mặt trời, hai thứ ánh sáng này kết hợp với nhau tạo nên chữ Minh, có nghĩa là cực sáng. Đôi rồng hướng lên hai thứ ánh sáng của mặt trời mặt trăng thì cũng như là vị vua đang hướng về ánh sáng để trở thành vị vua sáng nhất. Đó có lẽ là ý nghĩa lớn nhất cho biểu tượng này chăng? Nhưng ý nghĩa của đôi rồng trong các bộ thư tịch quan trọng của triều Nguyễn như thế nào đi nữa, thì bước sang năm Thìn này, đôi điều tản mạn về rồng chắc chắn sẽ là đề tài thú vị để tìm hiểu về hình tượng con rồng trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

NGUYỄN HUY KHUYẾN