“Trí thức trẻ tình nguyện” trên đất Đam Rông

07:02, 09/02/2013

Cách đây hơn mười năm, họ còn khoác trên mình chiếc áo xanh của thanh niên tình nguyện đến các thôn, buôn đầy khó khăn, vất vả của các xã vùng sâu, vùng xa huyện Lâm Hà và huyện Lạc Dương giúp đỡ người dân địa phương, mà hầu hết là bà con dân tộc thiểu số thay đổi tập tục sản xuất, sinh hoạt, đưa ánh sáng văn minh về cho mọi người, mọi nhà...

Cách đây hơn mười năm, họ còn khoác trên mình chiếc áo xanh của thanh niên tình nguyện đến các thôn, buôn đầy khó khăn, vất vả của các xã vùng sâu, vùng xa huyện Lâm Hà và huyện Lạc Dương giúp đỡ người dân địa phương, mà hầu hết là bà con dân tộc thiểu số thay đổi tập tục sản xuất, sinh hoạt, đưa ánh sáng văn minh về cho mọi người, mọi nhà. Hồi đó, sự hồn nhiên, nhiệt tình và khát khao được cống hiến  luôn hừng hực trong trái tim, trong dòng máu nóng của họ, để họ đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì cần, với tinh thần “không có việc gì khó”. Hôm nay, vẫn với sự nhiệt tình, khát khao được cống hiến đó, họ đã trưởng thành trên vùng quê mới Đam Rông.
 

Anh Thái Viết Phúc - Chủ tịch UBND xã Rô Men, huyện Đam Rông
Anh Thái Viết Phúc - Chủ tịch UBND xã Rô Men, huyện Đam Rông

1. Cuối năm, tôi chạy xe máy từ trung tâm huyện vào xã Rô Men dài hơn 10 km, đến nơi nhận được sự thông cảm của vị Chủ tịch xã: “Anh đi làm việc đâu đó, hẹn 12 giờ trưa anh em mình tranh thủ làm việc. Giờ em đang bận kiểm điểm và bàn một số công việc quan trọng cuối năm của xã”. Lại phải quay về huyện, 12 giờ trưa, gặp lại Chủ tịch UBND xã Thái Viết Phúc (1975), lại nhận được sự hối thúc: “Anh em ta tranh thủ làm việc nhanh, chiều nay em phải tiếp tục họp, giải quyết nhiều công việc quan trọng của địa phương”. Với tinh thần khẩn trương đó, Chủ tịch Phúc cho biết: Anh quê ở Thừa Thiên-Huế, tốt nghiệp Đại học Đà Lạt năm 2000. Khi biết tin Trung ương Đoàn có chương trình “Trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển KT-XH miền núi”, anh nộp đơn và được Tỉnh Đoàn Lâm Đồng bố trí về công tác tại xã Rô Men, huyện Lâm Hà.

Sau hai năm sát cánh cùng những trí thức trẻ tình nguyện khác đi khắp các thôn, buôn tuyên truyền, vận động người dân địa phương nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động, anh ra khỏi chương trình và được điều động về Phòng GD-ĐT Lâm Hà làm công tác phổ cập giáo dục. Do điều kiện gia đình ở xa đơn vị công tác, tháng 8-2004, anh lại xin quay trở về Rô Men công tác và được bố trí làm cán bộ địa chính xã. Sau khi thành lập huyện Đam Rông, xã Rô Men cũ được chia tách thành xã Đạ R’Sal, tháng 8/2005 anh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Đạ R’Sal. Từ tháng 11/2010, UBND huyện điều động luân chuyển về xã Rô Men và được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã, HĐND huyện Đam Rông, giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Rô Men. Đã từng gắn bó với đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, nên ở cương vị chủ tịch của một xã có trên 58% là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo trên 31%, lại trong bối cảnh nội bộ lãnh đạo xã có nhiều vấn đề “bất an” 3 lần thay đổi chủ tịch, 5 lần thay đổi bí thư, anh Phúc hiểu rằng: Muốn “thoát nghèo nhanh-bền vững” phải củng cố sự đoàn kết, đồng thuận nội bộ, để “nói dân nghe, làm dân tin” và phải thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo hướng đa dạng hoá cây, con mang lại giá trị kinh tế cao. Từ nhận thức đó, anh đã cùng với đồng chí Bí thư Đảng bộ xã tập trung công tác củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức từ xã xuống thôn, buôn và chỉ đạo các ngành chức năng xã, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, TT Nông nghiệp, Phòng NN-PTNT huyện tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, tín chấp vay vốn, mua phân bón trả chậm, tổ chức các mô hình sản xuất, chăn nuôi điểm. Kết quả, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cà phê hạt cao sản trồng xen cây ăn trái sầu riêng, chôm chôm, ca cao, mắc ca và nuôi gà thả vườn, heo địa phương, trâu, bò laisind, nuôi cá hồ… Nhờ vậy, hộ nghèo giảm xuống còn 19,8% và đang có xu hướng “giảm nghèo nhanh-bền vững”…
 

Chị Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện Đam Rông
Chị Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện Đam Rông

2. Là người dân tộc Tày, theo bố mẹ vào định cư tại huyện Bảo Lâm, chị Nguyễn Thị Hồng Thuyên (1981) tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (2003) đã tình nguyện tham gia chương trình “Trí thức trẻ tình nguyện” giai đoạn II (2003-2004) tại xã Liêng Srônh, huyện Lâm Hà. Khi Đam Rông thành lập tháng 12-2004, chị Thuyên tình nguyện ở lại và được điều về huyện làm cán bộ chuyên trách. Trải qua nhiều cương vị: Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó phòng LĐ-TBXH, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy được tín nhiệm bầu vào BCH huyện Đảng bộ Đam Rông khoá II, nhiệm kỳ 2010-2015 và tháng 10/2011 được đề bạt Trưởng phòng LĐ - TBXH. Ở cương vị mới có nhiều công việc khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi chị phải nỗ lực nhiều để tập hợp cán bộ trong phòng thực hiện một khối lượng lớn công việc, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân về chế độ tiền lương, bảo hiểm và các chế độ khác của người lao động, người dân, nhất là người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào DTTS…

Ngoài ra, còn phải làm tốt việc tham mưu cho huyện thực hiện chương trình “Giảm nghèo nhanh - bền vững” theo NQ 30a của Chính phủ. Ý thức được vấn đề không chỉ có tinh thần trách nhiệm mà còn phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, chị Thuyên tiếp tục “vừa làm, vừa học” để hoàn thành chương trình đại học vào tháng 8/2013.
 

Chị Nguyễn Thị Mùi - Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Đam Rông
Chị Nguyễn Thị Mùi - Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Đam Rông

3. Hơi đặc biệt hơn các bạn trẻ khác, chị Nguyễn Thị Mùi (1979) quê Thái Nguyên, theo bố mẹ vào định cư ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh tham gia chương trình “Trí thức trẻ tình nguyện” sau khi tốt nghiệp khoa Anh văn, Đại học Đà Lạt (2003) cùng lúc với em gái và cả hai chị em được Tỉnh Đoàn phân công về xã Đạ Tông, huyện Lạc Dương. Sau hai năm ra khỏi chương trình, em gái chuyển về Di Linh công tác, chị Mùi quyết định bám trụ trên vùng đất mới Đam Rông và được Huyện uỷ điều về làm chuyên viên tại Văn phòng Huyện uỷ, đảm đương một số công việc chuẩn bị cho sự ra mắt của huyện mới Đam Rông. Sau đó, liên tục được tín nhiệm đề bạt giữ nhiều cương vị khác nhau như: Phó Chủ tịch Hội LHPN, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện và được cử đi học tại Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Sau khi tốt nghiệp, trở về Đam Rông tiếp tục công tác và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nên tại Đại hội huyện Đảng bộ Đam Rông khoá II, nhiệm kỳ 2010-2015, được bầu làm HUV, giữ chức vụ Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Huyện uỷ. Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, lại “sinh sau đẻ muộn” nên công tác củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở giữ vị trí hết sức quan trọng. Trong đó công tác phát triển đảng viên được xem là then chốt, nhằm tạo nguồn cho công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong bối cảnh huyện miền núi, có đến 70% dân số là đồng bào DTTS. Hiểu được điều đó, nên chị Mùi luôn tham mưu cho cấp uỷ trong việc phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực để phát triển đảng viên. Nhờ vậy, công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác phát triển đảng viên của huyện Đam Rông những năm qua luôn đạt được những kết quả như mong muốn; đặc biệt là ở những môi trường cần quan tâm ưu tiên phát triển Đảng như: Lực lượng vũ trang, phụ nữ, giáo viên và đồng bào DTTS. Công việc nhiều lúc cuốn hút người cán bộ, trí thức trẻ, đến độ có người nói đùa “bà phó trưởng ban mải mê việc công “suýt” quên cả “chuyện riêng tư”. Nhưng không sao, nay thì chị Mùi gặp thuận lợi hơn nhiều trong mọi lĩnh vực cuộc sống, bởi chồng chị cũng xuất phát từ “cái nôi” của “Trí thức trẻ tình nguyện!”.
 

Anh Nguyễn Duy Hùng - Phó Giám đốc TTVH huyện Đam Rông
Anh Nguyễn Duy Hùng - Phó Giám đốc TTVH huyện Đam Rông

4. Cũng như bao “trí thức trẻ tình nguyện” khác, anh Nguyễn Duy Hùng” - Phó Giám đốc TTVH huyện Đam Rông buổi đầu được Tỉnh Đoàn phân công về công tác tại xã vùng sâu, xa Đạ Long, huyện Lạc Dương, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP HCM năm 2002. Sự say mê, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã cho anh Hùng nhiều “thế mạnh” để tổ chức những chương trình văn hoá, văn nghệ, những đêm giao lưu “hát cho nhau nghe”, những ngày dài rong ruổi vùng sâu, vùng xa tuyên truyền, cổ động trực quan, hay tổ chức những lớp truyền dạy, biểu diễn cồng chiêng… Chúng tôi gặp anh Hùng trong những ngày vui khi Đam Rông vừa tổ chức thành công lễ kỷ niệm 8 năm thành lập huyện với nhiều chương trình văn hoá, văn nghệ đặc sắc và hiện đang gấp rút hoàn thành chương trình lớn đón chào Xuân mới Quý Tỵ 2013. Trong niềm vui và sự khẩn trương của công việc, anh cho biết “Dù đã qua cái tuổi bồng bột, sôi nổi của cái thời “Trí thức trẻ tình nguyện”, nhưng chúng tôi lúc nào cũng cảm giác mình đang trẻ, đang khát khao niềm tin và mong muốn được cống hiến, bởi trong chúng tôi ngọn lửa đam mê và sự nhiệt tình của tuổi trẻ chưa bao giờ nguội lạnh!”.

Ngọn lửa đam mê và sự nhiệt tình của “trí thức trẻ tình nguyện” đang thắp sáng niềm tin về một tương lai gần Đam Rông sẽ “thoát nghèo nhanh - bền vững”. Bởi ở đó có những con người thực sự trẻ về tâm hồn, về kiến thức, về ý thức trách nhiệm và lòng nhiệt huyết đang lao động hết mình vì cộng đồng, vì ngày mai tươi sáng của quê hương!

HOÀNG KIẾN GIANG