Sau nửa nhiệm kỳ và quyết tâm phía trước

02:01, 22/01/2019

"Năm mười mười lăm hai mươi" - câu đồng dao như chẳng ăn nhập gì với sự phát triển kinh tế nhưng chí ít gợi mở khung thời gian 5 hay 10 năm tương ứng với kế hoạch trung và dài hạn trong phát triển kinh tế, xã hội Lâm Ðồng. Thoắt cái "tam đầu niên" kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2015 - 2020) trôi qua cũng là lúc nhìn lại "gia tốc" phát triển để nhận ra "việc cần làm" phía trước đối với nền kinh tế Lâm Ðồng.

“Năm mười mười lăm hai mươi” - câu đồng dao như chẳng ăn nhập gì với sự phát triển kinh tế nhưng chí ít gợi mở khung thời gian 5 hay 10 năm tương ứng với kế hoạch trung và dài hạn trong phát triển kinh tế, xã hội Lâm Ðồng. Thoắt cái “tam đầu niên” kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2015 - 2020) trôi qua cũng là lúc nhìn lại “gia tốc” phát triển để nhận ra “việc cần làm” phía trước đối với nền kinh tế Lâm Ðồng.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp hình lưu niệm với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. Ảnh: Chính Thành
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp hình lưu niệm với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Ảnh: Chính Thành

Kết thúc năm 2018, nền kinh tế Lâm Đồng phát đi tín hiệu lạc quan với “mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập và đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục được cải thiện”. 
 
Duy trì tăng trưởng khá 
 
Sự tăng trưởng khá đó được thể hiện bởi mức gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Lâm Đồng (theo giá so sánh 2010) tăng thêm 8,59% so với kế hoạch trong năm đề ra là từ 8,5 - 8,7% coi như đạt mục tiêu. Cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch theo hướng tích cực khi tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 45,7%, công nghiệp - xây dựng chiếm 17,83% và ngành dịch vụ chiếm 36,47% đều nằm trong ngưỡng mục tiêu mà kế hoạch đặt ra. Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người đạt 59,74 triệu đồng/năm, tăng cao hơn mục tiêu kế hoạch phấn đấu từ 58,5 - 59 triệu đồng. 
 
Những số liệu trên khi lướt qua ngỡ tưởng chỉ là những con số bình thường nhưng thực ra chứa đựng trong đó là cả một sự chuyển động của đời sống xã hội. Điều đó ghi nhận một năm mà từ tỉnh đến địa phương đã nỗ lực không ngừng nghỉ, tạo ra những giá trị kinh tế mới thông qua việc mở rộng đầu tư sản xuất, lượng hàng hóa được sản xuất ra, còn biểu đồ thu nhập bình quân của gần 1,4 triệu dân Lâm Đồng có mức thu nhập cao hơn bình quân trong cả nước. “Bằng cách chỉ ra một vài chỉ số đo đếm được này, chúng ta dễ nhận ra “bức tranh” kinh tế Lâm Đồng mang sắc màu lạc quan để tự tin bước vào năm 2019 với những kỳ vọng mới trong khí thế thi đua nước rút nhằm hoàn thành kế hoạch 5 năm mà Lâm Đồng đặt ra” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận chia sẻ. 
 
Đánh giá của UBND tỉnh cũng chỉ ra rằng, trong 18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra mà Lâm Đồng thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó có tới 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Những điểm sáng đáng ghi nhận đấy là: Sản xuất nông nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và cao hơn bình quân chung của cả nước; ngành công nghiệp, xây dựng và lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, lượng khách du lịch, khách qua lưu trú tăng khá so với cùng kỳ; thu ngân sách vượt dự toán của Tỉnh ủy, HĐND giao... và sẽ còn tạo ra những dư địa phát triển cho năm tiếp theo ở các lĩnh vực kinh tế nêu trên. 
 
Chỉ còn chưa đầy hai năm nữa Lâm Đồng sẽ tiến hành tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (sau đây gọi là Nghị quyết Đảng bộ tỉnh) và chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhìn lại 3 năm thực hiện phát triển mọi mặt trong lĩnh vực kinh tế có thể hiểu sâu hơn những kết quả đạt được và nhiệm vụ còn lại cần phải thực hiện. Nền nông nghiệp Lâm Đồng phát triển rộng khắp, tiếp tục đứng đầu cả nước với sự gia tăng 9.692 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sau 3 năm, nâng tổng số diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đến nay lên 52.766 ha, chiếm 18,9% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Chăn nuôi phát triển tương đối nhanh, tỷ lệ độ che phủ rừng đảm bảo. Vì vậy, kinh tế nông nghiệp của Lâm Đồng có mức tăng trưởng GRDP bình quân 3 năm qua đạt 4,9%, giá trị thu hoạch vào cuối năm 2018 đạt 173 triệu đồng/ha. Cùng đó công nghiệp và xây dựng trong 3 năm qua có mức tăng bình quân 8,6%, trong đó đáng chú ý lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát triển, chiếm tỷ trọng 72% sản xuất ngành công nghiệp. Còn khu vực thương mại, dịch vụ tăng bình quân 15,86% trong 3 năm trở lại đây và nếu so với Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đặt ra là 15%, coi như chỉ tiêu này vượt kế hoạch với 0,86 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 14,5%, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng cả hai mặt về lượng và giá trị, lượng khách tới tham quan du lịch tăng 8,42% mỗi năm và thu ngân sách nhà nước có tốc độ tăng thu bình quân 15,6% trong 3 năm qua... Mặt khác, bước vào năm 2019, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng có khoảng 8.100 doanh nghiệp, trung bình tăng 13,3% về số doanh nghiệp/năm và 14,1% về vốn/năm trong vòng 3 năm trở lại đây.
 
Phấn đấu bằng và vượt nghị quyết
 
Từ những kết quả đạt được nêu trên, tại Kết luận số 414 - KL/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã khẳng định: Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm qua đạt 8,3%, đạt mức bình quân chung cả nhiệm kỳ, quy mô kinh tế tăng đáng kể - chiếm 1,4% quy mô kinh tế cả nước, GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý; các ngành, lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, du lịch khẳng định được ưu thế...
 
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đức Quận cho hay: “Có thể nhận thấy, hầu hết chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra đều đạt và vượt. Cụ thể, có 13 trong 19 chỉ tiêu cơ bản đạt khá và có khả năng vượt so với Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, riêng đối với 6 chỉ tiêu và 4 thành phần thuộc các chỉ tiêu khác cần phải phấn đấu để đạt như nghị quyết đề ra. Do đó, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh, các cấp chính quyền phải thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện thắng lợi theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Lâm Đồng vào ngày 30/7/2018, đó là “Lâm Đồng, niềm tin mới, phát triển mới, xen lẫn thách thức cũ và cần có bước đột phá”. “Niềm tin mới, phát triển mới” đấy chính là tiếp tục nỗ lực phấn đấu dựa trên những kết quả đã đạt được và tranh thủ thời cơ thuận lợi; còn “thách thức cũ” là những khó khăn mà một phần đến từ năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp cần phải vượt qua để “có bước đột phá” trong việc đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng từ nay đến năm 2020 bằng hoặc cao hơn bình quân 3 năm trước. Trên cơ sở đó, Lâm Đồng tiếp tục hướng trọng tâm vào việc: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp bằng việc thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp có chọn lọc và khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, khoáng sản và công nghiệp công nghệ cao; huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thương mại, phát triển du lịch chất lượng cao và quản lý, điều hành ngân sách hiệu quả; quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ... Vì vậy, trong hai năm tới, nhiệm vụ đặt ra đến cuối nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh vào năm 2020 cần phải thực hiện các chỉ tiêu cơ bản đó là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 8,5 - 9,0%; cơ cấu kinh tế, trong đó nông - lâm - thủy sản chiếm 46 - 46,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 19,5 - 20%, dịch vụ 33,5 - 34%; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 - 73 triệu đồng/năm; tổng đầu tư phát triển xã hội chiếm 36% so với GRDP; tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 10 - 12%/năm; tốc độ kim ngạch xuất khẩu tăng từ 14 - 15%/năm và lượng khách du lịch tăng từ 8 - 10%/năm.
 
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế vào năm 2020, tuy nhiệm vụ còn rất nặng nề nhưng bằng sự tăng tốc mạnh mẽ, phấn đấu với quyết tâm cao nhất Lâm Đồng sẽ hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra.
 
HỒ XUÂN TRUNG