Gần mười bảy năm làm quản đốc, qua hai lứa rừng trồng gần trăm ha trên đất Phú Sơn, Lâm Hà, anh Năm Hưng từ người bưng biền đất Cà Mau trở thành một người bạn thân thiện, đồng hành với từng khu rừng xanh lá biếc đất Lâm Đồng như đồng hành bảo vệ với chính nguồn sống đam mê của mình.
Một ngày cuối năm Tân Mão, anh Năm Hưng phải dậy từ sáng sớm thăm hết những khu đồi rừng rồi trở về “bản doanh” tiếp chuyện với tôi đúng lúc hơn 10 giờ trưa đã hẹn. Gần mười bảy năm làm quản đốc, qua hai lứa rừng trồng gần trăm ha trên đất Phú Sơn, Lâm Hà, anh Năm Hưng từ người bưng biền đất Cà Mau trở thành một người bạn thân thiện, đồng hành với từng khu rừng xanh lá biếc đất Lâm Đồng như đồng hành bảo vệ với chính nguồn sống đam mê của mình.
Đốc công Năm Hưng với chiếc xe máy tuần tra rừng |
Anh Hoàng Văn Dĩnh, cán bộ của Hạt Kiểm lâm Lâm Hà dẫn đường xe máy tôi chạy uốn lượn qua một khu đồi rừng thông trồng lâu năm bên đường Quốc lộ 27 - đoạn qua địa phận xã Phú Sơn, Lâm Hà. Xe gập ghềnh dưới vòng bánh những mảng đá cấp phối với dốc và dốc quanh co mấy cây số rồi mới chạm được cửa nhà anh Năm Hưng. Lúc này đã hơn mười giờ trưa mấy phút, một người đàn ông thế hệ “5x” mảnh khảnh chờ sẵn đón tôi với cái bắt tay sôi nổi: “Tôi vừa thăm rừng về, pha chế xong bình nước trà nóng này. Nhà báo biết không, rừng chúng tôi bao bọc gần trăm ha, chia thành 10 khu đồi, ngày nào tôi cũng phải cỡi xe máy đi tuần tra hết một lượt mới yên tâm. Đặc biệt, về cuối năm cũng là vào đầu mùa khô nên cần tập trung đôn đốc các công việc phòng chống cháy rừng như dọn thực bì, đào ranh cản lửa, lập chòi canh…”. Tôi bao quát một tầm nhìn, thu về trong mắt cả một rặng đồi nhấp nhô, chạy dài xanh biếc về phía chân trời. “Rừng thông non mới trồng một năm tuổi đấy. Còn trước đó là rừng keo lá tràm đã vừa thu hoạch xong theo hình thức cuốn chiếu” - anh Năm Hưng nói thêm.
“Keo ra đi. Thông trở về. Một hình thức thay màu lá biếc cho rừng sao mà hoàn hảo đến vậy”. Tôi chợt hình dung một sự hoán đổi ấy là cả một quá trình khó khăn và thử thách không kém phần khắc nghiệt, nên đề nghị anh Năm Hưng cho được trực tiếp tiếp xúc với cành cây, ngọn cỏ để cảm nhận phần nào “vị xanh” của rừng. Chiếc xe máy cũng mảnh khảnh như chủ nhân của nó lại được tận dụng “sở trường” nhanh nhẹn lên dốc rừng và xuống dốc rừng ghìm thắng nhẹ nhàng như đi trên đường bằng. “Bây giờ đi trên đường đá xây nền nén chặt, trải rộng ra giữa rừng xanh bao phủ, chứ ngày mới vào đây toàn là đường đá tảng với đồi đất trắng cây thì sao?” - anh Năm Hưng tâm sự bằng một câu hỏi nhưng đó cũng chính là câu trả lời “đường rừng nào cũng phải quen dần với người tâm huyết, hết lòng yêu thích với rừng”. Đến đây, cán bộ kiểm lâm Hoàng Văn Dĩnh đã “định vị” cho biết thêm với toàn bộ khu rừng lá biếc: “Về địa giới hành chính thì đây là khu núi rừng thuộc thôn Quyết Thắng, xã Phú Sơn, Lâm Hà. Về lâm phần thì đây thuộc Tiểu khu 246, nguyên trước năm 1995 là vành đai cây bụi, cây tạp, cỏ tranh… chằng chịt án ngữ giữa vùng đất cà phê trù phú Phú Sơn…”. Vậy là sau gần 17 năm trao đến phần anh Năm Hưng xứ Cà Mau làm quản đốc nhận đất trồng rừng, toàn bộ khu đồi Quyết Thắng xứ Lâm Đồng này có thể nói mới thực sự hồi sinh. Tôi rong ruổi với cung đường thông tuyến nội bộ đã xuyên qua gần 100 ha rừng lá biếc rười rượi với chiều dài khoảng 7 cây số, xây dựng liên tục trong 2 năm qua với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Nguồn vốn này có được từ nhiều nguồn thu khác nhau thu hoạch từ rừng. Hay nói một cách hình ảnh mà dễ hiểu hơn, đó là nguồn vốn lấy từ nguồn nguyên liệu rừng để nuôi dưỡng màu lá biếc cho rừng.
Tôi đến bên hàng thông xanh non, từng cây từng cây với cành nhánh xanh ngát, cây vươn cao đến 3 mét sau gần một năm trồng, hỏi mất bao nhiêu tiền để nuôi cây bám rễ được chừng này, anh Năm Hưng chia sẻ: “Kể lại những nguồn vốn từ ngày đầu tiên vào trồng rừng thì phải cộng nhiều phép cộng, nhân nhiều phép nhân mới kể hết được! “. Thời gian ấy là thời gian quần quật từ năm 1995 đến năm 2000, anh Năm Hưng gần như sớm sớm chiều chiều hàng ngày làm đốc công cho từ 50-60 lao động địa phương vào đào hố trồng cây cà phê, trồng cây muồng chắn gió và trồng cây keo lá tràm lấy gỗ. Giống cà phê trồng 2 giống chính gồm catimor và robusta, trồng ven thung lũng dưới chân từng ngọn đồi. Trồng chắn gió cho cây cà phê là trồng cây muồng đen, trồng theo quy cách cây cách cây 4m, hàng cách hàng 6m; trồng 450 cây trên mỗi ha. Và keo lá tràm thì trồng theo số lượng quy định trên mỗi ha là 2.500 cây. Tính mốc thời gian đến năm 1998, anh Năm Hưng đã đốc công trồng hoàn thành 30 ha cà phê, trên đó phân bổ đều 13.500 cây muồng đen chắn gió trên từng thửa vườn cà phê. Cột mốc thời gian đến năm thứ 2 là qua đến năm 2000, rừng keo lá tràm đã khép kín trên 70 ha. Cây keo cuối cùng vừa xuống thì cây keo đầu tiên đã 4 năm tuổi. “Trồng đến đâu học hỏi kỹ thuật đến đó. Trồng cà phê thì hỏi nơi bán giống, hỏi nông dân quanh vùng. Trồng muồng chắn gió, keo lá tràm thì hỏi cán bộ lâm nghiệp xã, huyện…” - anh Năm Hưng thật lòng.
Đất Phú Sơn, Lâm Hà mưa thuận, gió hoà, cây nhanh phát triển sau một mùa mưa trồng, tỷ lệ sống đạt đến hơn 95%. Thời điểm những vạt rừng keo trồng cuối cùng nẩy chồi non lộc biếc thì cà phê catimor và robusta cũng bắt đầu thu hoạch rộ hàng năm. Cà phê là cây công nghiệp dài ngày nhưng được thu hoạch hàng năm, bán lấy tiền để đầu tư chăm sóc rừng keo, trung bình sản lượng từ 3 tấn đến 3,5 tấn nhân cà phê trên mỗi ha mỗi năm. Keo lớn dần lớn dần dưới bàn tay chăm sóc trực tiếp của 50 lao động địa phương Phú Sơn (cộng thêm đốc công Năm Hưng nữa là 51 lao động), năm 2004, những vạt keo trồng đầu tiên đã cao lớn từ 10 mét trở lên, đường kính từ 20cm đến 30cm lần lượt đi vào kỳ thu hoạch. Cứ mỗi năm khai thác đến hơn 10 ha, khai thác đến năm 2010 là xong một vụ “mùa rừng” với sản lượng trung bình 120 mét khối mỗi ha. Một hàng cây keo lá tràm vừa trở thành những thân gỗ chuyển ra thị trường thì một hàng thông non thay thế mới trồng xuống. Đầu năm 2010 khai thác hết diện tích gỗ keo cuối cùng thì đến tháng 9/2011, thông non 3 lá cũng đồng thời phủ xanh hết những hàng đất trống còn lại. Mật độ trung bình mỗi ha đất rừng cũng trồng khoảng từ 2.200 - 2.500 cây thông giống cao trên dưới nửa mét.
10 năm nữa, thông trồng trên đồi Quyết Thắng sẽ cho những dòng nhựa đầu tiên |
Thời gian đến năm mới Nhâm Thìn thì còn hơn 33 năm nữa, doanh nghiệp của người họ hàng anh Năm Hưng mới hết hợp đồng nhận đất trồng rừng ở khu đồi Quyết Thắng, Phú Sơn, Lâm Hà. Theo phép ước tính, rừng này sẽ bắt đầu thu được những dòng nhựa thông đầu tiên vào khoảng 10 năm tới. Nguồn lợi về rừng trồng Quyết Thắng đã và đang còn mênh mông, bát ngát. Nhưng điều mênh mông bát ngát hơn đối với anh Năm Hưng là tâm huyết, là quyết tâm không để màu xanh biếc của rừng bị thiếu vắng dù là một mảng màu nhỏ nhất. Nhớ hồi mùa khô năm 2009, anh Năm Hưng nghe cấp báo cháy rừng từ các đội canh trực, liền phóng xe máy lên hiện trường chỉ đạo. Gần 50 công nhân của rừng có mặt nhanh ở khu rừng cháy, khẩn trương dùng cành cây rừng dập lửa rừng. Sau một tiếng đồng hồ ngọn lửa được thổi tắt, để lại thiệt hại 0,5 ha rừng thông trồng 2 năm tuổi và gần 3 ha rừng keo lá tràm chuẩn bị thu hoạch. Tìm hiểu nguyên nhân là do bà con đốt dọn cỏ rác những khu vườn lân cận để sơ suất khiến lửa bén ngọn cháy lan. Thay vì khiếu nại làm sự việc thêm nghiêm trọng, anh Năm Hưng trực tiếp xuống khu vực dân cư gặp bà con lưu ý về những cách phòng ngừa cháy rừng khi cải tạo đất, làm vườn; việc giữ màu xanh biếc cho rừng là giữ cho môi trường sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp bền vững cho bà con. Từ ấy cho đến nay, đồi rừng lá biếc Quyết Thắng của đốc công Năm Hưng không tái diễn một ngọn lửa cháy nào nữa.
Mười bảy năm gắn bó với đồi rừng lá biếc Quyết Thắng, Phú Sơn, Lâm Hà, anh Năm Hưng đón chào năm mới Nhâm Thìn với tuổi 55. Anh Năm Hưng cưới vợ cũng là người đồng hương miền Tây rồi lập nghiệp ổn định với rừng lá biếc Quyết Thắng, sinh ra 2 người con gái và một người con trai. Con gái lớn nhất đã bước vào tuổi mười ba; con trai nhỏ nhất đang lên hai, cả ba trẻ đều khoẻ mạnh tươi xanh như cây rừng trồng bên con suối quanh nhà. “Mai này, các con tôi lớn lên, tôi tin các con tôi sẽ tiếp bước nhận bàn giao với tình yêu và lòng say mê rừng từ cuộc đời của tôi nơi quê thứ hai - Phú Sơn, Lâm Hà - nơi đã tạo nên cơ nghiệp vững bền cho tôi khởi nguồn từ vùng rừng lá biếc…”.
Bút ký: VĂN VIỆT