Chân đất làm nông nghiệp công nghệ cao

02:01, 25/01/2013

Thời gian gần đây, phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao không chỉ phát triển mạnh ở thành phố hoa Đà Lạt mà còn lan toả mạnh mẽ đến các vùng lân cận. Từ đó, nhiều nông dân chân lấm tay bùn lâu nay, đã trở thành những ông chủ trang trại nông nghiệp công nghệ cao.

Thời gian gần đây, phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao không chỉ phát triển mạnh ở thành phố hoa Đà Lạt mà còn lan toả mạnh mẽ đến các vùng lân cận. Từ đó, nhiều nông dân chân lấm tay bùn lâu nay, đã trở thành những ông chủ trang trại nông nghiệp công nghệ cao.

Hoa hồng khoe sắc vườn cựu chiến binh

Trong không khí của những ngày tết đến xuân về, gia đình CCB - thương binh 3/4 Nguyễn Tế ở tổ dân phố Hợp Thành, thị trấn Lạc Dương đang tất bật trên vườn hoa hồng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Sau một năm làm việc vất vả, cây hoa hồng - giống cây chủ lực trong mô hình sản xuất của gia đình ông Tế đã ngày càng bám rễ cho thu nhập ổn định, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Theo nhẩm tính của ông Tế - hộ nông dân sản xuất giỏi của huyện thì với 3 sào trồng trong nhà kính bán ra trong dịp tết này, gia đình ông thu về cả trăm triệu đồng, hứa hẹn một cái tết no ấm, sung túc. Đó là chưa kể 2 sào hoa cúc đang trong thời kỳ trổ bông chờ thu hoạch.

CCB - thương binh Nguyễn Tế, đang tất bật với vườn hồng chuẩn bị thu hoạch phục vụ thị trường tết
CCB - thương binh Nguyễn Tế, đang tất bật với vườn hồng chuẩn bị thu hoạch phục vụ thị trường tết


Sau khi xuất ngũ năm 1992, CCB Nguyễn Tế quyết định vào quê hương Lâm Đồng lập nghiệp. Cũng như nhiều người sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ, gia đình ông chủ yếu sản xuất các mặt hàng lơ-ghim để bán cho tư thương, đầu ra không ổn định, sản xuất manh mún nên khó khăn chồng chất. Quyết đổi đời, làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình, để tăng năng suất chất lượng cây trồng, CCB Nguyễn Tế đi tìm hiểu ở nhiều nơi, học hỏi kỹ thuật kinh nghiệm trồng hoa hồng ở các mô hình trong và ngoài tỉnh. Sau khi nắm bắt được các yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc, ông bàn bạc với gia đình đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển cây hoa trong hệ thống nhà lưới, nhà kính. Đất đã không phụ công người chăm sóc, các loại hoa mà nhất là cây hoa hồng của gia đình ông đều phát triển tốt, chất lượng hoa sắc nét và cho thu nhập ổn định. Theo CCB Nguyễn Tế, để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, ngoài sự đầu tư thì yếu tố quan trọng đó là không ngừng tiếp cận, học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong canh tác.

Mạnh dạn trong đầu tư phát triển cộng với đức tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, CCB Nguyễn Tế đã biến vùng đất trũng trước đây chủ yếu trồng lúa nước một vụ, trở thành “tấc đất, tấc vàng” cho thu nhập tiền tỷ từ trồng hoa hồng theo hướng công nghệ cao. Không chỉ hăng hái trong lao động sản xuất, CCB Nguyễn Tế còn tích cực tham gia công tác xã hội, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, được Hội Nông dân thị trấn Lạc Dương công nhận là gia đình sản xuất giỏi.

Lão nông làm nông nghiệp công nghệ cao

57 tuổi đời và gần 30 năm gắn bó với cây rau trên đồng ruộng gia đình, lão nông Nguyễn Văn Tuyến - thôn Quỳnh Châu Đông, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương nay đã trở thành chủ trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt lão nông Nguyễn Văn Tuyến khi những luống ớt ngọt trồng trong nhà lưới đang thời kỳ kết trái chuẩn bị cho thu hoạch
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt lão nông Nguyễn Văn Tuyến khi những luống ớt ngọt trồng trong nhà lưới đang thời kỳ kết trái chuẩn bị cho thu hoạch


Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến vốn gắn bó với nghề nông bao đời nay với cây trồng truyền thống tại địa phương như khoai tây, bắp sú. Bao nhiêu năm kinh nghiệm với cách trồng trọt theo lối truyền thống với cây trồng quen thuộc, nay làm nông nghiệp công nghệ cao lúc đầu nhà nông Nguyễn Văn Tuyến hơi bỡ ngỡ, lúng túng. Nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương cũng như không ngừng tìm tòi học hỏi của bản thân, ông Tuyến đã nắm rõ được kỹ thuật cũng như lợi ích của nông nghiệp công nghệ cao. Đầu năm 2012, gia đình ông Tuyến đầu tư hơn 400 triệu đồng làm 5 sào nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt để chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Giống cây được ông Tuyến chọn trồng trong nhà lưới của mình là cây ớt ngọt, một loại cây trồng cao cấp tại địa phương. Ông chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cây ớt ngọt này đã được hai tháng rồi và hiện nay đang chuẩn bị cho thu hoạch. Giá hiện nay công ty đặt mua là 14 ngàn đồng/kg và dự kiến vụ đầu tiên này gia đình tôi sẽ thu về hơn 100 triệu đồng từ vườn ớt ngọt này. Và cây ớt ngọt sau một lần trồng thì cho thu hoạch cả năm. So với những cây trồng khác trồng ngoài trời thì cây ớt ngọt trồng trong nhà lưới sẽ cho thu nhập cao gấp gần 10 lần. Trước đây làm nông nghiệp theo lối truyền thống rất vất vả và hiệu quả không cao, đổ ra bao nhiêu công sức tiền của nhưng vụ được vụ mất, vừa làm vừa lo. Còn nay làm trong nhà lưới với hệ thống phun tưới nhỏ giọt thì mình chủ động được mùa vụ, giảm được chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu và ngày công lao động. Từ khi làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều công ty cũng đã đặt hàng thu mua tiêu thụ sản phẩm của gia đình tôi”.

Nông nghiệp công nghệ cao dưới chân núi LangBiang

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh Đa Gout Noa đã đầu tư xây dựng 500m2 nhà kính với hệ thống phun tưới tự động để làm nông nghiệp công nghệ cao. Để đến với sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, anh đã tham gia nhiều lớp tập huấn do Trung tâm Nông nghiệp huyện cũng như các ngành chức năng tổ chức. Trong lúc triển khai có điều gì thắc mắc, khó khăn anh lại gọi điện hỏi các cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện và được hướng dẫn, giải đáp thoả đáng. Đến nay, mô hình sản xuất rau pó xôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính của gia đình anh đã trở thành tâm điểm chú ý của các hộ đồng bào dân tộc tại địa phương. Nhiều người dân địa phương đã đến tham quan, tìm hiểu học hỏi mô hình của gia đình anh, vì đây là một trong những hộ đầu tiên của đồng bào Lạch (Cờ Ho) ở thôn Đan Kia, xã Lát (huyện Lạc Dương) làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Chủ nhân Khu nông nghiệp công nghệ cao dưới chân núi LangBiang - Đa Gout Noa
Chủ nhân Khu nông nghiệp công nghệ cao dưới chân núi LangBiang - Đa Gout Noa


Hiện nay, anh Đa Gout Noa với những kinh nghiệm sẵn có của mình, nhiệt tình hướng dẫn bà con đồng bào dân tộc Lạch tại địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư trồng rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Trong thời gian tới, gia đình anh cũng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nhà lưới, nhà kính để trồng rau sạch theo hướng công nghệ cao. Ông Thân Xuân Quý - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết: “Thời gian gần đây nông nghiệp công nghệ cao đã phát triển mạnh ở địa phương. Có nhiều hộ đồng bào dân tộc tại địa phương đã tiếp cận với nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay chúng tôi đang hỗ trợ 3 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Anh Đa Gout Noa là một trong những hộ dân tộc đầu tiên thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Từ những mô hình này, trong thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng cho các bà con dân tộc khác tại địa phương để họ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập đời sống”.

DUY DANH