Ở nơi ấy, dãy Bù Xa Lu Xiên tự ngàn đời đã có, suối Bê Đê vẫn hiền hoà tuôn chảy, buôn làng quần tụ sinh sống từ bao giờ cũng chẳng ai còn nhớ. Chỉ biết, hạt gạo, hạt bắp trên đồi sau mỗi mùa vụ chẳng đủ để làm no cái bụng của người già, lũ trẻ trong buôn...
Ở nơi ấy, dãy Bù Xa Lu Xiên tự ngàn đời đã có, suối Bê Đê vẫn hiền hoà tuôn chảy, buôn làng quần tụ sinh sống từ bao giờ cũng chẳng ai còn nhớ. Chỉ biết, hạt gạo, hạt bắp trên đồi sau mỗi mùa vụ chẳng đủ để làm no cái bụng của người già, lũ trẻ trong buôn. Cái đói như một nỗi ám ảnh, nôn nao, vắt kiệt sức người từ mùa trăng non đến thượng tuần, dài lê thê. Ước mơ về những thửa ruộng lúa nước tươi tốt, trĩu hạt, lúa chất đầy kho để không còn lo cái đói mỗi mùa giáp hạt, vừa mới chỉ bắt đầu thành hiện thực từ mùa nương rẫy trước. Ở Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên), mọi người đã nghĩ về ngày Nhô R’he - Ngày mừng lúa mới.
Già K’Đố trên 80 tuổi vẫn hàng ngày đi thăm ruộng lúa nước được đầu tư trồng mới |
“Nhiệm kỳ lúa nước” của ông kỹ sư nông nghiệp
Anh vốn là một kỹ sư nông nghiệp, được học hành đàng hoàng, nguyên là trưởng phòng nông nghiệp của huyện vùng sâu, nổi tiếng với thương hiệu lúa Cát Tiên. Kỹ sư Đào Duy Mai lên Đồng Nai Thượng đảm nhận cương vị Bí thư xã nhiệm kỳ vừa rồi, theo như anh nói: Mình lên đây, phải làm cho xong vụ lúa nước. Chưa xong, chưa được về!
Anh nói vui, nhưng đều là những lời rút ruột. Một con dân thế hệ thứ hai của Cát Tiên, sinh ra và lớn lên từ lúa, uống phù sa ngọt ngào của dòng Đồng Nai, ăn hạt dẻo thơm của gạo vùng lũ, có lẽ anh hiểu cái cháy bỏng trong giấc mơ trồng được cây lúa nước của người dân Đồng Nai Thượng. Học nông nghiệp, “sở trường” là cây lúa, anh cũng là một trong những người đầu tiên trăn trở, hao tâm với cây lúa Cát Tiên, góp phần lớn trong việc đưa hạt gạo nơi vùng quê nghèo này trở thành thương hiệu. Nên lãnh đạo huyện đặt kỳ vọng nơi anh trong việc dẫn nước, mở ruộng đến từng khoảnh đất của vùng cao Đồng Nai Thượng, có lẽ cũng là điều dễ hiểu.
Với mục đích khai thác diện tích đất nông nghiệp bị hoang hoá và đưa công trình hồ chứa nước Bê Đê vào sử dụng, UBND huyện Cát Tiên đã ban hành Quyết định số 540/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình khai hoang, phục hoá đồng ruộng trên địa bàn xã Đồng Nai Thượng, để cấp đất cho các hộ dân thiếu hoặc không có đất sản xuất trồng cây lúa nước. Trước đó, ngành chức năng của huyện cũng đã bỏ nhiều thời gian khảo sát thực địa kỹ lưỡng trước khi triển khai. |
Có lẽ chỉ có những người trong cuộc, hay đúng hơn là những người già từng trải mới thấu hiểu và thấm thía được sự nhọc nhằn trong việc trồng lúa nước ở Đồng Nai Thượng. Nhiều năm trước, lúa giống được bà con trong buôn tự mua, mang về gieo xuống những thửa đất thấp cạnh khe suối, được vài vụ lại bỏ, bởi đất và nước trên vùng cao này hình như không “ưng cái bụng” với loại cây trồng này. Lúa được gieo “hồn nhiên”, mọc hoang tràn và mùa vụ thu được cũng rất tự nhiên như khi nó được thả xuống. “Đồng bào mình không biết làm đất, làm cỏ, không biết bệnh của cây… nên chỉ được vài vụ, lúa lại mọc như cỏ dại, không ra hạt nữa nên lại bỏ hoang”, già K’Đố cười, nhớ lại.
Cũng chẳng riêng gì già K’Đố. Gan dạ, chưa bao giờ biết run sợ trước bom đạn của kẻ thù trong chiến tranh chống Mỹ như anh hùng Điểu Thị Lôi, nhưng trước cây lúa nước cũng đã phải “đầu hàng”. Bà là một trong những người đầu tiên dám đem giống về trồng để có thể không phải lo thiếu gạo giữa những mùa giáp hạt, nhưng rồi cũng đành phải để đất hoang um tùm cỏ dại, bởi chỉ nghĩ lúa nước không hiệu quả, không hợp với đất cao Đồng Nai Thượng.
“Không còn phải xuống núi mua gạo”
Ở những vùng đất bằng thấp, nơi có nước suối chảy về tại Bê Đê, Bù Sa, Bù Gia Rá của Đồng Nai Thượng, lúa đã mọc tươi tốt thay cho cỏ dại.
Đã có 14 héc ta đầu tiên được khai hoang và cấp cho 58 hộ xuống giống. Lúa giống, phân urê, kali, thuốc trừ cỏ, bà con được hỗ trợ miễn phí. Theo phép tính thông thường, mỗi năm bà con sẽ canh tác được 3 vụ, năng suất từ 45-50 tạ/ha/vụ, 160 - 180 tấn lúa/năm sẽ phần nào giải quyết việc tự cung cấp lương thực tại chỗ cho các gia đình người dân tộc thiểu số bản địa, nhất là vào những ngày mưa mùa. Hẳn nhiên, những cánh đồng hẹp của Đồng Nai Thượng sẽ không phải là cánh đồng “thương hiệu” như ai đó lầm tưởng, khi lúa nước được mang về phủ hoang trên mảnh đất này. Bởi ngoài điều kiện thổ nhưỡng, diện tích ít ỏi, thì canh tác lúa nước vẫn còn khá “xa lạ” với thói quen, tập tục hằn in từ ngàn đời của con dân Bù Xa Lu Xiên. Không có hạt gạo đồi một vụ, thì bà con trồng mỳ, tỉa bắp; đất đồi chẳng phải làm nhiều, chọc lỗ, gieo hạt và đợi đến ngày thu, dẫu chẳng đóng chặt được nhiều bao để mang về góc bếp. Điều này lý giải cho việc cây điều vẫn được người dân Đồng Nai Thượng “tin dùng” dẫu năng suất và hiệu quả đã không còn.
K’Nâm, nông dân thế hệ lúa nước thứ hai ở vùng cao Đồng Nai Thượng |
Bí thư xã Đào Duy Mai nói chắc với tôi: “Thời gian tới, tất cả những diện tích đất hoang hoá, thích hợp với cây lúa nước sẽ được chúng tôi khai hoang cho người dân trồng hết. Không lâu nữa đâu, cả xã sẽ tự lo được lương thực, không phải mua gạo giá cao của thương lái chở lên hoặc vất vả xuống núi mua gạo ăn nữa”. Tôi tin lời của ông Bí thư vốn là một kỹ sư nông nghiệp, niềm tin ấy không mơ hồ khi được củng cố bằng sự chia sẻ của K’Nâm - một chàng trai trẻ của buôn: “Mình phải theo và làm cho được cây lúa nước, bởi hạt bắp, củ mỳ không làm no cái bụng. Có đủ gạo ăn quanh năm, thì mới yên tâm trồng các loại cây khác để làm giàu được. Vụ đầu tiên vừa thu, 2 sào cũng đủ lúa cho 4 miệng ăn cả năm”.
Ở Đồng Nai Thượng, sau những huyền thoại của núi thiêng, của rừng già là huyền thoại về một xã Anh hùng với sự kiên trung, bất khuất của người Mạ, người S’Tiêng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Lúa nước, như một câu chuyện huyền thoại đang được viết tiếp trên mảnh đất nghèo này. Trong hơi thở của đại ngàn sâu thẳm, hình như đã có tiếng chiêng, nhịp xoang của ngày Nhô R’he - Ngày lúa mới về kho.
TUẤN LINH