Phác thảo vài chân dung

09:02, 10/02/2013

Thật khó cho người viết bài này khi phải lựa chọn những gương mặt văn nghệ sỹ Lâm Đồng trước khi đặt bút...

Thật khó cho người viết bài này khi phải lựa chọn những gương mặt văn nghệ sỹ Lâm Đồng trước khi đặt bút. Bởi vậy, tôi xin thú thật là “nhớ đâu nói đó”, nhớ đâu thì “vẽ phác thảo” chân dung người ấy vậy! Với lại, theo tôi, trong hơn 240 gương mặt văn nghệ sỹ Lâm Đồng, mỗi người có những ưu khuyết khác nhau nhưng tựu trung, ai cũng có một điều gì đó thật đáng quý, thật đáng để “phác thảo” chân dung trong bài viết này. Bởi vậy, cái khó chính là ở chỗ đó. Và cũng xin được nói trước là trong những “phác thảo” này, sẽ có người mà tôi chơi thân, cũng có người mà tôi chỉ biết họ qua trang viết mà thôi.

Lẵng hoa chúc mừng giới âm nhạc Lâm Đồng
Lẵng hoa chúc mừng giới âm nhạc Lâm Đồng


Nhà thơ Đào Hữu Thức

Một trong những chân dung tôi xin được nhắc đến đầu tiên đó là nhà thơ Đào Hữu Thức ở Chi hội Văn học thuộc Hội VHNT Lâm Đồng. Cách nay chưa lâu, tôi đến một cơ sở y tế của Lâm Đồng để thăm anh và thật bất ngờ là hoá ra chơi thân với anh lâu nay là vậy nhưng suốt cả mấy tháng trời anh nằm dưỡng bệnh nhưng tôi cứ tưởng “không có gì phải ầm ĩ”, nhưng sự thật thì không như tôi nghĩ. Hiện lúc này, qua hai lần tai biến, nhà thơ Đào Hữu Thức đã gần như không còn đi lại và trò chuyện một cách bình thường.

Năm 2003, nhà thơ Đào Hữu Thức tặng tôi tập thơ đầu tay “Đêm thức” của anh. Có “Đêm thức” trong tay, tôi đọc liền một mạch và trong tôi tự thôi thúc viết bài giới thiệu trên tờ Lâm Đồng, bởi trong “Đêm thức” có một câu thơ đặc biệt ấn tượng: “Nhớ quê ai nhớ trật bao giờ”. Sau “Đêm thức”, nhà thơ Đào Hữu Thức còn cho ra đời một số tập thơ và truyện ngắn. Tuy nhiên, có lẽ một trong những ấn phẩm gây ấn tượng bởi cái sự “lạ” của nó là tập thơ viết cho tuổi nhi đồng: “Bé kể cho nghe”. “Bé kể cho nghe” có đến 44 bài thơ “bé kể” nhưng bài nào cũng đáng để đọc. Hơn thế, có thể nói, cho đến lúc này, không nhiều nhà thơ ở Lâm Đồng có được sự thành công như Đào Hữu Thức khi viết cho tuổi nhi đồng. Ví như trong “Mẹ về”, không mấy người tạo được sự bất ngờ như anh: “Mẹ đội nón bảo hiểm/Bé nhìn mãi chẳng ra/Thế mà Mi Lu biết/Vẫy đuôi mừng từ xa”. Hoặc như: “Bà ơi ra bãi biển/Bà nhớ cụp ô vào/Gió chiều nay lồng lộng/Bà bay mất thì sao” (Dặn bà).

Nhà phê bình Phạm Quang Trung

Với tôi, nhà nghiên cứu - phê bình văn chương Phạm Quang Trung là bậc thầy (ông là giáo viên của Trường Đại học Đà Lạt). Ngay từ những năm 90, tôi đã may mắn được tiếp cận với nhiều tác phẩm của ông như “Học giả với thi nhân” (khảo cứu, 1994), “Lý luận trước chân trời mở” (phê bình văn học, 1998), “Lặng lẽ giữa trang văn” (phê bình văn học, 1998), “Thơ trong con mắt người xưa” (khảo cứu, 1999)… Tất nhiên là thời những năm 90 ấy, tôi chỉ “tiếp cận” với các tác phẩm của nhà nghiên cứu - phê bình văn chương Phạm Quang Trung mà thôi; bởi, tuy có tình thầy trò thật đấy nhưng một khoảng cách nhất định cần phải có nghiễm nhiên tồn tại giữa ông và tôi. Mãi đến năm 2010, khoảng cách này được thu gọn hơn khi tôi được thầy Phạm Quang Trung trực tiếp ký tặng tập tiểu luận, phê bình văn chương “Hồn cây sắc núi” của ông. Hơn thế, tôi còn được nghe ông tâm sự: “Tôi sinh ra ở Ninh Bình nhưng có hơn 40 năm sống ở vùng rừng núi từ Tây Bắc đến Tây Nguyên. Bởi vậy, mảng đề tài miền núi đã chiếm một khoảng không gian không nhỏ trong lao động nghệ thuật cũng như trong giảng dạy của tôi từ nhiều năm qua”.

Có lẽ khó mà kể hết ra đây những tác phẩm lý luận, phê bình, khảo cứu văn chương mà TS Phạm Quang Trung đã viết trong mấy chục năm qua. Nhưng khi nhắc đến nhà phê bình văn chương Phạm Quang Trung, không thể không nhắc đến một câu nói của ông khá nổi tiếng: “Nên coi viết văn là nghiệp hơn là nghề!”. Hẳn câu nói này sẽ còn đúng với nhiều và rất nhiều năm sau và với nhiều và rất nhiều người cầm bút.

Nhạc sỹ Hà Huy Hiền

Một trong những nhạc sỹ mà tôi được tiếp cận sớm ở Lâm Đồng là nhạc sỹ Hà Huy Hiền. Từ những năm 80, ông đã rất nổi tiếng với ca khúc “Nhân dân Nam Tây Nguyên nhớ Bác”. Được biết nhạc sỹ Hà Huy Hiền từ rất sớm nên nhờ thế mà tôi biết ông là nhạc sỹ được kết nạp vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam sớm nhất trong tất cả các anh em nhạc sỹ ở Lâm Đồng: 1962! Càng bất ngờ hơn khi biết thêm rằng, trước khi được kết nạp vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hà Huy Hiền đã có những ca khúc để đời như “Chiều biên giới” viết năm 1951, “Hà Giang biên cương anh hùng” viết vào năm 1957… Rồi nữa, ông là một trong số ít người ở Lâm Đồng được gặp Bác Hồ. “Hôm ấy, tôi đang làm thông dịch cho các chuyên gia Triều Tiên thì Bác đến. Mọi người ai cũng bất ngờ. Bác nói với tôi là hãy ngồi bên cạnh Bác và tiếp tục dịch. Sau này, một sỹ quan quân đội có gửi tặng tôi bức ảnh chụp tôi ngồi cạnh Bác hôm ấy…”.

Giới âm nhạc Lâm Đồng rất nể phục nhạc sỹ Hà Huy Hiền ở chỗ ông khá trung thành với chất liệu dân ca trong sáng tác ca khúc. Khi còn công tác ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhạc sỹ Hà Huy Hiền khá thành công với những “Lượn xuân trên nương lúa”, “Dân ca Pu Pảu”… Khi được vào công tác tại Nam Tây Nguyên, nhạc sỹ Hà Huy Hiền ngay lập tức mang âm hưởng dân ca các dân tộc thiểu số bản địa của vùng đất này vào các sáng tác “Tình khúc Pongour”, “Di Linh một chiều”, “Say mê và khát khao”, “Như đại bàng tung cánh”… và đặc biệt là “Nam Tây Nguyên nhớ Bác”.

Giới thiệu tranh với công chúng
Giới thiệu tranh với công chúng


Hoạ sỹ Võ Trịnh Biện

Nói đến hoạ sỹ “nhất dương chỉ” thì Lâm Đồng chỉ có một, đó là Võ Trịnh Biện. Biện kể rằng con đường đến với nghệ thuật “nhất dương chỉ” của anh cũng rất tình cờ: Một lần lau bảng đen, nghịch ngợm “chấm phá” mấy ngón tay lên phấn, bỗng cả tấm bảng đen hiện ra trước mắt anh là một bức tranh ngẫu nhiên và vô cùng thú vị. “Tại sao cứ vẽ bằng cọ mà không vẽ bằng ngón tay?”. Ý nghĩ chợt loé lên trong đầu và bắt đầu từ đó, Võ Trịnh Biện đã trung thành với lối vẽ này và trở thành nổi tiếng. Đến giờ này, lên phố núi Đà Lạt, hỏi hoạ sỹ Võ Trịnh Biện “nhất dương chỉ”, hầu như ai cũng biết.

Cũng đã hơn hai mươi năm vẽ, đôi lúc cũng đã thử một vài lối vẽ khác nhưng “dấu tay” của Biện vẫn là đường nét chủ đạo để lại được ấn tượng rất riêng, rất lạ mà hình như giới cầm cọ ít nhất là ở Việt Nam không có được. Cho đến giờ này, tôi không thực sự nhớ chính xác hoạ sỹ Võ Trịnh Biện đã tổ chức tổng cộng bao nhiêu lần triển lãm nhưng chắc chắn một điều rằng thông qua các cuộc triển lãm ấy, Biện đã ghi lại “dấu tay” của mình trong lòng công chúng là điều đọng lại lớn nhất. Không chỉ để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng trong nước và du khách nước ngoài khi đến Đà Lạt mà hồi năm 2006, anh được mời sang Hồng Kông để biểu diễn “cách chơi tranh” bằng “nhất dương chỉ” và được công chúng nước chủ nhà vô cùng ngạc nhiên và cảm thấy thú vị. Một hoạ sỹ đàn anh nói về tác phẩm của Võ Trịnh Biện: “Đó là những thành công sinh ra từ sự bất ngờ của một lối vẽ lạ. Nhưng trước hết, đó là những quan sát, trải nghiệm… của người hoạ sỹ “nhất dương chỉ” như những “Không nhà”, “Đối thoại”, “Mưu sinh”, “Vết thương lòng”, “Chết cho trăng”…”.

KHẮC DŨNG