Thắp sáng thêm niềm tin chiến thắng

02:01, 22/01/2019

Trước đây, trong mỗi người dân Việt Nam, cứ tết đến xuân về, ai ai cũng háo hức đón nhận Thơ chúc Tết của Bác Hồ và hồi hộp chờ đợi giây phút thiêng liêng được nghe Người đọc thơ chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài trên Ðài Tiếng nói Việt Nam. 

Trước đây, trong mỗi người dân Việt Nam, cứ tết đến xuân về, ai ai cũng háo hức đón nhận Thơ chúc Tết của Bác Hồ và hồi hộp chờ đợi giây phút thiêng liêng được nghe Người đọc thơ chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài trên Ðài Tiếng nói Việt Nam. 
 
Bài Thơ Chúc Tết năm 1969, đến Tết Kỷ Hợi 2019 đã tròn 50 năm, là một trong ba bài thơ chúc tết được Bác viết theo thể lục bát, một thể loại thơ truyền thống của dân tộc, rất gần gũi với ca dao, dân ca, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. 
 
Mở đầu bài thơ, Bác viết “Năm qua thắng lợi vẻ vang”, tổng kết năm cũ bằng một lời khẳng định dứt khoát; bởi đầu năm 1968, quân và dân miền Nam đã đồng loạt tiến hành cuộc tiến công và nổi dậy đánh thẳng vào đầu não của kẻ thù, các dinh lũy kiên cố nhất của giặc, kể cả Đại sứ quán của Mỹ, làm chấn động cả nước Mỹ và thế giới, khiến đế quốc Mỹ và tay sai vô cùng hoang mang, lo sợ. Và toàn bộ âm vang chiến thắng vang dội của quân và dân miền Nam trong năm 1968 được dội vào thơ xuân 69 của Bác, “Năm nay, tiền tuyến chắc càng thắng to”. Cụm từ “Chắc càng thắng to”, mặc dù chưa phải là một sự khẳng định hoàn toàn (100%), nhưng dự đoán của Bác đã có hàm ý khẳng định thế tăng tiến “chắc càng” hơn năm 1968. Ý thơ hai câu mở đầu có ý nghĩa động viên, khích lệ to lớn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước, tạo ra khí thế, niềm tin cho năm mới. 
 
Hai câu thơ tiếp theo, với lời thơ giản dị, súc tích, nhưng đã hàm chứa trọn vẹn mục đích, lý tưởng và khẩu hiệu hành động của cuộc chiến đấu anh dũng của Nhân dân ta, là “Vì độc lập, vì tự do”; chỉ ra chiến lược, phương châm, kế sách cho giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là đánh thắng địch từng bước, đánh bại từng bộ phận quan trọng của địch, trước hết phải “Đánh cho Mỹ cút”, sau đó mới “đánh cho ngụy nhào”; buộc địch phải xuống thang chiến tranh, tiến tới giành được thắng lợi hoàn toàn. Việc Bác chỉ ra “Đánh cho Mỹ cút” trước để cho “ngụy nhào” sau là một chiến lược, kế sách hết sức đúng đắn dựa trên cơ sở “biết địch, biết ta” sẽ “trăm trận trăm thắng”. 
 
Câu thơ thứ 5 “Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào”, tính chất là một câu lục nhưng được Bác thể hiện một cách sáng tạo, độc đáo với nhịp thơ 2/4, tách thành một câu cảm thán “Tiến lên!” và vế còn lại “Chiến sỹ đồng bào”, hàm chứa nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là một lời hiệu triệu, mà còn là một mệnh lệnh xuất trận, mà mệnh lệnh ấy không chỉ xuất phát từ vai trò, trách nhiệm của một vị lãnh tụ cách mạng, người đứng đầu Đảng, Nhà nước kêu gọi Nhân dân đánh giặc, cứu nước, mà còn xuất phát từ trái tim nhân ái, bao dung, hết mực yêu thương đồng bào, đồng chí của Bác được toát lên từ hai tiếng “đồng bào” quá đỗi gần gũi, thân thương. Điểm qua những bài viết, lời nói của Bác, hai tiếng “đồng bào” được Bác sử dụng đúng lúc, đúng chỗ luôn chứa đựng ý hàm xúc; bởi hai tiếng “Đồng bào” đã bao hàm trong đó tình cảm thiêng liêng cao quí, gợi nhớ tới cội nguồn truyền thống dân tộc, sự đoàn kết, thống nhất,...
 
Kết thúc bài thơ, Bác viết “Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn!”. Câu thơ không chỉ hàm chứa niềm tin, ước vọng và niềm vui chiến thắng, mà còn là sự khẳng định về ngày thắng lợi cuối cùng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối; Nhân dân cả nước được hưởng cuộc sống độc lập, tự do; một niềm vui lớn lao, niềm vui không gì so sánh nổi. Đó cũng là mục tiêu, lý tưởng thiêng liêng cao cả, là niềm tin, ước nguyện tình cảm sâu sắc và chân thành mà Bác Hồ đã suốt đời phấn đấu, hy sinh. Giữa giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thì niềm tin tưởng sâu sắc và lời cầu chúc “Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn” của Bác Hồ đã truyền thêm niềm tin và sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên hoàn thành thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một cuộc chiến tranh khốc liệt, lâu dài nhất trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. 
 
Thực tế sau 6 năm Bác Hồ đọc bài “Thơ Chúc Tết năm 1969” - Xuân Kỷ Dậu, những gì đã diễn ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn toàn đúng như lời chỉ dẫn và tiên đoán trong bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người. Và mùa xuân 1975 là mùa xuân cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, đất nước thống nhất “Bắc - Nam sum họp một nhà!”, để cả nước ta cùng hát vang bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
 
50 năm đã trôi qua, một mùa xuân mới đã về và lại thêm một mùa xuân nữa vắng Bác, chúng ta bồi hồi xúc động đọc lại bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người  - Xuân Kỷ Dậu 1969; đọc lại từng câu, ngẫm nghĩ từng con chữ, cảm nhận được bao điều lớn lao, sâu xa từ những vần thơ của Bác rất gần gũi, chân tình, bình dị nhưng hết sức lay động lòng người. Nhớ Bác Hồ, yêu quý Người, chúng ta nguyện tiếp bước mạnh mẽ trên con đường mà Bác và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra; tự giác, sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người trước lúc đi xa.
 
VĂN NHÂN