Sản phẩm nông nghiệp Lâm Đồng đã trở thành đặc sản đúng nghĩa, có mặt trên nhiều thị trường khắt khe về tiêu chí nhất. Tất cả những con số, điểm nhấn ấy tạo cho bức tranh toàn cảnh của nông nghiệp Nam Tây Nguyên trở nên sinh động đầy những sắc màu khám phá.
Tôi thích nhìn sự phát triển của ngành nông nghiệp Lâm Đồng dưới con mắt của một người thưởng lãm hội họa. Bức tranh phong cảnh đẹp ấy được phác nét cọ đầu tiên vào năm 1897 khi người Pháp đến và lập trạm nông nghiệp đầu tiên ở Đankia cho trồng thử nghiệm xà lách, khoai tây, bắp cải, dâu tây… trên diện tích gần 17 ha. Năm 1958, cũng lần đầu tiên 59 tấn rau trồng ở Đà Lạt được cấp visa “xuất khẩu” sang thị trường Singapore. Gần hơn, năm 2004, chương trình Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được khởi động. Và hiện tại, ở Đà Lạt cũng như các vùng chuyên canh rau hoa như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng… việc một héc ta sản xuất đem lại doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm đã không còn là điều quá ngạc nhiên. Sản phẩm nông nghiệp Lâm Đồng đã trở thành đặc sản đúng nghĩa, có mặt trên nhiều thị trường khắt khe về tiêu chí nhất. Tất cả những con số, điểm nhấn ấy tạo cho bức tranh toàn cảnh của nông nghiệp Nam Tây Nguyên trở nên sinh động đầy những sắc màu khám phá.
Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở xã Tân Hội - Đức Trọng |
ĐẦU TƯ TẬP TRUNG VÀO THẾ MẠNH
Chưa đến 10 năm khi chương trình NNCNC chính thức được khởi động, nhưng tác động tích cực của chương trình trọng tâm này đã mang đến sự phát triển vượt bậc và sinh khí mới cho ngành nông nghiệp của Lâm Đồng.
Hiện tại, toàn tỉnh đã có trên 10.900 ha canh tác ứng dụng CNC (tăng 4.500 ha so với năm 2010 và gần bằng diện tích giai đoạn 2004-2010). Trong đó, diện tích nhà kính là 1.696 ha, nhà lưới hơn 600 ha, màng phủ xấp xỉ 3.350 ha, tưới tự động trên 5.000 ha. Diện tích trên được tập trung chủ yếu vào các loại cây thế mạnh của Lâm Đồng như: rau (7.200 ha), hoa (2.500 ha), chè (611 ha)…
Việc tổ chức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao cũng đã đem lại giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với kiểu canh tác truyền thống. Có thể thấy rõ điều đó qua những con số cụ thể, sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 400 triệu đồng/ha/năm, gấp hai lần so với bình quân chung; trên cây hoa cao cấp đạt bình quân 800-1 tỷ đồng/năm/ha, cao gấp 1,6 lần so với bình quân chung; chè chất lượng cao đạt từ 150-250 triệu đồng/ha. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi cá nước lạnh đã đạt được doanh thu từ 4-5 tỷ đồng/ha/năm.
Theo dự tính vào đầu năm 2012, khu công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn nhất Việt Nam sẽ được hình thành tại Lâm Đồng. Trụ sở chính được đặt tại khu quy hoạch đô thị đại học ở xã Đạ Sar - huyện Lạc Dương, có tổng diện tích 250 ha, kinh phí đầu tư ban đầu vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Khu CNSH và NNUDCNC này sẽ tạo ra bước đột phá nhằm thu hút nguồn lực KH-CN, đưa các ứng dụng CNSH vào sản xuất NNCNC một cách đồng bộ và quy chuẩn. Qua đó, góp phần mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, vừa qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã có Nghị quyết riêng về vấn đề này trong giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, vùng sản xuất rau, hoa ứng dụng CNC tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà có tổng diện tích 10.000 ha. Vùng sản xuất chè CNC tại Bảo Lâm, Di Linh, Đà Lạt, Bảo Lộc là 8.000 ha. Vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC trong các khâu tưới tiêu, giống, quy trình canh tác, bảo quản chế biến sau thu hoạch tại Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương, Đam Rông, Đức Trọng, Đà Lạt, Bảo Lộc có diện tích lên đến 15.000 ha. Vùng lúa chất lượng cao ứng dụng khoa học ở các khâu giống, làm đất, gieo sạ, quy trình canh tác cũng có diện tích 4.500 ha. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quy hoạch phát triển chăn nuôi cá nước lạnh ở những vùng có điều kiện phù hợp trên địa bàn toàn tỉnh.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng đã khẳng định: Trong giai đoạn sắp tới, việc ứng dụng CNC vào khâu bảo quản sau thu hoạch, cao hơn nữa là công nghệ chế biến sau các sản phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng cũng sẽ được tập trung đầu tư.
ĐÍCH HƯỚNG ĐẾN
Đích đến của ngành nông nghiệp Lâm Đồng hướng tới chính là, Đà Lạt và vùng lân cận sẽ là trung tâm (không chỉ của cả nước) nghiên cứu sinh học, khảo nghiệm các loại giống cây trồng tầm cỡ. Đồng thời cũng là vùng sản xuất nông nghiệp an toàn bền vững, quy mô lớn phục vụ cho việc xuất khẩu.
Hiện tại, đã có rất nhiều các sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng xây dựng và khẳng định được thương hiệu như: Rau, hoa Đà Lạt; dứa Cayen Đơn Dương; chè B’Lao - Bảo Lộc; lúa gạo Cát Tiên; cà phê Di Linh. Bên cạnh đó, còn rất nhiều sản phẩm mang đặc trưng của vùng đất Nam Tây Nguyên cũng xứng đáng có được chỗ đứng trên thị trường.
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chính là tạo dựng cho thương hiệu Đà Lạt - Lâm Đồng có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường khu vực và thế giới. Vùng NNCNC Lâm Đồng sẽ hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo quy trình chuẩn, nâng sản lượng và giá trị xuất khẩu cao hơn nhiều lần so với hiện tại.
Hiện tại, Lâm Đồng được đánh giá là địa phương tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, đồng thời còn là trung tâm NNCNC lớn nhất của cả nước. Việc sản xuất của các doanh nghiệp, công ty cho đến các hộ gia đình, cá thể nhỏ lẻ đều đã được chuyển sang hướng ứng dụng CNC. Sự đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng, nhu cầu cao của thị trường thời hội nhập đã giúp cho ngành nông nghiệp Lâm Đồng có được sự thích nghi nhanh chóng. Chính sự chuyển mình kịp thời ấy, đã giúp cho ngành sản xuất nông nghiệp Lâm Đồng ngày càng tạo dựng được chỗ đứng, khẳng định giá trị thương hiệu và vươn lên phát triển ngày càng mạnh mẽ.
TUẤN LINH