Ngày xuân nhớ “Ông đồ”

02:01, 27/01/2013

Nửa đầu thế kỷ trước, một cuộc cách mạng văn học đã xảy ra trên đất nước ta. Cuộc cách mạng văn học ấy đã cho ra đời một trào lưu thơ ca mà đến bây giờ chúng ta vẫn gọi là “phong trào Thơ Mới”...

Nửa đầu thế kỷ trước, một cuộc cách mạng văn học đã xảy ra trên đất nước ta. Cuộc cách mạng văn học ấy đã cho ra đời một trào lưu thơ ca mà đến bây giờ chúng ta vẫn gọi là “phong trào Thơ Mới”. Trào lưu thơ Mới đã góp phần làm thay đổi gương mặt thi ca dân tộc và bước đầu khẳng định tiến trình hiện đại hoá văn học nước nhà. Trong đội ngũ đông đảo các nhà thơ đương thời có Vũ Đình Liên, trong rất nhiều những bài thơ xuất sắc ra đời trong thời kỳ này có kiệt tác Ông đồ.


Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ nhưng lại không theo luật thơ ngũ ngôn xưa. Thơ ngũ ngôn xưa chỉ có tứ tuyệt (bốn câu) hoặc bát cú (tám câu), còn Ông đồ có đến năm khổ thơ năm chữ - hai mươi lăm câu.  Đó thực sự là một sự cách tân với tinh thần: hiện đại hoá trên cơ sở truyền thống. Sự cách tân là xu thế thi ca thời đại bấy giờ - Vũ Đình Liên là một nhà thơ Mới trong xu thế cách tân ấy. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết: “Người cũng ca tình yêu như hầu hết nhà thơ thời bấy giờ. Nhưng hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ… Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác…”. Thể thơ năm chữ là hình thức ngôn từ để nhà thơ biểu hiện thành công hai nguồn cảm hứng ấy. Thế nhưng ngẫm kỹ, chúng ta sẽ thấy, đằng sau hình thức của những câu thơ dường như Vũ Đình Liên đang muốn níu giữ một điều gì thiêng liêng của quá khứ. Một thể thơ truyền thống của dân tộc - một nét văn hoá trong tâm thức người Việt Nam.

Ông đồ, một biểu tượng của nền Hán học, nhưng nói như chính nhà thơ: “Ông chính là cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn”. Cuộc chuyển giao thời đại đi vào trong thơ thật ngậm ngùi nhưng không thể dừng lại. Bút sắt thay dần bút lông là tất yếu.

Ông đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.

Là một sự hoài niệm từ hiện tại, bài thơ chia làm ba phần với bố cục đơn giản. Phần một gồm hai khổ thơ đầu. Hình ảnh ông đồ hiện lên với những tháng ngày huy hoàng: Hoa đào, mực tàu, giấy đỏ, bao nhiêu người thuê viết, phượng múa rồng bay… Nhà thơ, vô tình hay hữu ý, đã gắn bó hình ảnh hoa đào với ông đồ, với những ngày xuân về tết đến. Trong quây quần ấm cúng, trong niềm vui tiễn năm cũ, đón năm mới người Việt Nam phải có: “Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Có nghĩa là câu đối đỏ - ông đồ là không thể thiếu cho một niềm vui trọn vẹn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cũng có nghĩa là chữ nghĩa văn chương là một món ăn tinh thần rất đẹp mà nhân dân ta trân trọng tự bao đời. Trọng chữ nghĩa là trọng thầy! Vũ Đình Liên muốn biến những khoảnh khắc ngắn ngủi ba ngày Tết thành thời gian vĩnh hằng. “Mỗi năm…”, nhà thơ như giấu từ “cứ” đi (Cứ mỗi năm hoa đào nở) nhưng ý thơ vẫn rõ: Năm nào cũng thế. Đó chính là ý muốn về sự bất tử của một nét đẹp văn hoá trong tâm hồn dân tộc.

Phần tiếp theo cũng hai khổ thơ với những hình ảnh thật nao lòng. Nhà thơ không thể không công nhận một thực tại nghiệt ngã: “Nhưng mỗi năm mỗi vắng”. Từ “nhưng” tương ứng với từ “cứ” đã nói ở trên: Cứ mỗi năm, nhưng mỗi năm. Sự vận động của thời gian đã làm người vắng, giấy buồn, mực sầu, lá vàng rơi, mưa bụi bay và trên hết là sự vô tình của người đời: “Ông đồ vẫn ngồi đấy. Qua đường không ai hay” mang đến cho ta một nỗi buồn thê thiết. Một không gian bị lãng quên. Một lớp người bị lãng quên. Một con người bị lãng quên, một truyền thống văn hoá bị lãng quên trước biến thiên thời cuộc. Nỗi buồn của bài thơ cất lên từ đó. Nỗi buồn xuất hiện khi có sự tương quan giữa hai phần đầu - cũng là sự tương quan giữa hiện tại và quá khứ. “Lòng thương người” và “niềm hoài cổ” kết tinh trong hình ảnh cô đơn của ông đồ. Hai đoạn thơ với những hình ảnh giản dị và thân thuộc, với ngôn từ dễ hiểu và dễ cảm với cách thể hiện thời gian tuyến tính từ quá khứ đến hiện tại và sự chuyển đổi không gian cũng như thân phận của đối tượng trữ tình không chỉ là một thái độ trân trọng với quá khứ, với truyền thống mà còn là sự chỉ ra và chấp nhận cái mới, chấp nhận quy luật của lịch sử. Ông đồ - đông người, ông đồ một mình, không thấy ông đồ - cái nhìn của nhà thơ như dõi vào một thời gian xa vắng và không gian tàn lụi, hiu hắt. Là một nhà thơ Mới, Vũ Đình Liên không thể không “mới”. Nhưng với Ông đồ ta thấy với Vũ Đình Liên mới - cũ thật hài hoà. “Năm nay đào lại nở. Không thấy ông đồ xưa” - Hai câu kết của bài thơ không chỉ là câu hỏi mà còn là một lời cảm thán: “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ”, thiết nghĩ không cần phải giải thích gì thêm.

Bài thơ viết về ông đồ, có nghĩa là viết về người thầy giáo, về nền giáo dục của một thời đã qua. Hình ảnh người thầy cô đơn trước sự vô cảm, vô tình của người đời không khỏi làm người đọc hôm nay chạnh lòng. Tuy nhiên, ta cũng cần phải hiểu rằng đằng sau hình ảnh và thân phận ông đồ, Vũ Đình Liên còn muốn nói đến cuộc chia tay thời đại như là một tất yếu. Đó là một sự dũng cảm. Cái hay của bài thơ là ở chỗ cho ta thấy một quan niệm rất rõ ràng: Có mới mà không nới cũ. Cái mà Hoài Thanh và Hoài Chân cho là “thái độ hợp lý hơn cả” chính là chỗ này. Và cuối cùng, có một điều không thể không nói: người đọc yêu bài thơ Ông đồ bởi sự giản dị, đời thường mà chạm đến sâu thẳm tiềm thức văn hoá dân tộc. Một quá khứ vui, một hiện tại buồn, một tương lai mơ hồ không đoán định. Lịch sử dân tộc đã đi qua một thời như thế, nhưng bài thơ làm người đọc nặng lòng bởi truyền thống tôn sư trọng đạo chứ không phải bởi nền Hán học đã lùi xa…

Xuân Quý Tỵ đang về. Đào năm nay nở sớm. Nhìn cánh hoa rơi lòng ta bâng khuâng nhớ Vũ Đình Liên với ông đồ. Cảm xúc của bài thơ xưa cũ mà khi nào cũng mới đối với mỗi thời: Buồn mà Đẹp! Xin mượn lời của tác giả Thi nhân Việt Nam để kết thúc bài viết này: “Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời”.

TS. NGUYỄN MẠNH HÙNG