Đà Lạt là “thành phố trí thức, thành phố học đường” như cố học giả Trần Bạch Đằng từng nhận xét. Bởi thế, có nhiều bông hoa đẹp trong những vườn hoa học đường - nhiều gương học sinh, sinh viên ưu tú. Vì dung lượng bài viết không thể viết hết về họ, tôi quyết định đi tìm 4 gương mặt điển hình...
Đà Lạt là “thành phố trí thức, thành phố học đường” như cố học giả Trần Bạch Đằng từng nhận xét. Bởi thế, có nhiều bông hoa đẹp trong những vườn hoa học đường - nhiều gương học sinh, sinh viên ưu tú. Vì dung lượng bài viết không thể viết hết về họ, tôi quyết định đi tìm 4 gương mặt điển hình. Qua giới thiệu của các giáo viên, kết quả ngẫu nhiên cho tôi một dòng tin thật thú vị: Các bạn đều là thế hệ 9x và cùng sinh ra trên mảnh đất Lâm Đồng.
NGUYỄN THỊ NGỌC PHÚ: Đặt mục tiêu, định hình phương pháp và tiến lên
Nguyễn Thị Ngọc Phú |
Nguyễn Thị Ngọc Phú ở huyện Đạ Tẻh, sinh năm 1991. Cô là lớp trưởng Lớp Toán - Tin khoá 34, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ngay năm thứ nhất, Phú đã làm đề tài nghiên cứu khoa học “Khả năng tự học của sinh viên trong cơ chế thị trường”. Đề tài này vừa chỉ hướng vận động cho mỗi sinh viên, vừa là tuyên ngôn phấn đấu của Ngọc Phú. Vì vậy, thành tích học tập của Phú đã nhận được nhiều loại học bổng với tổng số tiền hơn 14 triệu đồng. Thực tập sư phạm cuối khoá đạt loại giỏi, điểm toàn khoá đạt 8.56/10 điểm và là thủ khoa tốt nghiệp của trường cao đẳng với 28/30 điểm.
Bí thư chi bộ kiêm Chủ nhiệm Khoa Tự nhiên - ThS Lê Duy An nhận xét: Phú là lớp trưởng gương mẫu, có ảnh hưởng tốt đến tập thể, được chính giáo viên chủ nhiệm giới thiệu vào Đảng. Đây là sinh viên có nhiều tố chất sư phạm, là một trong những sinh viên hiếm hoi có thành tích cao của ngành tự nhiên.
Tháng 3 năm 2012, sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Phú được kết nạp vào Đảng. Với thành tích và năng lực ấy, tháng 9 năm 2012, cô đã vượt nhiều đối thủ để trở thành giáo viên Trường THCS Lam Sơn, Đà Lạt. Cô giáo Phú được phân công đứng bục giảng dạy môn Tin học lớp 6, lớp 7 và cùng tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, kết quả một học sinh đoạt giải nhất thành phố. Để có bản lĩnh làm chủ giờ dạy ngay khi ra trường, điều Ngọc Phú đúc rút là phải có kiến thức vững từ học phổ thông và đặc biệt là trong trường chuyên nghiệp; đồng thời phải có kỹ năng giao tiếp xã hội tích luỹ thông qua các hoạt động của lớp, của Đoàn. Hiện cô đang dành thời gian củng cố chuyên môn và kiến thức sư phạm để tháng 3 năm 2013 thi liên thông lên đại học.
Nguyễn Thị Ngọc Phú chia sẻ: Muốn đạt được những kết quả trong cuộc sống phải đặt ra mục tiêu cho mình, sau đó lên kế hoạch, định hình hướng đi cùng luôn luôn có những bổ sung và cố gắng phấn đấu đạt cho được mục tiêu đề ra.
VŨ NGỌC THÙY DUNG: Chơi hết mình, học hết mình, sống hết mình
Vũ Ngọc Thuỳ Dung |
Phải nói ngay rằng, những điều mà Dung tâm đắc “hết mình” ấy đều lành mạnh, là yếu tố văn hoá của tuổi trẻ thời hội nhập. Vũ Ngọc Thuỳ Dung cũng sinh năm 1991, tại Đà Lạt, hiện là sinh viên năm thứ 4, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đà Lạt. Thuỳ Dung là Phó Bí thư Đoàn khoa, Uỷ viên Ban thư ký Hội sinh viên trường. Ba năm học đại học, sinh viên Thuỳ Dung luôn đạt học lực loại xuất sắc: năm 1 đạt tổng điểm 3.40/4.00, năm 2 đạt 3.42 và năm 3 đạt 3.52. Nổi bật cả 2 lĩnh vực: học tập, nghiên cứu khoa học và phong trào Đoàn, Hội. Năm 2012, Dung cùng nhóm tham gia đề tài khoa học cấp trường “Khảo sát hành vi tiêu dùng thẻ ATM của sinh viên trường đại học” và hiện đang một mình làm đề tài cấp trường khác là “Xây dựng chiến lược Internet Marketing cho Trường ĐH Đà Lạt” để bảo vệ vào tháng 6 năm 2013. Nhiều hoạt động khác Thuỳ Dung cùng các bạn đạt được những thành tích đáng khích lệ. Đó là giải nhì khu vực SV 2012, giải nhất văn nghệ và giải xuất sắc toàn quốc Gala SV của Đài Truyền hình Việt Nam; giải nhất khối trường học, giải ba vòng chung kết cuộc thi văn nghệ “Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI” của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức…
Nguyễn Ngọc Thuỳ Dung cho biết: Sinh viên cần tham gia nhiều các hoạt động của trường, khoa để thông qua đó không chỉ kết bạn học hỏi kinh nghiệm mà tích luỹ kỹ năng sống. Với Thuỳ Dung, quan trọng nhất là tự học, tự nghiên cứu qua tài liệu vì thời gian ở giảng đường rất ít. Tuỳ theo môn học, cần có sự phân bổ thời gian. Làm bài tự luận, cần liên hệ những thông tin thời sự; làm bài tính toán cần giải đề của những năm trước để tự rút ra phương pháp… Quá trình học tập ở trường chuyên nghiệp rất cần sự nỗ lực cao của sinh viên, ngay từ năm đầu phải loại bỏ “căn bệnh xả hơi” sau 12 năm phổ thông chịu sự giám sát chặt chẽ của người thân. Có ý thức như vậy mới tạo dựng được cho bản thân những tri thức nền tảng; tự mình quyết định cuộc sống khi ra trường. Cơ hội và kinh nghiệm không ai tìm cho mình ngoài cá nhân. Cô cũng mong muốn các doanh nghiệp tuyển dụng cần tạo cơ hội ban đầu cho sinh viên để họ phấn đấu mới đáp ứng yêu cầu.
NGUYỄN VŨ TRUNG QUÂN: Chăm chỉ, kiên trì và đam mê
Nguyễn Vũ Trung Quân |
Nguyễn Vũ Trung Quân sinh năm 1995 tại Đà Lạt, là học sinh 12 Toán 1 Trường THPT chuyên Thăng Long. Bền bỉ, theo đều các môn và ưu tiên môn toán là quá trình phấn đấu của Trung Quân. Lớp 9 đạt học sinh giỏi cấp thành phố, lớp 12 đạt giải nhì toàn quốc giải toán của báo “Toán học và tuổi trẻ”; lớp 10 học lực khá, lớp 11 học lực loại giỏi. Năm 2012 đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh và đang ôn luyện để thi học sinh giỏi quốc gia.
Theo Quân, để thi đại học môn toán đạt 6-7 điểm cần chăm chỉ, siêng năng và nắm vững kiến thức, phương pháp giải đề. Với toán phổ thông, cần làm nhiều bài tập để nắm được nhiều dạng đề, tạo thành phản xạ và ít bỡ ngỡ khi gặp đề hóc búa. Với toán chuyên, đầu tiên phải có cảm hứng, bên cạnh đó đương nhiên phải chăm chỉ, biết kiên trì, biết khai thác, đào sâu từng bài toán. Cần có tài liệu tham khảo nhưng phải chọn lọc tài liệu có lời giải đầy đủ và của những tác giả tên tuổi chứ đừng mua nhiều loại sách sẽ gây ra rối. Việc học nhóm sẽ tìm được nhiều ý tưởng hay dù đôi lúc không đưa ra được lời giải nhưng sẽ nâng cao khả năng tư duy.
Kinh nghiệm học môn toán của Trung Quân là ngoài cần cù, chăm chỉ và đam mê cần phải đọc kỹ đề bài, từ đó liên tưởng những lý thuyết đã học đã biết và ghi ra giấy sơ đồ giải, tiếp tục những điều kiện để chứng minh và suy luận đưa về những giả thuyết. Gặp những bài toán cao hơn cần phải suy luận xuôi, nghĩa là từ giả thiết suy ra những điều gì khác nữa và liên kết với những suy luận ngược…
Mê toán bởi được “truyền lửa” từ thầy giáo dạy toán Hồ Thanh Hải hồi ở THCS Lam Sơn, Trung Quân quyết định sẽ thi vào Đại học Sư phạm Toán. Đó là môi trường để Nguyễn Vũ Trung Quân đạt được ước mơ nghiên cứu ngành toán học và truyền thụ vốn tri thức của mình cho học sinh.
TÔ LÂM VĨNH THÁI: Tích luỹ, bình tĩnh và quyết đoán
Tô Lâm Vĩnh Thái |
Cũng như Trung Quân: sinh năm 1995 ở Đà Lạt, đang học Trường THPT chuyên Thăng Long nhưng cô học sinh Tô Lâm Vĩnh Thái lại mê tiếng Anh nên theo học lớp 12 Anh 1. Thành tích về môn ngoại ngữ này của Vĩnh Thái khá dày: lớp 10, Huy chương Vàng Olympic khu vực miền Nam; lớp 11, giải 3 học sinh giỏi quốc gia, giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh, Huy chương Vàng Olympic khu vực miền Nam; lớp 12, giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh và đang ôn luyện thi học sinh giỏi quốc gia tổ chức vào ngày 11 tháng 1 năm 2013...
Để đạt được các kết quả tốt trong kỳ thi phải tích luỹ kiến thức lâu dài, nhất là ngoại ngữ. Khi vào phòng thi cần bình tĩnh và quyết đoán. Với dạng bài trắc nghiệm, trước tiên lướt nhanh các câu hỏi và đánh (điền) ngay những kết quả đúng, phần còn lại suy đoán, phân tích và quyết định chọn lựa kết quả nào cho là hợp lý.
Lý giải việc học sinh còn lười học môn ngoại ngữ, Tô Lâm Vĩnh Thái cho rằng, chương trình còn nặng lý thuyết, ít thực hành; nhà sư phạm quá chú trọng kỹ năng văn phạm chưa chú trọng khả năng vận dụng ngôn ngữ linh hoạt trong từng ngữ cảnh cụ thể. Do ít thực hành, ít đưa học sinh đến với thực tế nên ít hấp dẫn đối với học sinh. Dĩ nhiên còn phụ thuộc cách tư duy của mỗi giáo viên. Giáo viên cần thân thiện với học sinh và tạo nên sự hứng khởi trong giao tiếp chứ không phải bắt làm bài tập suốt.
MINH ĐẠO