Xây dựng Đà Lạt năng động, mộng mơ

10:01, 17/01/2012

Vẫn bảng lảng sương, vẫn ngút ngàn thông, vẫn những ngôi biệt thự cổ kính, vẫn những con dốc chênh vênh bước chân người qua... nhưng Đà Lạt không còn là thành phố buồn, lặng lẽ! Như một nàng công chúa xinh đẹp ngủ quên trong lâu đài, Đà Lạt bừng tỉnh giấc, tràn đầy sức sống.

Vẫn bảng lảng sương, vẫn ngút ngàn thông, vẫn những ngôi biệt thự cổ kính, vẫn những con dốc chênh vênh bước chân người qua... nhưng Đà Lạt không còn là thành phố buồn, lặng lẽ! Như một nàng công chúa xinh đẹp ngủ quên trong lâu đài, Đà Lạt bừng tỉnh giấc, tràn đầy sức sống. Sau 2 năm lên đô thị loại I, thành phố đã có những bước phát triển nhanh về KT-VH-XH. Trở thành thành phố Festival Hoa Việt Nam là niềm tự hào của người dân Đà Lạt. Và, Đà Lạt đang hướng đến xây dựng một đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường.

Đà Lạt đêm hội
Đà Lạt đêm hội. Ảnh MPK

THÀNH TỰU “ĐỘT PHÁ”

Những con số “biết nói” đã phản ánh những thành tựu đạt được của thành phố Đà Lạt những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện chương trình “đột phá, tăng tốc”. Đồng chí Đoàn Văn Việt - UVBTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Đà Lạt cho biết: Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Lạt đạt 17,7%, GDP bình quân đầu người 26,6 triệu đồng. Phần lớn các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đều tăng: Nông nghiệp tăng 8,3%, công nghiệp - xây dựng tăng 15,5% và ngành du lịch - dịch vụ tăng 18,5%. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 42,7 triệu USD, vượt 18,7%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội 3.672 tỷ đồng, đạt 114,8%. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 678 tỷ đồng, đạt 102% chỉ tiêu pháp lệnh tỉnh giao, bằng 108% so cùng kỳ. Tổng lượng khách đến tham quan du lịch đạt khoảng 2,75 triệu lượt, đạt 101% KH; số ngày lưu trú bình quân đạt 2,4 ngày/lượt khách, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 7,6%. Cây trồng Đà Lạt đạt doanh thu hàng đầu cả nước: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được đẩy mạnh, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt từ 150-170 triệu đồng/năm, trong đó có những cây trồng đạt hiệu quả cao như hoa đạt doanh thu 500-600 triệu/ha, rau cao cấp 400-500 triệu/ha, cây cà phê và chè chất lượng cao bình quân đạt 220-240 triệu đồng/ha. Đặc biệt, với giống hoa ly cao cấp đã đưa doanh thu lên đến trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Công tác quản lý đô thị, xây dựng cơ bản được tăng cường. Có nhiều chuyển biến trong lập lại trật tự, cảnh quan môi trường. Các dự án, công trình trọng điểm tiếp tục được đầu tư xây dựng...

Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả. Giáo dục, đào tạo tiếp tục được quan tâm phát triển, chất lượng giáo dục được nâng cao. Công tác khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế quốc gia được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 1,3%, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 10,1%; giải quyết việc làm mới cho 3.700 lao động. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hoá là 90%; số khu phố, thôn đạt văn hoá 93,5%. Tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch, hợp vệ sinh 99%.

Đạt được kết quả đó là do sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ thành phố Đà Lạt cộng với sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thống nhất nhận thức và quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2011.

KỲ VỌNG MỘT ĐÔ THỊ ĐẸP HƠN!

Thành phố Đà Lạt đang đứng trước thách thức về bảo tồn không gian kiến trúc, cảnh quan đặc trưng. Đà Lạt là thành phố du lịch nghỉ dưỡng, một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất cả nước. Tuy nhiên, các công trình có tính chất lịch sử, văn hoá và khu vui chơi giải trí, các danh lam thắng cảnh, kể cả các khu nghỉ dưỡng và bầu không khí trong lành mát mẻ mà thiên nhiên ưu đãi cho TP Đà Lạt dường như ngày càng thu hẹp. GS.TS William S.W Lim - Chủ tịch Hội kiến trúc sư châu Á cho rằng: Đất ở thành phố Đà Lạt không thể định lượng thông qua các dự án phát triển “đơn phương” từ một lợi ích cục bộ nào đó, theo lý lẽ thông thường là càng nhiều tiền càng được nhiều diện tích xây dựng mà cần tôn trọng ứng xử “nhân văn” với ý tưởng ban đầu “thành phố Đà Lạt là một đô thị phong cảnh” (đồ án quy hoạch của Hebrard năm 1923) của hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Biệt thự Đà Lạt.  Tranh sơn dầu: Vi Quốc Hiệp
Biệt thự Đà Lạt. Tranh sơn dầu: Vi Quốc Hiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng vai trò, chức năng của đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của quốc gia và có ý nghĩa quốc tế. Quy hoạch phát triển không gian TP Đà Lạt phải được đặt trong mối quan hệ không gian vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và vùng Tây Nguyên. Yêu cầu quy hoạch chung TP Đà Lạt để đáp ứng các nhu cầu phát triển mở rộng không gian KT-XH của thành phố trong vùng phụ cận có điều kiện về độ cao địa hình, khí hậu, cảnh quan, thảm thực vật, thổ nhưỡng... tương đồng với thành phố, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái rừng, phát triển đô thị, bảo vệ rừng và nguồn nước, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Hạn chế mở rộng khu vực nội thành hiện hữu, phát triển các khu vực đô thị, khu đô thị mới gắn với các khu vực động lực phát triển kinh tế như khu làng đại học, khu du lịch, khu công nghiệp công nghệ cao, khu thể dục thể thao, sân bay... tại các khu vực ngoại thành và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Hạn chế phát triển các khu dân cư đô thị dọc theo các tuyến giao thông hướng vào trung tâm thành phố. Tổ chức các vùng đệm giữa khu vực nội thành với các khu vực đô thị bằng các không gian xanh như: Rừng thông, vùng trồng hoa, các khu du lịch sinh thái...; bảo vệ diện tích rừng thông và hồ trong thành phố. Định hướng phát triển các khu vực dân cư nông thôn phải trên nguyên tắc phù hợp với mô hình sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp trồng hoa, rau... và môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Xác định các khu vực cần cải tạo, chỉnh trang để đảm bảo hài hoà với định hướng phát triển không gian của thành phố.

Về thiết kế đô thị: Đề xuất các vùng kiến trúc, cảnh quan trên cơ sở phát huy các đặc trưng về địa hình, bảo vệ các rừng đặc dụng, rừng thông tự nhiên, mặt nước; bảo tồn di sản kiến trúc đô thị. Tổ chức mạng lưới giao thông phù hợp với điều kiện địa hình, hạn chế san gạt địa hình tự nhiên và tạo taluy; kết nối với các vùng kinh tế, kết nối các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia, quốc tế; đề xuất hệ thống giao thông công cộng phục vụ du lịch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Các giải pháp thoát nước thải và thu gom xử lý chất thải rắn phải đảm bảo áp dụng kỹ thuật hiện đại, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên và cảnh quan đô thị.

Như vậy, Đà Lạt theo điều chỉnh của quy hoạch mới này sẽ trở thành đô thị nổi bật hơn với các tính chất: Trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hoá dịch vụ và đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ cấp quốc gia; trung tâm giao thương quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp và bảo vệ sự đa dạng sinh học. Xây dựng theo đúng với quy hoạch thì Đà Lạt sẽ là thành phố năng động nhưng vẫn mộng mơ…

HỒ LAN