Vào những ngày cuối năm Nhâm Thìn, chúng tôi có dịp trở lại xã Lộc Thanh (thành phố Bảo Lộc). Một cảm nhận ban đầu rất ấn tượng về hình ảnh của một nông thôn mới (NTM) ở Lộc Thanh là hệ thống đường giao thông nông thôn. Từ đường xã, đường thôn đến đường xóm đã và đang được chỉnh trang, mở rộng, tạo bộ mặt nông thôn Lộc Thanh đổi thay và đẹp lên từng ngày.
Vào những ngày cuối năm Nhâm Thìn, chúng tôi có dịp trở lại xã Lộc Thanh (thành phố Bảo Lộc). Một cảm nhận ban đầu rất ấn tượng về hình ảnh của một nông thôn mới (NTM) ở Lộc Thanh là hệ thống đường giao thông nông thôn. Từ đường xã, đường thôn đến đường xóm đã và đang được chỉnh trang, mở rộng, tạo bộ mặt nông thôn Lộc Thanh đổi thay và đẹp lên từng ngày.
Đường Lộc Thanh ngày càng rộng, sạch và đẹp |
Mỗi lần đến Lộc Thanh, trong tâm chúng tôi không bao giờ quên hình ảnh 3 cây số của tuyến đường “huyết mạch” Lê Lợi nối từ quốc lộ 20 xuyên suốt trung tâm xã Lộc Thanh với phường Lộc Phát đã bao đời “nắng bụi, mưa lầy”. Thế mà từ năm 2003, khi được “nhựa hoá”, cả vùng đất và con người Lộc Thanh như được “đổi thịt, thay da”. Từ thực tiễn lợi ích giao thông mang lại và nhờ biết cách tổ chức vận động, bây giờ, khi nói đến đóng góp làm đường và phát triển giao thông nông thôn, thì cán bộ và nhân dân Lộc Thanh ai ai cũng đồng tình.
Ở Lộc Thanh có trên 10.000 người, với 98% cư dân theo đạo Công Giáo. Tại đây có 4 giáo xứ, 1 nhà dòng nữ tu và 1 nhà hưu dưỡng của Toà Giám mục Đà Lạt. Với đặc thù này, trong tất cả các phong trào và các hoạt động xã hội tại địa phương, Đảng bộ và chính quyền luôn có sự phối hợp và gắn kết chặt chẽ với các giáo xứ để vận động nhân dân tham gia. |
Lần này, khi đến thôn Tân Hương 2, giữa cái nắng xuân khá gắt, chúng tôi gặp Trưởng thôn Trần Văn Tình cùng với Chủ tịch UBND xã Lộc Thanh Nguyễn Văn Cương đang có mặt tại hiện trường để đôn đốc, giám sát đơn vị thi công trải thảm nhựa nóng tuyến đường cuối cùng trong thôn. Anh Trần Văn Tình không giấu được niềm vui: “Thế là Tết năm nay bà con thôn Tân Hương 2 quá vui, vì đã có đường nhựa đi lại cả rồi!”. Anh còn kể thêm: “Sướng lắm! Bây giờ nói đến vận động đóng góp làm đường thì quá khoẻ, dân hưởng ứng ngay. Chỉ có điều là chờ địa phương xin được nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ. Còn thôn vận động vốn “đối ứng” của dân thì chỉ… “30 giây”. Trong thôn có 3 tuyến đường liên xóm đều được nâng cấp. Đây là tuyến đường cuối cùng đang được thảm nhựa nóng. Tuyến đường này dài 800m, ngân sách hỗ trợ 600 triệu đồng, thôn vận động đóng góp thêm 200 triệu đồng để thi công. Hai tuyến đường trong thôn trước đây đã làm xong, tổng chiều dài 1.780m, cũng thực hiện theo phương thức Nhà nước và dân cùng làm”.
Không chỉ thôn Tân Hương 2, mà tất cả 9 thôn trong xã cũng cùng suy nghĩ và cách làm. Qua lời kể của anh Nguyễn Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Lộc Thanh: Trong xã có 9 thôn, đến thời điểm này, 5 thôn đã “nhựa hoá” 100% tuyến đường liên xóm và còn 4 thôn đã nhựa hoá khoảng 70%. Đến 2013, xã Lộc Thanh sẽ vận động nhựa hoá hết toàn bộ số tuyến đường liên xóm còn lại. Chỉ riêng thôn Tân Bình 2 phải “kéo” đến năm 2014 mới nhựa hoá xong tuyến đường liên xóm cuối cùng, vì có tuyến đường nội đồng.
Không chỉ dừng lại ở đường liên thôn và liên xóm, để tạo bộ mặt nông thôn vừa đẹp vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển, Lộc Thanh còn vận động nhân dân hiến đất và đóng góp tiền của làm đường liên xã. Để làm tuyến đường liên xã Nguyễn Trãi (nối từ Lộc Thanh đến Lộc Phát) dài 2,3 km, ngoài nguồn vốn hỗ trợ 1,5 tỷ đồng của tỉnh, xã đã vận động nhân dân góp thêm 1,3 tỷ đồng và các doanh nghiệp góp hơn 2 tỷ đồng. Hiện nay, tuyến đường này đã làm xong nền và đang chờ vốn của tỉnh để tiến hành trải thảm nhựa nóng. Còn tuyến đường Đoàn Thị Điểm (nối từ xã Lộc Thanh qua khu vực sản xuất đến xã Lộc Đức - huyện Bảo Lâm) dài 8 km. Theo cách gọi của người dân địa phương, thì đây là con đường “xương sống” của xã. Cán bộ và nhân dân Lộc Thanh ưng lắm chuyện nâng cấp, mở rộng con đường này. Theo nguyện vọng của xã, UBND thành phố Bảo Lộc và tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý phê duyệt chủ trương làm đường từ tháng 10/2012. Để làm con đường này, cần đến kinh phí khoảng 35 tỷ đồng. Theo phương thức “Nhà nước và dân cùng làm”, Chủ tịch UBND xã Lộc Thanh cho biết, bà con sẽ sẵn sàng hiến đất và không những không đòi hỏi đền bù khi mở đường mà còn đóng góp thêm 3,5 tỷ đồng nữa để cùng với Nhà nước mở đường. “Giá như tuyến đường Đoàn Thị Điểm hoàn thành, thì hệ thống giao thông nông thôn ở Lộc Thanh gần như được trọn vẹn. Khả năng qua Tết Quý Tỵ, dự án làm con đường này sẽ được xúc tiến” - anh Nguyễn Văn Cường rất kỳ vọng. Vì, theo anh, những tuyến đường “xương cá” nối trục chính đường Đoàn Thị Điểm vào các khu vực sản xuất (khoảng 1.000 ha), thì người dân có thể tự “cứng hoá”, bằng cách san ủi, mở rộng và trước mắt đổ sỏi đồi hoặc đất bauxite…
Thảm nhựa tuyến đường xóm cuối cùng ở thôn Tân Hương 2 |
Ở Lộc Thanh đã có rất nhiều người hiến đất. Người hiến đất nhiều nhất là ông Vũ Văn Pháp (thôn Thanh Hương 1). Ông đã hiến tổng cộng 1 sào đất để mở đường. Còn ông Trần Văn Y (thôn Thanh Xuân 1) có một căn nhà 3 gian, dài 9 mét. Ông đã hiến hơn 6 mét đất mặt tiền và tháo dỡ 2 gian nhà để mở đường, mà không đòi hỏi đền bù. Ông Y tâm sự: “Mất, tất nhiên là thiệt. Nhưng được đường đi rộng, sạch sẽ cho bà con và cho cộng đồng là tôi vui rồi!”... |
Tiếp chuyện với chúng tôi tại Giáo xứ Tân Thanh, Linh mục Quản xứ Giáo xứ Nguyễn Văn Hoàng thân mật chia sẻ: “Chúng tôi luôn đồng hành với chính quyền sở tại. Trong tất cả các cuộc vận động, các phong trào ở địa phương, chúng tôi đều ủng hộ và vận động bà con giáo dân sẵn sàng tham gia. Riêng phong trào làm đường, là mở đường tới đâu, Giáo xứ vận động bà con sẵn sàng hiến đất tới đó và không đòi hỏi bồi thường. Vì, làm đường là làm cho chính mình, làm cho con cháu mình mai sau. Tôi rất ủng hộ. Lẽ ra, làm đường, chúng ta đã làm từ lâu rồi. Tội gì mà đi đường lầy lội!...”. Cũng xuất phát từ lợi ích của cộng đồng, của giáo dân, Linh mục Nguyễn Văn Hoàng cho biết thêm: “Mới đây, khi có chủ trương mở đường, Giáo xứ Tân Thanh đã sẵn sàng hiến 400 mét đất mặt tiền và phá bỏ bờ rào đã xây kiên cố để xây lùi vào trong 2,5 mét. Giáo xứ đã không đòi hỏi bồi thường mà còn đóng góp, ủng hộ thêm 85 triệu đồng tiền mặt để mở đường, thảm nhựa”.
Hiến đất, đóng góp tiền mở đường giao thông nông thôn thực sự đã trở thành phong trào “mạnh” ở xã Lộc Thanh. Đi đâu và khi gặp ai trao đổi, thì hầu như có cùng một suy nghĩ. Ông Trần Đình Thuần, người đã lâu năm gắn bó với công việc và chức danh Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Thanh Hương 3, cho biết: “Nói đến làm đường, thì 100% bà con trong thôn đều ủng hộ. Không những thế mà bà con còn nôn nóng và muốn đóng góp ngay để làm đường”. Chính nhờ vậy mà thôn Thanh Hương 3 là một trong những thôn đã hoàn thành sớm việc nhựa hoá các tuyến đường liên xóm.
Tuy cuối năm bề bộn nhiều công việc, để có thêm thông tin, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Cương lật sổ, cộng dồn những con số. Chỉ sau ít phút, gương mặt Chủ tịch lộ rõ niềm vui, rồi anh gật gù: “Sơ bộ thế này nhà báo nhé! Kể từ khi triển khai chương trình xây dựng đường giao thông nông thôn, xã Lộc Thanh đã thực hiện được tổng cộng 15,2km, với tổng kinh phí đầu tư trên 21 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng và vận động nhân dân đối ứng 6 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến giá trị đất và cây trồng, vật kiến trúc trên đất hiến”. Chúng tôi cũng gật gù theo và thiết nghĩ, đây là một con số rất đáng trân trọng.
Với Lộc Thanh, khi đã xác định được vai trò của giao thông nông thôn trong chiến lược phát triển của địa phương và với những bước đi thích hợp trong lộ trình triển khai Chương trình xây dựng xã NTM, hy vọng đến 2014, Lộc Thanh không những sẽ đạt chuẩn xã NTM như mong muốn, mà còn tạo tiền đề để địa phương phát triển giàu mạnh trong tương lai không xa.
BÙI TRƯỞNG