“Gởi” hồn vào gỗ

07:02, 09/02/2013

Hai mươi năm - quãng thời gian ấy cũng đủ dài để anh “va đập” với cuộc sống đời thường. Anh đã lăn lộn từ Thanh Hoá vào Nam để đi tìm cho mình một nghề, một cuộc sống. Trôi qua những ngày tháng “phiêu du” ấy, đến bây giờ, anh đã trở thành một nghệ nhân có tên tuổi...

Hai mươi năm - quãng thời gian ấy cũng đủ dài để anh “va đập” với cuộc sống đời thường. Anh đã lăn lộn từ Thanh Hoá vào Nam để đi tìm cho mình một nghề, một cuộc sống. Trôi qua những ngày tháng “phiêu du” ấy, đến bây giờ, anh đã trở thành một nghệ nhân có tên tuổi. Cuộc đời của nghệ nhân đã thực sự “thăng hoa” vì đã gắn với một “nghề” mà ở đời thường không mấy ai có thể làm được.

Tác giả và tác phẩm “Phúc Lộc Thọ”
Tác giả và tác phẩm “Phúc Lộc Thọ”


Năm 1992, chàng trai trẻ tuổi 23 Đỗ Duy Đạo đến thị trấn Di Linh để tìm nơi sinh sống. Giữa bộn bề, nhộn nhịp của cuộc sống đời thường, anh gần như bị “choáng ngợp”, bởi trong tay không có tiền, không có đất và cũng không có nghề nghiệp gì cả. “Trời” cho anh cơ duyên lúc này, là Đạo được quen biết, rồi dần dần trở nên thân thiện với các chú, các anh là cư dân “thổ địa” ở thị trấn Di Linh. Học theo các anh, các chú, Đạo bắt đầu làm quen với nghệ thuật gỗ lũa, đá nghệ thuật, đá mỹ nghệ và tiểu cảnh, bonsai…
 
Quả thực, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền Bắc, chưa một lần tiếp cận với loại hình nghệ thuật này, thế nên Đạo thấy… “rối”. Bù đắp lại sự hẫng hụt ban đầu, Đạo được các anh, các chú mến thương, tận tâm chỉ bày và động viên anh theo “nghề”. “Càng làm, càng thích và cũng không biết em có năng khiếu tự bao giờ và em say mê nó từ lúc nào!” - Đạo khiêm tốn tâm sự với chúng tôi. “Rồi từ đó, em thực sự nhập môn!”. Vừa trực tiếp học hỏi các chú, các anh, tham quan thực tế, mày mò học theo sách, tham khảo trên mạng internet, Đạo vừa cẩn thận, chịu khó, tỉ mỉ từng đường cưa, nhát đục, mũi khoan, tiện, mài… để góp sức cùng các anh, các chú hoàn thành những tác phẩm nghệ thuật đá, gỗ. Có khi trong túi không còn “xu” nào, nhưng Đạo thích nhất là những lúc “cơm nắm” lội suối, băng rừng để được tìm, để được ngắm nghía, chọn lọc những viên đá, những gốc cây khô còn sót lại giữa rừng sâu, ven suối, vực thẳm…

Trong suốt thời gian “bắt nhịp” được với nghề đã chọn, Đỗ Duy Đạo đã có hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm hàng hoá từ gốc cây khô và đá. Anh đã có gần 100 tác phẩm được tặng huy chương, bằng và giấy khen. Riêng về cây khô mỹ thuật, anh Đỗ Duy Đạo đã có nhiều tác phẩm chất lượng và một số tác phẩm khá nổi tiếng. Sau tác phẩm”Mãnh hổ đoạt sơn” và “Mộc kỳ lân” - là những tác phẩm đầu tay, anh có nhiều tác phẩm được UBND tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh, Ban Tổ chức Hội Hoa Xuân Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hạ Long, Việt Trì tặng bằng, giấy khen và giải thưởng. Trong đó, những tác phẩm tiêu biểu là “Vũ điệu Apsara”, “Anh hùng độc lập”, “Mộc đà điểu”... Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, liên tục từ năm 2008 đến nay, năm nào Đỗ Duy Đạo cũng được UBND thành phố tặng bằng khen những tác phẩm đặc sắc tham gia triển lãm Hội Hoa Xuân thành phố.

Kiến thức và kinh nghiệm, từ đó, được “lớn” dần theo thời gian, Đạo chọn và phát triển thành một “nghề” cho riêng mình - nghề gỗ lũa và đá nghệ thuật. Đạo trải lòng, kể: “Thực sự là em vừa làm, vừa chơi và còn phải làm nghề để kiếm sống nữa!”. Cũng có lẽ do năng khiếu “trời” cho đó, Đạo phát triển môn nghệ thuật gỗ lũa, đá mỹ nghệ rất nhanh, qui mô ngày càng mở rộng, và trở thành một thương hiệu có uy tín tại địa phương. Từ những gốc cây khô và đá thiên nhiên, khi về tay anh, trở thành những tác phẩm nghệ thuật và những sản phẩm hàng hoá có giá trị cung cấp cho thị trường không chỉ tại chỗ mà còn đến với các địa phương khác.

Trong quá trình vừa làm vừa học hỏi, anh Đỗ Duy Đạo còn tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, “nguyên liệu” gốc cây khô ở địa bàn Di Linh có khá nhiều và phong phú, đa dạng nên anh chuyển dần và tập trung chuyên sâu để phát triển môn nghệ thuật gỗ lũa: Cây khô mỹ thuật, đục tượng nghệ thuật (tượng thế), tiểu cảnh và các sản phẩm hàng hoá khác từ gốc cây khô, như bàn, ghế…

Trong số những tác phẩm đặc sắc, đặc biệt có tác phẩm gỗ lũa “Bát tiên quá hải” (8 vị tiên cưỡi rồng vượt biển) của Đỗ Duy Đạo đã làm “giật mình” cả giới đam mê môn nghệ thuật này. Với tâm huyết tham gia Lễ hội ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, Đỗ Duy Đạo đã chế tác một tác phẩm “ngoài tầm tay”. Nếu kể lại “lai lịch” tác phẩm này, thì quả là một kỳ công. Chỉ với một gốc cây khô (gỗ trầm đỏ) to đùng, anh mua 10 triệu đồng từ một người khác tìm thấy tại một con suối ở xã Hoà Nam, đem về vứt lăn lốc giữa nắng mưa trước đó vài năm. Cố quên thời gian, ngày ngày Đạo ngắm nhìn, rồi “động não” tư duy, chọn thế, tìm đề tài… Và, cuối cùng Đạo đã “gởi” được “hồn” vào gốc cây khô này, mà nó chỉ đáng giá là bổ ra làm củi đốt. “Bát tiên quá hải” là ý tưởng sau cùng mà Đạo quyết định chọn, rồi “ra tay” cưa, đục, đẽo… ròng rã suốt 4 tháng trời cùng với 3 cộng sự. “Bát tiên quá hải” là một tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật dài tới 8 mét và nặng tới hàng tấn. Tại Lễ hội ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/10/2010), Ban tổ chức Lễ hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã trao giải thưởng và tặng Bằng khen “Tác phẩm đặc sắc” cho tác giả “Bát tiên quá hải” Đỗ Duy Đạo. Kết thúc lễ hội, trước khi trở vào Nam, anh đã “nhường” tác phẩm này đến một thân chủ khác với giá 800 triệu đồng.

Tác phẩm “Thiên long lạc cảnh” (tiểu cảnh lớn)
Tác phẩm “Thiên long lạc cảnh” (tiểu cảnh lớn)


Sau Lễ hội ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, Đỗ Duy Đạo như được tiếp thêm “lửa”. Ngoài việc duy trì hoạt động cơ sở gỗ lũa của mình, anh hoàn thành một tác phẩm mới, mà anh cho đó là tác phẩm giá trị và có “tầm cỡ” nhất kể từ ngày anh rong ruổi theo nghệ thuật gỗ và đá - “Thiên long lạc cảnh” (Rồng trời trong cảnh đẹp). Đây là một tiểu cảnh (dạng lớn) bằng cây khô (gỗ sao đen) dài gần 10 mét, nặng 5 tấn. Tác phẩm này anh phải mất 9 tháng trời (từ tháng 2 đến tháng 11/2011) mới hoàn thành và kịp tham gia triển lãm tại Hội Hoa Xuân năm ngoái (Nhâm Thìn - 2012) ở thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm này, anh được UBND thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen “Giải hiện vật đặc sắc”. Hiện nay, anh đang khẩn trương hoàn chỉnh tác phẩm “Cao nguyên bình yên” (tiểu cảnh lớn) dài hơn 4 mét để tham gia Hội Hoa Xuân Quý Tỵ (2013) tại thành phố Hồ Chí Minh…

“Không giống những môn nghệ thuật khác, nghệ thuật gỗ lũa rất phong phú, đa dạng. Bởi, không có gốc cây khô nào giống gốc nào và cũng không có tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Phụ thuộc từ hình thù từng gốc cây, mới suy nghĩ và chọn thế, chọn ý tưởng để chế tác. Chính vì vậy, môn nghệ thuật này cũng rất khó, nên lúc nào cũng phải học, phải nghe, phải tìm hiểu và sáng tạo. Cái cần nhất, là đòi hỏi phải có tâm huyết và lòng đam mê. Và, chỉ có đam mê, tâm huyết và sáng tạo thì mới có thể “gởi” được “hồn” mình vào gỗ!” - anh Đỗ Duy Đạo tâm sự, từ kinh nghiệm của mình.

BÙI TRƯỞNG