Về buôn cũ trồng lại rừng

02:01, 18/01/2012

Buôn có từ bao giờ, chẳng còn ai nhớ. Dấu tích của Păng Bung xưa chỉ còn phảng phất trong tiếng vọng của đỉnh Kon Ngà, tiếng thở nơi đầu nguồn của con nước R’Heng. Trên nền đất hoang phế cũ, giờ đã là những cánh rừng thông xanh mới nhú, khẽ vươn mình đón gió hát khúc giao mùa.

Buôn có từ bao giờ, chẳng còn ai nhớ. Dấu tích của Păng Bung xưa chỉ còn phảng phất trong tiếng vọng của đỉnh Kon Ngà, tiếng thở nơi đầu nguồn của con nước R’Heng. Trên nền đất hoang phế cũ, giờ đã là những cánh rừng thông xanh mới nhú, khẽ vươn mình đón gió hát khúc giao mùa.

Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, ông Ha Poh phổ biến các thông báo, chỉ thị, nghị định về cách trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng cho bà con
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, ông Ha Poh phổ biến các thông báo, chỉ thị, nghị định về cách trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng cho bà con

Ngồi trong căn lều tạm ở giữa buôn cũ, già Ha Poh nhớ lại: Păng Bung ngày mình sống là một ngôi làng yên bình, có khoảng 25 nóc nhà. Trước giải phóng, do chiến tranh bom đạn, nên làng tứ tán. Người thì ngược lên Păng Tin, Đạ Ngịt phía Lang Biang, nhà thì xuôi dốc núi xuống buôn R’Teung, Đạ Dâng. Đây đã là lần thứ hai mọi người trở về làng cũ, lần trước cách đây 6 năm, khi đó mọi người tìm về Păng Bung để lập lại làng nhưng không được vì khu vực này đã là đất rừng thuộc Tiểu khu 229 thuộc địa phận xã Phú Sơn. Lần trở lại thứ hai này là được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho về để trồng rừng bằng vốn tự có, hỗ trợ vốn theo chương trình Nghị quyết 30a nhằm phát triển kinh tế, có thu nhập để xoá bỏ cái đói, cái nghèo.

TRỒNG RỪNG GIỮA RỪNG

35 héc ta rừng thông trồng giữa đỉnh Kon Ngà, vùng giáp ranh giữa Lâm Hà và Lạc Dương, trước đây vốn là một ngôi làng cũ. Phần lớn người dân sống ở đây ngày trước đều đang cư trú ở thôn Đa Dâng, xã Liên Hà (Lâm Hà). Những hộ dân này chia thời gian trong tháng thành hai nửa rõ rệt, ngày ở nhà chăm sóc đồng áng, buổi lên rẫy làm cỏ giữ cây.

Giữa rừng trồng, có khoảng 10 túp lều tranh được dựng lên, trông như một ngôi làng “cổ tích” là nơi ở của 32 hộ nghèo từ Đạ Dâng về lại buôn xưa để trồng rừng. Cánh rừng thông hy vọng ấy, đang lên xanh theo đúng nghĩa. Cây lớn nhanh, khoẻ sau bốn năm được tưới tắm bằng mặn ngọt mồ hôi của rất nhiều người.

Cùng với 32 hộ nghèo ở thôn Đa Dâng thường xuyên lên Păng Bung trồng, chăm sóc rừng còn có dấu chân của một người phụ nữ đã gần ở cái tuổi ngũ tuần. Chị học lâm nghiệp tận Quảng Ninh, tốt nghiệp ra trường và gắn bó với rừng Nam Tây Nguyên từ năm 1985. Làm Phó ban chuyên trách Lâm nghiệp xã Phú Sơn của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, người phụ nữ có cái tên mộc mạc Nguyễn Thị Lài đã gần như là “người trong nhà” của bà con trồng rừng nơi đây. Chị cười thật thà: “Mình cũng giống như bà con, niềm vui lớn dần theo chiều cao của thông. Vì thế mà mỗi buổi lên rừng đều không còn thấy mệt”.

Buôn cũ, nơi trồng rừng cách xa chỗ ở hiện tại. Nhưng hàng tháng Kon Sa Ha Chú vẫn đều đặn lên đây 3 lần. Anh lên để làm cỏ vào mùa mưa, đốt thực bì trước mùa khô phòng chống cháy rừng. Anh nói, hơn một mẫu rừng thông do mình trồng và chăm sóc đang lớn từng ngày, chúng là hy vọng về một cuộc thay đổi để thoát khỏi sự ám ảnh về cái đói nghèo cho gia đình mình đấy.

Sau mỗi lần người dân đến rồi đi khỏi Păng Bung, cả khu vực này gần như trơ trọi. Không gian bức bối vì đất bạc màu sau những trận mưa rừng nay đã được “sơn phủ” bằng màu xanh mát lành của thông.

Ông Lê Hồng Nhân - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban không giấu nổi sự tự hào về cánh rừng hoàn toàn do bà con người đồng bào dân tộc thiểu số gốc bản địa được trồng ngay trên chính mảnh đất cha ông của họ: Không phải riêng tôi, mà các đồng chí lãnh đạo của huyện cũng rất tâm đắc và thán phục về sự đồng lòng, quyết tâm của bà con khi đến đây trồng rừng. Theo như tôi biết, thì đây là cánh rừng trồng có chất lượng và sự phát triển gần như hoàn hảo. Đáng ghi nhận hơn, bởi rừng được trồng bằng mồ hôi công sức của chính đồng bào dân tộc thiểu số.

Vượt qua những hoài nghi, suy nghĩ phiến diện về quan điểm “người đồng bào không biết trồng rừng” của nhiều người, những người con của Păng Bung xưa đã trở về buôn cũ cùng với niềm tin vào ngày “lớn lên” của những cánh rừng thông.

NHỮNG NGƯỜI LÊN RỪNG

Cánh rừng trồng có “tuổi đời” hơn bốn năm của người dân Păng Bung cũ nằm lọt thỏm giữa bao la của rừng già. Có cảm giác như 35 héc ta thông trồng ấy như những đứa con nhỏ bé, sau những ngày đi xa nay trở về lại “ngoan ngoãn” nằm cuộn mình trong vòng tay bao dung chở che của mẹ đại ngàn.

Với Ha Poh đây là cuộc trở về đúng nghĩa. Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, ông vẫn “lạc bước” nằm lại rừng trên buôn cũ với danh nghĩa “đại uý lực lượng Fulro”. Những trận sốt rét, khát đói lả người, niềm tin ngộ nhận đã cạn kiệt cũng như được cán bộ cách mạng giác ngộ, cảm hoá, đã giúp cho ông tìm được lối về với gia đình. Tôi thích cái cách sau mỗi buổi lao động, bà con ngồi tập hợp nơi bóng mát nghỉ ngơi trà thuốc, ông đứng đó đọc các thông báo, chỉ thị, nghị định về cách trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng cho mọi người nghe bằng cả hai thứ tiếng Kinh - Cill. Giọng ông to, rõ ràng, không vướng vấp khi giải thích. Nhẫn nại, tỉ mẩn khi có ai đó chưa hiểu. Ông nói với tôi, bây giờ tuổi đã cao, nhưng mình vẫn phải lên rừng để cùng làm, cùng ăn và giải thích những điều bà con chưa hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
 
Ngày đến Păng Bung, tôi cũng được ăn bữa cơm tươm tất gồm thịt heo kho và canh bí nấu xương, hay món quà thơm thảo của rừng như cà đắng, ớt chỉ thiên… Liêng Hot K’Giêt là người thổi lửa và vun vén cho “bữa tiệc” ngọt lành ấy. Cũng lên rừng lao động như mọi người, chị nghỉ sớm trước hơn nửa giờ đồng hồ của buổi lao động, nhóm củi, bắc bếp để lo cơm nước cho khoảng 7 người ăn. Ở Păng Bung xưa, trong những chiếc lều dựng tạm để trồng rừng có khoảng năm bếp lửa, nấu ăn chung như thế sau mỗi ngày lao động mệt mỏi.

Ngoài những đợt lao động tập trung, rừng trồng ở tiểu khu 229 thuộc địa phận xã Phú Sơn do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban quản lý cũng luôn được các hộ luân phiên cắt cử người trực trông coi. Trong những chiếc lều tạm bợ ấy luôn có hơi ấm của người, và vì thế rừng cũng bình yên.

Có một sự trùng lặp đến ngẫu nhiên mà tôi vẫn không muốn giải thích bằng khoa học. Ở trên đỉnh Kon Ngà, nơi có dòng suối đầu nguồn R’Heng chảy xuôi đổ về sông Đạ Dâng cũng là nơi đã khai sinh ra một buôn làng Tây Nguyên bình dị có tên Păng Bung. Giờ những người con của làng cũ đang sống ở bên cạnh dòng Đạ Dâng phóng khoáng cũng đã có ngày trở về để trả nghĩa cho buôn, cho rừng. Bỗng dưng tôi chắc chắn tin rằng, nước Đạ Dâng sẽ không dậy sóng, đỏ ngầu giận dữ mỗi khi mùa mưa đến.

Phóng sự: ĐẶNG TUẤN LINH