Năm 1685, vua Louis XIV huỷ bỏ chỉ dụ Nantes, không còn đối xử bình đẳng với những người theo giáo phái Calvin như trước. Étienne Domergue - ông tổ của dòng họ Yersin ở Thụy Sĩ - bị khủng bố phải rời quê cha đất tổ vùng Languedoc (miền Nam nước Pháp), di cư sang Thụy Sĩ, sống trong khu vực sử dụng tiếng Pháp.
Năm 2013 có 3 ngày ghi nhớ về Bác sĩ Alexandre Yersin: 150 năm ngày sinh (22/9/1863); 70 năm ngày mất (1/3/1943); 120 năm ngày ông thám hiểm cao nguyên Lang Biang (21/6/1893) và sau đó, ngày 19/7/1897, ông giới thiệu với Toàn quyền Paul Doumer cao nguyên Lang Biang để thành lập nơi nghỉ dưỡng. Tưởng nhớ Alexandre Yersin, tôi viết bài Ông Năm Yersin, một trái tim nhân hậu như một nén hương dâng lên hương linh ông. |
Alexandre John Émile Yersin (thường gọi là Yersin) sinh ngày 22/9/1863 tại một vùng miền núi ở Lavaux thuộc bang Vaud, nước Thụy Sĩ.
Năm 1685, vua Louis XIV huỷ bỏ chỉ dụ Nantes, không còn đối xử bình đẳng với những người theo giáo phái Calvin như trước. Étienne Domergue - ông tổ của dòng họ Yersin ở Thụy Sĩ - bị khủng bố phải rời quê cha đất tổ vùng Languedoc (miền Nam nước Pháp), di cư sang Thụy Sĩ, sống trong khu vực sử dụng tiếng Pháp.
Yersin là con út trong một gia đình có ba anh chị em. Thân phụ của ông - Alexandre Jean Yersin - là giáo viên sinh học Trường trung học Morges, thích nghiên cứu côn trùng học, từ trần đột ngột vì nhồi máu cơ tim ba tuần trước khi Yersin ra đời. Thân mẫu của ông - Fanny Isaline Moschell - sinh tại Paris.
Năm 1889, Yersin nhập quốc tịch Pháp. Trong những năm miệt mài nghiên cứu tại Viện Pasteur, Yersin đã chứng tỏ một thiên tài hiếm có, một con người giàu nghị lực, thông minh, ham tìm tòi, học hỏi. Tương lai tươi sáng mở ra trước mắt Yersin, nhưng Yersin lại hướng về những chân trời mới, muốn tìm ra lối thoát khỏi cuộc sống hiện tại: “Tôi luôn luôn mơ ước thám hiểm, khám phá đất lạ; khi còn trẻ, ta luôn luôn tưởng tượng những điều kỳ lạ sẽ đến, không có gì là không thể không làm được”.
Thế rồi, vào năm 1890, Yersin bất ngờ tạm rời bỏ ngành vi trùng học, sống đời thuỷ thủ và nhà thám hiểm, mở đầu một quãng đời khác thường kéo dài hơn 50 năm.
Ngay trong chuyến đầu tiên nhìn thấy Nha Trang, phong cảnh miền thuỳ dương cát trắng đã quyến rũ tâm hồn Yersin.
Ngày 8/8/1891, ông chọn Nha Trang làm nơi ở và làm việc cho đến cuối đời. Định cư gần xóm Cồn, ông thương yêu thành thật và sâu sắc những người nghèo khổ, gần gũi dân chài trong xóm, sống chan hoà với họ, chữa bệnh cho họ. Người dân xóm Cồn và những người Việt Nam quen biết ông rất cảm phục lối sống giản dị, hiền từ của ông và thân mật gọi ông là “Ông Năm” mặc dù ông thường mặc vải ka-ki, chưa bao giờ thấy ông mặc quân phục cấp trung tá (quan năm thầy thuốc).
Ông tự học thêm môn thiên văn học, hải dương học, dự báo thời tiết và đo mực nước thuỷ triều. Khi biết sắp có bão, biển động, ông treo một cái bồ lên trên cao để ngư dân nhìn thấy, không cho thuyền ra khơi, tránh tai hoạ. Vào những ngày giông bão, ông kêu gọi người dân trong xóm lên nhà ông tạm trú, mời họ ăn cơm với trứng vịt. Ông quay phim đời sống, sinh hoạt của người dân trong xóm, cảnh những người gây gổ nhau, rồi chiếu cho họ xem. Nhờ thế, ông đã giáo dục ngư dân sống thuận hoà.
Henri Jacotot - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang - đã viết về Yersin:
“Yersin nếu không bao giờ cúi đầu trong khi giao dịch với giới thượng lưu thì ông lại luôn luôn cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc với những người dân thường. Trong những chuyến thám hiểm, ông rất có cảm tình với người Việt Nam, ông nói tiếng Việt. Sự thận trọng, lịch sự, nhã nhặn, bình đẳng, khéo tay, năng khiếu quan sát, tinh xảo, linh hoạt của người Việt Nam phù hợp hoàn toàn với cá tính Yersin và ông đã chọn họ để phụ giúp ông thực hiện những dự án ông hằng quan tâm. Bản tính hiền hoà, khoan dung vô tận của Yersin, sự thấu hiểu nỗi khổ và nhu cầu của những người thân cận xâm chiếm tâm hồn họ. Ý niệm phân minh, sâu sắc về những việc thiện toả ra từ việc làm của ông càng làm cho họ kính trọng ông hơn”.
Sống độc thân, Yersin rất yêu quý trẻ em, thích chơi với con cái ngư dân và học sinh ở Nha Trang. Trong những ngày nghỉ học, nhiều em học sinh thường đến nhà ông để nô đùa, đọc sách, xem phim, ăn kẹo, ngắm trăng sao qua kính thiên văn,… Cung Giũ Nguyên - một trong những em học sinh ngày ấy về sau trở thành một nhà giáo, một nhà văn được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp - đã phát biểu trong hội thảo về Alexandre Yersin tổ chức vào năm 1991 tại Nha Trang:
“Chúng ta biết Yersin quý mến trẻ con. Ông ta dễ có thiện cảm với chúng hơn là với những người “ngửi mùi thành thị” và tự cho mình là tân thời vì Yersin đã giữ được tâm hồn ngây thơ, với sự vô tư lự, sự trong trắng, những mộng mơ của tuổi thơ. Thời đó, chúng tôi đã ngạc nhiên tìm thấy trong nhà ông Năm cả một tủ sách cho nhi đồng. Ông Năm cho phép chúng tôi lật xem những cuốn sách to tướng với bìa cứng, mép mạ vàng, nếu không phải để đọc thì xem những hình ảnh và theo dõi câu chuyện mà có khi ông Năm bằng lòng kể cho chúng tôi nghe. Phải chăng là đặc biệt cho những bạn trẻ mà ông ta mua sắm thứ sách ấy? Cũng hơi lạ vì trong phòng làm việc của một nhà bác học, trên nguyên tắc, phải là thứ sách khác, nghiêm chỉnh hơn. Nhưng người ta quả quyết với chúng tôi là trong những năm cuối đời, Yersin hằng ngày thường đọc những sách trẻ con ấy. Như vậy ông vẫn còn giữ được tính hiếu kỳ khó nguôi của trẻ, tính hiếu kỳ báo hiệu hay chuẩn bị cho sự khao khát hiểu biết và sự ham mê khám phá”.
Ngày 9/9/1938, Yersin viết di chúc:
“Tôi để lại cho cháu tôi Adolphe Yersin, giáo viên tại Trường trung học Aubonne (bang Vaud, Thụy Sĩ) tất cả những gì tôi sở hữu gồm có công trái và tiền mặt gửi tại Ngân hàng Lyon, chi nhánh A.O., số 2 đường Lecourbe ở Paris (trương mục 4156).
Cháu sẽ chia một cách công bằng số tiền này cho anh chị em cháu.
Tôi để lại cho Viện Pasteur Đông Dương tất cả tài sản thích hợp:
Bất động sản tôi đã xây dựng.
Đồ đạc trong nhà, tủ lạnh, điện thoại, máy ảnh.
Thư viện.
Tất cả thiết bị khoa học.
Thiết bị khoa học về vật lý địa cầu, thiên văn học, khí tượng học… có thể chuyển giao cho Đài Thiên văn Trung ương Phù Liễn trong trường hợp Viện Pasteur không có người sử dụng.
Tôi muốn những người Việt Nam già cả và trung thành với tôi được nhận tiền trợ cấp suốt đời từ tiền lời ngân phiếu tôi gửi với mục đích này tại Ngân hàng Hương Cảng - Thượng Hải ở Sài Gòn do ông Gallois ở Suối Dầu giữ.
Mong ông Jacotot phân chia tiền trợ cấp trước hết cho Nuôi, Dũng, Xê; Tinh Chi làm vườn,Dũ nuôi chim, Chút - một trong những người con của người phục vụ ông R. Gallois và tất cả những người khác thân cận với tôi mà ông Jacotot xét thấy xứng đáng.
Tôi muốn được an táng đơn giản, không nghi thức linh đình, không điếu văn.
Khoá của tủ sắt tôi là
F K
+
P U
Tái bút. - Trương mục của tôi tại Ngân hàng Hương Cảng - Thượng Hải và tiền bạc đựng trong tủ sắt sẽ được gửi thêm vào tiền vốn bảo đảm trợ cấp cho những người Việt Nam phục vụ tôi”.
Sau hơn nửa thế kỷ sống và làm việc tại Việt Nam, Yersin thanh thản ra đi vào lúc 1 giờ khuya ngày 1-3-1943. Hàng ngàn người dân Nha Trang đã lập bàn hương án, lặng lẽ đưa linh cữu ông đến nơi an nghỉ cuối cùng trên một gò đất cao ở Suối Dầu (nay thuộc xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà). Chùa Linh Sơn và Long Tuyền đã thờ ông, tưởng nhớ một ân nhân đã giúp đỡ nhiều người dân trong vùng.
Louis Pasteur - người thầy lỗi lạc của Bác sĩ Yersin - đã từng nói: “Khoa học không có tổ quốc nhưng nhà khoa học phải có một tổ quốc”, Bác sĩ Yersin không những chỉ có một tổ quốc mà có đến ba tổ quốc:
° Nước Thụy Sĩ, nơi ông sinh ra, sống những ngày thơ ấu, học bậc trung học và những năm đầu bậc đại học;
° Nước Pháp, nơi ông tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa, nghiên cứu trong Viện Pasteur Paris, nhận nhiều giải thưởng khoa học; thuyết trình về công trình nghiên cứu vi trùng bệnh dịch hạch (Yersinia pestis) và bệnh ỉa chảy (Yersinia enterocotitica); được tôn vinh Viện trưởng danh dự Viện Pasteur Paris;
° Nước Việt Nam, nơi ông sáng lập Viện Pasteur Nha Trang, trại chăn nuôi ở Suối Dầu, trồng thử nghiệm cây canh-ki-na, cao su, cà phê, ca cao, cọ dầu, cây sơn, Ipeca, Simaruba,…; đảm nhiệm trọng trách Hiệu trưởng Trường Y khoa Hà Nội, Tổng thanh tra các viện Pasteur ở Đông Dương; thám hiểm cao nguyên Lang Biang và giới thiệu với Toàn quyền Paul Doumer để thành lập nơi nghỉ dưỡng. Việt Nam cũng là nơi ông đã sống cùng người dân xóm Cồn, gần gũi với nhiều người Việt Nam và trẻ em Nha Trang với trái tim nhân hậu.
NGUYỄN HỮU TRANH
Tài liệu tham khảo chính Alexandre Yersin, nửa thế kỷ ở Việt Nam. Quỹ Văn hoá Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao, Hà Nội, 1992. Ông Năm Yersin (phim tài liệu). TFS, Thành phố Hồ Chí Minh, 2005. Alexandre Yersin trong lòng người Khánh Hoà (phim tài liệu). VTV, Hà Nội, 2008. Jacotot, Henri. Le Docteur Alexandre Yersin. Bulletin de la Société des Études Indochinoises, 1944, No 1. Yersin, Alexandre. Testament (copie). Nha Trang, 1943. |