“Xây dựng nông thôn mới đã là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân”

09:02, 10/02/2013

Mùa xuân Quý Tỵ 2013 đến với nhiều niềm vui, Lâm Đồng đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức giữ vững tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đạt nhiều thành quả trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhân dịp đầu xuân, đồng chí Huỳnh Đức Hoà - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đã dành cho Báo Lâm Đồng cuộc phỏng vấn.

• Chương trình góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn
• Xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến tiêu biểu
• Tiếp tục tập trung phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho nhân dân


LTS: Mùa xuân Quý Tỵ 2013 đến với nhiều niềm vui, Lâm Đồng đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức giữ vững tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đạt nhiều thành quả trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhân dịp đầu xuân, đồng chí Huỳnh Đức Hoà - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đã dành cho Báo Lâm Đồng cuộc phỏng vấn.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Đức Hoà trong buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tỉnh uỷ Lâm Đồng (năm 2012). Ảnh: Thuỵ Trang
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Đức Hoà trong buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tỉnh uỷ Lâm Đồng (năm 2012). Ảnh: Thuỵ Trang

 
PV: Thưa Bí thư Tỉnh uỷ, Lâm Đồng vừa tiến hành đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới – đây là một trong những chương trình trọng điểm được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, vậy đồng chí có nhận xét như thế nào về kết quả triển khai của địa phương?  

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Hơn 3 năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; đồng thời, với sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội và toàn dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Trong quá trình triển khai, bên cạnh việc xây dựng NTM ở xã Tân Hội (huyện Đức Trọng) được Ban Bí thư Trung ương chọn là 1 trong 11 xã thực hiện mô hình thí điểm xây dựng NTM của cả nước vào năm 2009, Lâm Đồng đã vận dụng chỉ đạo chọn 11 xã đại diện 11 huyện, thành phố là điểm của tỉnh thực hiện xây dựng NTM ngay từ đầu năm 2010. Đồng thời, UBND tỉnh phê duyệt Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 và triển khai trên toàn bộ 114/118 xã của tỉnh (4 xã nằm trong quy hoạch Đô thị nên không thuộc chương trình NTM), với mục tiêu đến 2015 có 41 xã (Tân Hội, 11 xã điểm của tỉnh và 29 xã ưu tiên) đạt chuẩn NTM, đến năm 2020 có 99 xã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí Quốc gia…

Trong giai đoạn 2009 – 2012, Lâm Đồng huy động khoảng 5.195 tỷ đồng cho xây dựng NTM (trong đó, vốn ngân sách nhà nước gồm cả vốn lồng ghép chỉ chiếm 13%). Đến nay, đã có 12 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí (tăng 10 xã so với năm 2011); đạt 9 - 13 tiêu chí có 34 xã (tăng 8 xã); đạt từ 5 - 8 tiêu chí có 47 xã (giảm 2 xã). Đối với 41 xã ưu tiên giai đoạn I, cuối năm 2010 mới có 2 xã đạt 14 - 18 tiêu chí nay lên 12 xã, 9 xã đạt 9 - 13 tiêu chí nay lên 24 xã, 22 xã đạt 5 - 8 tiêu chí nay còn 5 xã…; có 2 xã đạt số tiêu chí đạt cao so với Bộ tiêu chí quốc gia là Tân Hội, Xuân Trường (18 tiêu chí); xã Quảng Lập và Lạc Lâm (Đơn Dương) đạt 16 tiêu chí. Đa số tiêu chí các xã đều nằm tập trung ở 2 nhóm: 5 - 8, 9 - 13 tiêu chí có 81 xã (chiếm 71,05%); nhóm dưới 5 tiêu chí chỉ chiếm 20%.

Như vậy, kết quả ghi nhận rõ nét là Chương trình đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị. Quần chúng nhân dân lúc đầu còn ít quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ về chương trình NTM song nay đã thấy lợi ích thiết thực của chương trình đối với gia đình, thôn xóm, nên tự nguyện, tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của, đất đai để xây dựng NTM.

PV: Một trong những vấn đề cơ bản, cốt lõi của xây dựng NTM là tạo tiền đề từng bước phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Vậy, thời gian qua tỉnh đã chú trọng việc này như thế nào?

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Đến nay, toàn tỉnh có 94/114 xã được phê duyệt nhiệm vụ và dự án quy hoạch, 98/114 xã được phê duyệt đồ án quy hoạch chung. Về lập đề án xây dựng NTM có 90/114 được phê duyệt (79%)… Tỉnh tập trung nguồn vốn Trung ương về hỗ trợ, thành lập mới, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Hợp tác xã nên 2 năm qua hỗ trợ thành lập mới 33 HTX nông nghiệp, 52 Tổ hợp tác nông nghiệp. Cũng giai đoạn này, Lâm Đồng đầu tư 228 mô hình phát triển sản xuất, 3 mô hình liên kết sản xuất; tổ chức 133 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 4.460 lượt người, tổ chức 35 cuộc hội thảo với gần 2.100 người tham dự. Riêng tập huấn về NTM tổ chức 62 lớp, 2 đợt tham quan với gần 3.990 lượt người tham gia.

Qua phong trào xây dựng NTM, trong tỉnh xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến tiêu biểu như mô hình tạo quỹ đối ứng từ cộng đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng tại Đà Lạt, huyện Bảo Lâm; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học, xây dựng thôn, xã sạch đẹp phục vụ xây dựng NTM ở huyện Đạ Tẻh; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp – tổ hợp tác – nông dân huyện Đơn Dương; mô hình xây dựng vùng nguyên liệu gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng suất hiệu quả sản xuất, chế biến ở thành phố Đà Lạt…

Các địa phương đã chú trọng nội dung đầu tư sản xuất trên cơ sở phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế so sánh; đồng thời, chủ động làm việc với các ngân hàng trên địa bàn, vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn từ chính sách tín dụng của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Lâm Đồng là tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao thu nhập trên 1 đơn vị diện tích; toàn tỉnh hiện có trên 26.951 ha canh tác ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, diện tích nhà kính 2.714 ha, nhà lưới 1.180 ha, màng phủ 5.585 ha, tưới tự động ngoài trời 6.500 ha, diện tích áp dụng công nghệ canh tác ghép chồi đối với cây cà phê trên 3.517 ha, diện tích áp dụng công nghệ giống ghép đối với cây cà phê gần 7.100 ha... Nhờ áp dụng công nghệ cao, thu nhập bình quân/ha các năm đều tăng: Năm 2010: 76 triệu đồng, đến năm 2012 lên 89 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010: 19,3 triệu đồng, năm 2012 đạt hơn 32 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể: Năm 2011, chiếm 9,1% thì đến cuối năm 2012 còn 6,4%; trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 16,6%...

Cũng cần nói thêm, để phát triển sản xuất điều quan trọng là phải có sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu năm 2009 – 2010, tỉnh tập trung cho 7 hạng mục hạ tầng thiết yếu của xã điểm NTM Tân Hội thì năm 2011, trên phạm vi toàn tỉnh đầu tư xây dựng 371 công trình, gồm đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng, sửa chữa nâng cấp trụ sở UBND xã, các công trình phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương khảo sát thực tế địa bàn 19 xã ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010 – 2015, thu thập thông tin, thống nhất 33 danh mục dự án kêu gọi đầu tư và được UBND tỉnh phê duyệt. Trên địa bàn 41 xã ưu tiên, Trung tâm tổng hợp 96 danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Ngay từ đầu năm 2012, các xã ưu tiên giai đoạn 2010 – 2015 đã lựa chọn công trình, hạng mục xây dựng để tập trung đầu tư trên cơ sở huy động nguồn vốn từ cộng đồng đối ứng với nguồn vốn ngân sách bố trí. Thống kê cho biết, năm 2012 toàn tỉnh xây dựng trên 225 km đường trục xã, liên xã, trục thôn xóm, đường nội đồng…; hơn 4 km kênh mương các loại và công trình thuỷ lợi; hơn 4 km đường điện hạ thế; xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo 3 nhà văn hoá xã và 68 nhà sinh hoạt thôn, khu thể thao thôn; xây dựng mới 2 chợ; xoá 102 nhà tạm, nhà dột nát… Thực hiện Đề án phát triển đường giao thông nông thôn, tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư 98 công trình (44 km) với nguồn kinh phí thực hiện 37 tỷ đồng. Đề án đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, thu hút nguồn vốn đầu tư và góp phần phát triển giao thông nông thôn thành phong trào quần chúng rộng lớn, mang tính xã hội cao…

 Với sự quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như vậy, nên có thể khẳng định, Chương trình xây dựng NTM đã tạo nên “đường nét”, sức sống mới cho nông thôn Lâm Đồng trên chặng đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá!

PV: Có nhiều thành quả phát triển kinh tế đáng ghi nhận, nhưng đối với vấn đề đầu tư phát triển văn hoá – xã hội của Chương trình đã  được quan tâm ra sao, thưa Bí thư Tỉnh uỷ?

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Cùng với quan tâm phát triển kinh tế, trên lĩnh vực văn hoá - xã hội đã được chú trọng đầu tư, phát triển tương đối toàn diện. Tôi xin đơn cử trên phạm vi văn hoá, việc xây dựng thôn, buôn, khu dân cư văn hoá, gia đình văn hoá được gắn với xây dựng NTM ở các xã, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân trong việc thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội, thắt chặt tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng. Một số địa phương ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hoá – thể thao, như: xã Lộc Thành, Lộc Ngãi, Đạ Kho, Gia Hiệp, Tà Nung và Tân Hội… Đến nay, toàn tỉnh có 668 thôn văn hoá ở các địa phương xây dựng NTM (đạt 65%). Từ 2009 – 2012, 87 xã đăng ký và đã có 18 xã đạt chuẩn văn hoá. Trong 41 xã ưu tiên (391 thôn) có 13 xã đạt chuẩn văn hoá NTM… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá gắn với xây dựng NTM” không ngừng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, làm cho đời sống văn hoá ở Lâm Đồng ngày càng thay đổi tốt đẹp.

PV: Muốn xây dựng thành công Chương trình NTM không thể không chú trọng nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…?

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Đúng vậy! Thời gian qua, Tỉnh uỷ Lâm Đồng luôn quan tâm vấn đề này, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nâng cao trình độ chuyên môn, nhằm đảm bảo theo tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu đảm đương công việc. Hầu hết Đảng bộ và chính quyền các xã ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010 - 2015 đạt “trong sạch, vững mạnh”.

PV: Bên cạnh những thành quả  trên, Bí thư Tỉnh uỷ nhận thấy còn điều gì trăn trở?

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Cần thẳng thắn thừa nhận: Kết quả đạt được vừa qua chỉ là bước đầu thực hiện theo chiều rộng chứ chưa đi vào chiều sâu và còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Theo tôi, thời gian tới cần tập trung nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức, cách làm xây dựng NTM theo phương châm “nhân dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ, Đảng lãnh đạo”. Trong lãnh đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho sản xuất và phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân; tạo sự thông thoáng về cơ chế, phát huy tính năng động, sáng tạo để phát triển; thu hút đông đảo người dân tham gia xây dựng NTM một cách tích cực, hạn chế tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư từ Nhà nước; nâng cao năng lực và trình độ của cán bộ xây dựng NTM ở các xã; đẩy mạnh công tác quy hoạch và nâng cao chất lượng  các đồ án quy hoạch...

 Hiện nay cơ cấu sản xuất ở các xã xây dựng NTM chủ yếu tập trung sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng ngành chế biến, dịch vụ thấp. Do đó, chưa tạo ra chuyển biến mạnh về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Một số xã do điều kiện cơ sở hạ tầng yếu kém nên tập trung nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đến hoạt động phát triển sản xuất; chưa nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, chưa hình thành được các mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, Hợp tác xã với doanh nghiệp, khả năng huy động nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất còn hạn chế...

Mùa xuân trên cao nguyên. Ảnh: BT
Mùa xuân trên cao nguyên. Ảnh: BT


PV: Được biết, Lâm Đồng tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng loạt các nội dung về xây dựng NTM theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM ở tất cả các xã trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung 41 xã ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010 - 2015. Phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% xã được chọn ưu tiên đạt chuẩn NTM, trong đó 6 xã trở lên hoàn thành trước thời hạn. Để đạt những mục tiêu trên, cần chú trọng những nhiệm vụ trọng tâm nào trong năm 2013?

BÍ THƯ TỈNH UỶ: Có nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực: tuyên truyền, tổ chức, chỉ đạo và điều hành, lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM… nhưng theo tôi cần tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là nhiệm vụ chính.

Theo đó, chúng ta cần tiếp tục xây dựng Đề án phát triển sản xuất của từng xã, hoàn thành phê duyệt Đề án cho các xã ưu tiên làm cơ sở triển khai thực hiện trong quý II/2013. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy hoạch sản xuất những cây, con lợi thế, tập trung chỉ đạo theo hướng đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn theo chính sách tín dụng của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý theo nhu cầu tự nguyện, trước hết là các câu lạc bộ nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Chú trọng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ…

Điều tôi muốn nhấn mạnh nữa là việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn phải theo quy hoạch, phải có lựa chọn, quyết định đầu tư những công trình có nhu cầu  bức xúc phục vụ sản xuất và đời sống; ưu tiên để xã làm chủ công trình đầu tư, sử dụng lao động, nguyên vật liệu tại chỗ, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng công trình; những công trình thiết yếu đã có nhưng chưa đạt chuẩn thì tập trung cải tạo, nâng cấp, hạn chế phá bỏ… Trong quá trình thực hiện, không làm theo hình thức, chạy theo việc đạt tiêu chí mà không chú trọng đến chất lượng tiêu chí đạt được.

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, Lâm Đồng phấn đấu tiếp tục củng cố, giữ vững và phát triển các tiêu chí cơ bản đã đạt, lưu ý đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực “cảnh quan, môi trường”, nhanh chóng đưa xã điểm Tân Hội thành xã đạt chuẩn NTM cho các địa phương trong tỉnh học tập. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các xã điểm, các xã ưu tiên đến cuối năm 2013 mỗi xã phải đạt thêm 2 - 3 tiêu chí (riêng 41 xã ưu tiên đạt 3 - 4 tiêu chí). Năm 2013, có 4 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM, 15 - 16 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí, 38 - 40 xã đạt từ 9 - 13 tiêu chí, 35 - 37 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí và các xã còn lại đạt từ 5 tiêu chí trở lên về NTM.

PV:  Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ! Nhân mùa Xuân Quý Tỵ- 2013, xin chúc đồng chí mạnh khoẻ, tiếp tục cùng với Đảng bộ lãnh đạo địa phương phát triển nhanh và bền vững; chúc Phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt những kết quả tốt đẹp trong năm 2013 và những năm tiếp theo!

NGUYỄN THANH (Thực hiện)