Ngày Tết năm Rắn đọc bài thơ “Rắn”

07:02, 09/02/2013

Năm Quý Tỵ (2013) cầm tinh con Rắn. Một loài vật gây cho con người phải tránh xa bởi nọc độc nguy hiểm của Rắn. Thế nhưng ở một số nước Rắn lại được tôn thờ như một vị thần linh...

Rắn

Chẳng phải liu điu * cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học ắt không tha
Thẹn đèn Hổ Lửa* đau lòng mẹ
Nay thét Mai Gầm* rát cổ cha
Ráo* mép chỉ quen tuồng lếu láo
Lằn* lưng chẳng phải vết roi da
Từ nay Trâu Lỗ* xin siêng học
Kẻo Hổ Mang* danh tiếng thế gia


(Chú thích):  * Tên các loài Rắn

Năm Quý Tỵ (2013) cầm tinh con Rắn. Một loài vật gây cho con người phải tránh xa bởi nọc độc nguy hiểm của Rắn. Thế nhưng ở một số nước Rắn lại được tôn thờ như một vị thần linh. Tôi đã từng xem người thổi kèn Rắn ở Ấn Độ. Con rắn Hổ Mang bị thôi miên bởi tiếng kèn ma mị uốn éo lắc lư thè cả lưỡi dài theo nhịp âm thanh của kèn lúc đó trông con Rắn thật đẹp - một vẻ đẹp hoang dã và thần bí.

Năm Rắn này đọc lại bài thơ Rắn của Lê Quý Đôn - Một nhà bác học nổi tiếng. Ông là tác giả tác phẩm “Vân Đài loại ngữ” - Cuốn bách khoa toàn thư tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học, bài thơ “Rắn” chứng tỏ sự hiểu biết khá kĩ của ông về động vật này.

Cái hay của bài thơ là bài giảng cho học trò về đạo học như một bài học về động vật học. Đây là bài thơ viết theo thể Đường luật vì thế các vế đối phải nghiêm chỉnh, gieo vần đúng luật. Ông đã khéo léo đưa được các tên loại rắn vào một cách tự nhiên: “Thẹn đèn Hổ Lửa đau lòng mẹ - Nay thét Mai Gầm rát cổ cha”, Hổ Lửa và Mai Gầm là tên hai loài Rắn nhưng nội hàm còn có ý nghĩa khác về động thái của con người. Cặp đôi thẹn đèn - Hổ Lửa và nay thét - Mai Gầm nói lên hai cách ứng xử hai tính cách của mẹ và cha. Mẹ dịu dàng kín đáo, cha mạnh mẽ răn đe, tất cả đều mong muốn con mình “Kẻo Hổ Mang danh tiếng thế gia”. Hai câu thực này của bài thơ vừa có tính so sánh vừa mang tính khách quan thì hai câu luận tiếp theo: “Ráo* mép chỉ quen tuồng lếu láo - Lằn* lưng chẳng phải vết roi da” đẩy tình huống trạng thái cảm xúc lên bậc cao hơn như buột ra từ lòng mình. Có chút giận dỗi mắng mỏ nhưng lại đầy bao dung nhân ái của ông đồ nho nghiêm khắc trước đám học trò nhỏ tuổi và nghịch ngợm này. Nhịp bài thơ vẫn cân đối nhưng có gì dồn nén khi Rắn ở đây là tên một chữ đơn “Ráo” và “Lằn” để kết thúc bằng một tiếng thở phào nhẹ nhõm khi học trò đã nhận ra lỗi của mình: “Từ nay Trâu Lỗ* xin siêng học - Kẻo Hổ Mang* danh tiếng thế gia”. Đưa được hai chữ “Hổ Mang” vào khung cảnh này thật đắc địa.

Bài thơ đến nay vẫn còn ý nghĩa với tác động “khuyến học” của nó. Và Rắn vẫn mang một vẻ đẹp riêng không những của uy lực thần linh mà còn là một vị thuốc y học cổ truyền - Rắn có một vẻ đẹp hoang dã nhưng rất gần gũi với con người. Đó cũng là loài động vật sinh ra để cân bằng môi trường sinh thái diệt những loài động vật gây hại mùa màng...

Tranh: Vũ Thị Lý
Tranh: Vũ Thị Lý

NGUYỄN NGỌC PHÚ