Dưới chân núi Langbiang huyền thoại, các cô gái của buôn làng tộc K’Ho, Lạch như những bông hoa của núi rừng Tây Nguyên đang ngày đêm truyền dạy cho nhau các điệu múa cồng chiêng, với niềm đam mê và mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Mùa xuân về, vạn vật sinh sôi nảy nở, những đóa hoa đua nhau khoe sắc. Và, dưới chân núi Langbiang huyền thoại, các cô gái của buôn làng tộc K’Ho, Lạch như những bông hoa của núi rừng Tây Nguyên đang ngày đêm truyền dạy cho nhau các điệu múa cồng chiêng, với niềm đam mê và mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Cả mẹ và con hòa mình trong điệu múa cồng chiêng |
HOA CỦA NÚI RỪNG KHOE SẮC
Không biết từ bao giờ, những người con gái của núi rừng Langbiang (huyện Lạc Dương) ai cũng biết một vài điệu múa cồng chiêng. Có lẽ, cồng chiêng đã gắn bó với họ từ lúc mới chào đời bằng lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh cho đến khi trở về với đất mẹ với lễ bỏ mả. Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng, là biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên… âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng làm cho Tây Nguyên thêm hùng vĩ. Những điệu múa cồng chiêng Jốh Yàng Kuôê (Dâng thần linh sau khi thu hoạch mùa lúa mới), Bó Kuôê (Giã gạo đêm trăng), Cêng Dêng Huôê mhiu (Tiếng chiêng dâng cầu mưa), Cêng Proh Huôê bòn Lơgar (Tiếng chiêng Proh gọi bạn), Oh Mi (Tình anh em)… cứ âm vang quanh ngọn lửa bập bùng… Theo thời gian, sự “hiện đại hóa” của xã hội dần “thâm nhập” vào bản làng vốn yên bình, làm cho nhiều người con của núi rừng quên đi những nét đẹp chân chất vốn có, trong đó có những điệu múa cồng chiêng được xem như linh hồn của làng bản. Không cam chịu để nét văn hóa của dân tộc sẽ bị biến mất, những cô gái của buôn làng Bon Đưng I và II ở thị trấn Lạc Dương, không ai bảo ai, người đến trước dạy cho người đến sau, người biết dạy cho người chưa biết. Và thế là, những điệu múa cồng chiêng khi thì uyển chuyển, lúc lại dồn dập được các cô gái truyền cho nhau bằng tất cả lòng đam mê và tình yêu đối với buôn làng.
Kể từ khi biểu diễn cồng chiêng ở thị trấn Lạc Dương được cấp giấy phép hoạt động vào năm 2009, các đội cồng chiêng lại càng chăm chút cho những điệu múa, lời ca. Bởi vì, từ đây, ngoài những dịp lễ hội, biểu diễn cồng chiêng đã đem lại cho người dân nơi đây một nguồn thu nhập mới, giúp cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình. Ở những buổi giao lưu, khi ngọn lửa được thổi bùng lên và sau lời cầu nguyện thần nước, thần lửa theo tín ngưỡng của người dân trồng lúa cũng là khi ngọn lửa trong mỗi nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng cháy rực trong tiếng cồng, tiếng chiêng và điệu múa xoang Tây Nguyên của các cô gái dân tộc bản địa cũng xoay vòng trước mắt du khách. Ở Lạc Dương, hiện có 11 đội cồng chiêng, trong số đó, có hơn 80 nghệ nhân là nữ. Các cô gái tuổi từ 16 đến 25, mỗi người một công việc khác nhau như khi đêm xuống, công việc đã xong, các cô lại tập hợp nhau lại để dạy cho nhau những bài hát, điệu múa mới. Đa Guót Griuyng, 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp, cô về làm văn thư tại UBND thị trấn Lạc Dương, nhưng tối nào Griuyng cũng đến các điểm biểu diễn cồng chiêng để được hòa mình vào các điệu múa. Còn Cil Đuyn, Cil Oanh… buổi ngày đi làm vườn, làm thuê nhưng cứ đêm đến lại háo hức rủ nhau đi múa. Ngoài việc có thêm thu nhập, các cô gái còn được thỏa sức với những điệu múa giã gạo đêm trăng, múa sàng gạo, và hơn hết và được dạy lại cho những người chưa biết và được học thêm những điệu múa mới. Những tối các điểm giao lưu không có khách, các cô gái vẫn tập trung để có nhiều thời gian hơn truyền dạy cho nhau nhiều điệu múa, nhiều động tác mới. Các điệu múa cồng chiêng dành cho nữ chủ yếu dùng tay, chân và chuyển động của thân hình, có lẽ vì vậy mà các cô gái biểu biễn múa cồng chiêng ai cũng dẻo dai, mềm mại như những cánh hoa rừng.
RỒI NỤ SẼ NỞ THÀNH HOA…
Cứ lớp này đến lớp khác, các cô gái luôn mang trong mình niềm say mê với từng điệu múa khi tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên và cũng thế hệ này đến thế hệ khác, họ lại truyền dạy cho nhau để các điệu múa không bao giờ bị dừng lại. Những bé gái mới 3, 4 hay 5 tuổi cũng hòa theo điệu múa khi theo mẹ tham gia các buổi biểu diễn. Păng Ting Phruyn đã tham gia múa cồng chiêng được hơn 10 năm, từ khi cô còn là học sinh cấp II. Và giờ đây, cô con gái 3 tuổi Păng Ting Phon Ly cũng đòi mẹ bày cho các điệu múa. Khi ngọn lửa thổi bùng lên, tiếng cồng chiêng âm vang cũng là khi cả mẹ cả con cùng hòa vào điệu múa. Bà Păng Ting Sa Ly, chủ nhóm cồng chiêng Đạ P’lá (Tẹ - Saly), trước đây là Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Lát, tuy bận rộn với công việc nhưng bà vẫn thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn cồng chiêng. Giờ đây, tuổi đã nhiều, bà không còn tham gia biểu diễn nhưng bà đã truyền dạy lại cho các con mình bằng tất cả niềm đam mê. Không những con gái, mà cả các cháu gái tuy còn nhỏ những vẫn được bà dạy. Vậy là, nỗi trăn trở sợ 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa không còn ai kế thừa các điệu múa cồng chiêng của ông bà để lại đã không còn làm bà Sa Ly cũng như nhiều người lớn tuổi ở buôn làng này phải suy nghĩ. Vì dù có nhiều thay đổi, hiện đại hơn nhưng bản sắc văn hóa dân tộc - các điệu múa cồng chiêng vẫn được lưu truyền.
Câu hát “Em lên nương mang gùi trên vai như hoa trên đồi Langbiang…” trong bài hát “Hoa Langbiang” vẫn hàng đêm cất lên dưới chân núi Langbiang, các cô gái trong trang phục dân tộc, vai đeo gùi uyển chuyển trong từng điệu múa hòa trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng. Những cô gái ấy là những bông hoa Langbiang - hoa của núi.
TUẤN HƯƠNG